Phở Hà Nội
Nói đến món sợi đặc trưng của đất Bắc là không thể không nhắc đến phở Hà Nội. Thậm chí phở đã trở thành một thương hiệu khi người ta nhắc đến Việt Nam, nhắc đến miền Bắc. Phở có thành phần chính là bánh phở và nước dùng (hay còn gọi là nước lèo theo cách gọi của miền Nam). "Bánh phở" theo truyền thống được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Nước dùng cho nồi phở được ninh từ xương bò (xương lợn), sá sùng, kèm theo nhiều loại gia vị như: quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, đinh hương, hạt mùi, hành khô nướng tạo nên hương vị đặc trưng riêng.
Các loại phở phổ biến nhất là phở bò và phở gà (các loại thịt được ăn kèm với phở). Thịt bò được dùng cho phở phải là loại thịt bắp, nạc, được làm tái hay chín hẳn. Thịt gà là gà ta già luộc, xé thịt cho thịt ngọt đậm đà. Phở luôn được thưởng thức lúc còn nóng và thường được thưởng thức cùng hạt tiêu, giấm ớt, lát chanh thái. Các thương hiệu phở gia truyền nổi tiếng được nhiều người biết đến có thể kể như: Phở Bát Đàn, Phở mặn Gầm Cầu, Phở Sướng, Phở Vui, Phở Nhớ, phở Thìn Bờ Hồ, phở Thìn Lò Đúc. Nhiều hàng phở treo biển "Phở gia truyền Nam Định", đặc biệt với những người thuộc dòng họ Cồ cũng góp phần không nhỏ vào danh sách các hàng phở nổi tiếng ở Hà Nội như Phở Cụ Chiêu - Hàng Đồng, Phở Cồ Thưởng - Thái Thịnh, Phở Cồ Cử - Thụy Khuê. Không chỉ nức tiếng gần xa với hương vị đậm đà, phở Hà Nội còn có giá trị dinh dưỡng rất cao trong bát phở có chứa 18-20 loại thực phẩm gốc động vật và thực vật tự nhiên. Điều đặc biệt nhất ở phở là các nguyên liệu đó được sử dụng gần như ở trạng thái nguyên thủy và tự phối hợp với nhau hài hòa để tạo nên một hương vị đặc trưng rất lạ lẫm, ngon miệng, dễ tiêu hóa.
Nếu bạn có bạn bè, đối tác sắp đến Hà Nội công tác, sinh sống thì hãy giới thiệu cho họ về ẩm thực thủ đô, đặc biệt là về món phở Hà Nội nhé. Bạn cũng có thể đưa họ đi nếm thử các món ngon ăn một lần nhớ mãi không quên theo mùa của Hà Nội để họ được trải nghiệm sự đa dạng và phong phú của ẩm thực thủ đô.