Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Mường ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có cách tạo màu cho xôi nhưng với đồng bào Mường ở Phú Thọ thì món xôi ngũ sắc có những hương vị đặc trưng và biến tấu riêng. Với người Mường ở Phú Thọ, xôi ngũ sắc là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo, hội tụ được những giá trị truyền thống, hiện đại. Các màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng của xôi tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Để có đĩa xôi ngon, thơm, dẻo người làm phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi. Nguyên liệu để nấu xôi phải là gạo nếp nương hạt to, trong, được ngâm trước khi tạo màu. Màu được tạo từ các nguyên liệu tự nhiên, trong đó chủ yếu là các hoa, lá rừng. Cùng một loại lá nhưng cách chế biến khác nhau thì tạo được các màu khác nhau, đó là bí quyết của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc để tạo nên nét riêng trong món ăn này. Tùy vào thời gian ngâm gạo, tạo màu nước mà khi chín, xôi có các màu đậm nhạt khác nhau. Thông thường thì ngâm gạo từ 30-40 phút, sau đó vớt ra, để ráo nước rồi cho vào chõ để đồ xôi.