Vượn trong văn hóa truyền thống
Việt Nam: Con vượn có mặt trong văn chương truyền khẩu của người Việt như trong bài dân ca "Lý qua đèo" ở Huế hay "Ăn ở trong rừng" thuộc Quan họ Bắc Ninh. Ca trù có điệu xẩm huê tình cũng nhắc đến vượn. Ca dao thì có câu nhắc đến vượn để trỏ ý xa xôi, hoang dã như trong câu ca dao miền Nam:
"Má ơi! Đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu."
Tục ngữ về vượn có câu: "Vượn lìa cây có ngày vượn rũ."
Trong văn học thì hai tác phẩm lớn là Truyện Kiều và Lục Vân Tiên đều có nhắc tới vượn, nhất là tiếng hú (còn gọi là hót) của chúng. Trong tín ngưỡng Tứ phủ hình bóng con vượn hiện ra biểu tượng cho miền núi hoang sơ khi vượn ra mắt dâng cúng hoa quả.
Trung Hoa: Vượn có mặt ở vùng Hoa Nam ít nhất là cho tới thời nhà Tống. Khoảng thế kỷ 14 trở đi vì hệ sinh thái bị con người phá hoại nên loài vượn dần vắng bóng. Văn chương Trung Hoa thời cổ cho con vượn là "quý phái", ví như "quân tử" của rừng xanh trong khi giống khỉ vàng bị thức ăn của con người mua chuộc. Đạo Lão thì thêu dệt tính chất huyền bí cho loài vượn và cho rằng chúng có thể sống tới nghìn năm và biến thành người. Mỹ thuật Trung Hoa ghi lại hình dáng con vượn từ thế kỷ 3-4 TCN (thời nhà Chu). Chúng còn là đề tài cho họa sĩ thời nhà Tống và đầu thời nhà Nguyên như Dịch Nguyên Cát và Mục Khê Pháp Thường vẽ lại rất trung thực.
Nhật Bản: Qua ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, mô típ Thiền "vượn bắt ánh trăng trong nước" cũng đã trở thành phổ biến trong hội họa Nhật Bản, mặc dù không có loài vượn nào sống trong tự nhiên tại Nhật Bản