Vượn cáo ở Madagascar
Ngủ đông không chỉ liên quan tới giá lạnh, mà đôi khi là sự đối phó với việc khan hiếm thức ăn theo mùa. Như loài vượn cáo ở Madagascar (tuy sống ở vùng nhiệt đới, nhiệt độ mùa đông có thể là 30 độ C), chúng vẫn ngủ suốt thời kỳ này vì không thể kiếm được thức ăn ưa thích. Trong khi ngủ, cơ thể chúng sống nhờ vào lượng mỡ được tích lũy ở đuôi (chiếm tới 40% lượng chất béo dự trữ của cơ thể). Quãng thời gian 7 tháng ngủ đông, thân nhiệt của chúng dao động mạnh từ vài độ đến hàng chục độ C, tùy theo môi trường bên ngoài. Bằng cách điều tiết thân nhiệt theo nhiệt độ môi trường xung quanh, vượn cáo có thể giảm tỷ lệ chuyển hóa và tiết kiệm năng lượng, cách này khá giống với loài thằn lằn và các loài bò sát.
Ngoài ra, nếu động vật được đề cử giải Grammy, những con vượn cáo sẽ giành chiến thắng với khả năng ca hát tài tình, đúng nhịp điệu. Ca hát và nhịp điệu ở các loài động vật khác đã thu hút các nhà khoa học trong nhiều thập kỷ, một phần vì chúng có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá trình tiến hóa của chính con người.
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tại chí khoa học uy tín Current Biology, Indri indri, loài vượn cáo ở Madagascar, là một trong số ít loài động vật phát ra âm thanh có nhịp điệu. Chiara De Gregorio, nhà nghiên cứu tại Đại học Turin, Italia, đồng tác giả nghiên cứu cho biết âm thanh vượn cáo Indri indri phát ra lúc thấp lúc cao xuyên qua không khí. “Nhịp điệu vượn cáo tạo ra được tính bao gồm âm thanh và khoảng lặng”, Chiara De Gregorio nói.
Việc thu thập các bản ghi âm ‘tiếng hát’ của loài vượn cáo không phải công việc dễ dàng. Những con vượn cáo sống trên cây, sâu trong tán rừng nhiệt đới của Madagascar. Các nhà nghiên cứu đã dành nhiều năm theo dõi chúng trong rừng để thử và nghe chúng hát. Tuy nhiên có những ngày vượn cáo không hề hát.