Võ Thị Thắng – Người sinh viên yêu nước can đảm
Hình ảnh chị Võ Thị Thắng ung dung mỉm cười đứng giữa hai hàng lính dẫn giải chính là hình ảnh của một sinh viên yêu nước, một chiến sĩ biệt động với “Nụ cười chiến thắng” mà một phóng viên người Nhật đã kịp ghi lại được trong phiên tòa của Mỹ ngụy năm 1968. Năm 11 tuổi, chị đã làm liên lạc cho cách mạng và sau đó, năm 17 tuổi, chị tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, thanh niên và học sinh Sài Gòn nhằm xây dựng căn cứ chính trị chuẩn bị cho đợt tiến công năm Mậu Thân (1968), chị còn tham gia vào Phong trào Công nhân và lực lượng vũ trang trong lòng thành phố.
Khi thực hiện nhiệm vụ trừ gian ở Phú Lâm, chị bị giặc bắt. Chúng tuyên án khổ sai 20 năm với chị và đáp trả lời chúng là nụ cười với lời thách thức: “Liệu chính quyền các ông có tồn lại đến 20 năm để cầm tù tôi không?”. Câu nói nổi tiếng ấy chính là lời khích lệ toàn dân đánh giặc. 6 năm ròng bị đày đọa, tra tấn, Đồng chí cũng như nhiều đồng chí khác đã không bị khuất phục trước cường quyền bạo lực của kẻ thù. Tại nhà tù, trong hoàn cảnh khó khăn, đồng chí đã lấy đó làm môi trường để rèn luyện, thử thách phẩm giá, ý chí và lòng trung kiên với dân tộc, với Tổ quốc. Bản lĩnh của người sinh viên yêu nước can đảm đã là tấm gương cho biết bao chiến sĩ cộng sản noi theo. Đến tháng 3 năm 1973, theo Hiệp định Pa-ri, kẻ thù đã phải trao trả các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm. Đến lúc ra tù, đồng chí vẫn ngẩn cao đầu với tư thế của người chiến thắng. Sau hòa bình, đồng chí vẫn luôn tâm niệm lời dạy của Hồ Chủ Tịch, vẫn luôn chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, lắng nghe tiếng nói của dân khi được bầu làm đại biểu Quốc hội. Sau này, đồng chí nhận nhiệm vụ đứng đầu ngành Du lịch và đưa ngành trở thành một mũi nhọn trong nền kinh tế nước nhà.