Viêm phế quản
Viêm phế quản là hiện tượng viêm các ống thở lớn trong phổi, thường do virus gây ra, phát triển sau khi trẻ bị cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Viêm phế quản trẻ em là viêm nhiễm đường thở dưới, dân gian còn gọi là sưng cuống phổi, bệnh chưa tấn công vào nhu mô phổi, tuy nhiên khi sẽ gây triệu chứng kích thích ho nhiều và nếu không được điều trị tích cực thì có thể lan xuống nhu mô phổi dẫn đến viêm phổi. Đây là một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu chảy.
Các triệu chứng:
- Giai đoạn khi bệnh mới khởi phát, trẻ sẽ có các triệu chứng như sốt nhẹ, ho khan, ngạt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và hay quấy khóc. Nếu để lâu không chữa trị, trẻ sẽ bị sốt cao hơn, khó thở bình thường mà phải thở bằng miệng, toàn thân tím tái kèm theo các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
- Giai đoạn bệnh trở nặng: trẻ thường sốt cao từ 38 - 40 độ kèm triệu chứng mệt mỏi, môi khô, đổ nhiều mồ hôi. Xuất hiện các cơn ho kéo dài, có thể là ho khan hoặc ho có đờm. Trẻ bị khó thở, có thể thấy dấu hiệu bị co rút lồng ngực rất rõ. Trẻ bị tím tái tại đầu các chi, vùng môi hoặc toàn thân. Xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chán ăn, hay nôn mửa, đi ngoài phân lỏng. Khi bệnh đã chuyển nặng, trẻ sẽ co giật, vật vã hôn mê, tim nhanh, mạch nhỏ.
Khi thấy bé xuất hiện các triệu chứng này, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh:
- Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virus, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Chúng thường xuyên có ở mũi - họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh. Chúng còn có thể thường trực khắp nơi (từ trong không khí, thức ăn, môi trường làm việc…) do đó chúng sẵn sàng tấn công và gây viêm nhiễm đường thở của trẻ.
- Yếu tố thời tiết: Thời tiết thay đổi bất thường, trẻ không kịp thích ứng, cơ thể sẽ phản ứng lại thông qua các biểu hiện của viêm phế quản.
- Yếu tố cơ địa: trẻ là đối tượng cơ sức đề kháng còn non nớt so với các lứa tuổi khác. Tùy theo thể trạng của bé mà mức độ nặng nhẹ khác nhau.
- Môi trường sống ô nhiễm, chứa nhiều bụi bẩn, chất dị ứng… thì đó chính là cơ hội để các mầm bệnh sinh sôi, phát triển và chờ thời cơ để xâm nhập vào hệ hô hấp của trẻ.
- Yếu tố bệnh lý: Viêm phế quản có thể xuất hiện từ sự biến chứng của các bệnh lý khác: Viêm xoang, viêm họng hạt, viêm tai giữa…
Cách phòng bệnh:
- Luôn luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là những vị trí nhạy cảm như mũi, ngực, bụng, tay chân…
- Có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung lúc này là các loại hoa quả, rau xanh giàu vitamin như cà chua, cà rốt, bông cải xanh, khoai tây…. các loại thực phẩm cung cấp can xi như tôm, cá hồi…
- Giữ vệ sinh răng miệng, tay chân, cơ thể cho trẻ.
- Tạo một môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ vệ sinh cho trẻ.
Điều trị viêm phế quản cho trẻ:
- Nguyên tắc cơ bản nhất là phải giữ ấm cho cơ thể trẻ. Đồng thời giúp trẻ loại bỏ đờm để tạo sự thông thoáng cho đường phế quản.
- Việc sử dụng các loại thuốc chữa viêm phế quản cho trẻ không đơn giản. Chỉ dùng thuốc cho trẻ khi có sự chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Trường hợp nếu có kèm sốt cao cần sử dụng biện pháp hạ sốt ngay tức thì. Sau đó mới tìm cách loại bỏ triệu chứng viêm phế quản.
- Cho trẻ uống thật nhiều nước: Việc làm này sẽ giúp cải thiện vấn đề tắc nghẽn tại đường hô hấp. Hỗ trợ bệnh nhân dễ thở hơn, các cục đờm cũng được làm loãng để đẩy ra ngoài dễ dàng.
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, như nước súp, nước cháo,...Bổ sung các loại Vitamin như A, C , E; các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như trứng gà, đậu phụ, ngũ cốc ...có thể ăn thêm nhiều sữa chua, các thực phẩm nhiều canxi, protein.. giúp trẻ tăng sức đề kháng.
- Cho bé uống một ít mật ong (uống trực tiếp hoặc pha với nước ấm), dùng cho trẻ trên 1 tuổi. Mật ong có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn nên có tác dụng làm dịu cổ họng, tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Sử dụng nước muối sinh lý: Đây là biện pháp tương đối dễ dàng và bảo đảm an toàn cho đường hô hấp của trẻ.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng: giúp không khí trong phòng dễ chịu hơn, không còn tình trạng không khí khô, các bé sẽ hô hấp được thuận lợi. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, cần thường xuyên vệ sinh loại máy này để tránh sự tác động của các mầm bệnh.
- Cho bé nghỉ ngơi: dành cho bé một không gian nghỉ ngơi thật yên tĩnh và thoải mái.