Về miền tuổi thơ
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, nơi có những rặng tre cao vút, những cánh đồng lúa trải dài như dải lụa và những đứa bạn trên cả mức thân.
Tôi còn nhớ những buổi trưa nắng cháy cùng lũ bạn đi bắt cua ngôm. Ngày ấy, ngoài đồng nhiều cua lắm, chúng tôi mỗi đứa đeo bên mình một cái giỏ, cũng có đứa vì nhà không có giỏ nên cầm trên tay một cái túi bóng khá to. Chỉ cần lấy chân khua nhè nhẹ lớp cỏ trên bờ ruộng là đã có thể thấy vài ba chú cua đang nằm phơi càng, nhả bong bóng rồi. Qua một hai bờ ruộng thôi là sẽ có một giỏ cua đầy, đeo lệch cả mạng sườn. Khi những chiếc giỏ đã đầy ắp, cả lũ lại kéo nhau ra cái ao giữa đồng vày nước. Đứa mạnh bạo thì nhảy ùm xuống ao ngập tõm cả đầu, đứa nhát hơn thì ngồi trên bờ thò chân xuống khua khua mặt nước. Cũng có khi vì hăng máu mà đứa bên dưới kéo đứa bên trên xuống và tất nhiên kéo theo đó sẽ là những tiếng tru tréo, tiếng quát tháo nhau vang vọng cả cánh đồng.
Bụi tre đầu ngõ luôn được lũ trẻ chúng tôi chăm chút, săn đón vì chỉ cần quanh quẩn bên nó một lúc thôi là chúng tôi sẽ có đủ những dụng cụ, những loại hình đồ chơi phong phú. Những cành tre nho nhỏ, thẳng tuột to bằng nửa đầu ngón tay sẽ được trưng dụng để bọn con gái chơi chuyền. Cái đầu nõn của lá tre được bọn con trai xâu thành vòng chơi đánh nịt, đứa có năng khiếu hơn một chút thì bứt những chiếc lá thổi thành một bản nhạc.
Ngày mùa đến, chúng tôi ngoài giờ học sẽ theo cha mẹ ra đồng. Làng tôi có con sông nhỏ chảy qua, gần sông là cánh đồng mà người ta gọi là "bãi". Sau mùa nước lên, trên những thửa ruộng ấy sẽ xuất hiện rất nhiều rong rêu, nhà nào nhà nấy kéo nhau xuống ruộng vơ hết rong lại thành từng đống xếp chồng giữa ruộng. Ai cũng sẽ thủ sẵn bên hông một cái túi bóng nhỏ vì trong khi vơ rong sẽ có vài ba chú cua hoặc tôm nhảy lên, xong xuôi thế nào cả nhà cũng được một bữa tôm cua thịnh soạn. Thường thì sau khi rong được xếp thành đống, những người lớn sẽ khom lưng đẩy chúng vào bờ, để đó vài hôm chúng sẽ tự khô quắt lại và đi rất êm chân.
Vui nhất là vào vụ lúa trổ đòng đòng. Chúng tôi thả trâu trên đê rồi kéo nhau chạy lại những thửa ruộng gần đó bứt đòng đòng ăn. Trời... nghĩ lại cái vị thanh mát đó mới thấy tuyệt vời làm sao. Tất nhiên chúng tôi cũng đủ thông minh để nhất quyết không cho nhau làm điều đó trên ruộng lúa nhà mình. Có hôm, đang say sưa đánh chén ngon lành thì bị ông trông đồng bắt gặp, cả lũ không ai bảo ai tay giữ mũ, tay túm quần chạy thục mạng. Chán chê mê mải, chúng tôi lại men theo bờ đê đi tìm cây cỏ gà để chiến nhau. Đứa nào thua sẽ phải trông trâu cho đứa còn lại, không hiểu sao khi đó đứa bị thua nhiều nhất bao giờ cũng là tôi. Trong hội tôi là đứa nhỏ nhất vì vậy việc trông thêm trâu của người khác với tôi là cả một cực hình. Hôm nào về đến nhà, tôi cũng nằm ngửa ra hiên thở há cả mồm nhìn không khác gì vừa tham gia giải chạy maratong về.
Sau vụ gặt là thời gian tung hoành của chúng tôi. Châu chấu, cào cào ngày đó nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Tôi được bố làm cho một cái đập bằng đế đôi tông lì, lấy dây thép quấn vào cái thanh tre nhỏ. Dùng cái đập đó vụt vào con châu chấu hay cào cào là nó sẽ lăn quay ra rồi nhặt nó bỏ vào chai nhựa. Cái nắp chai được dùi một lỗ nhỏ đủ để nhét vừa con châu chấu, chạy loanh quanh trên bờ, dưới ruộng một lúc là chúng tôi sẽ có lưng chai châu chấu nhảy tanh tách rồi. Buổi tối là lúc những chiếc lốp xe được dịp thể hiện, chúng tôi châm lửa đốt cháy lốp xe rồi cầm nó soi trên thân rạ, ngọn cỏ sẽ thấy rất nhiều châu chấu cõng nhau ngủ ở đó. Lấy tay tuốt nhẹ một cái là chúng đã ngoan ngoãn nằm trong tay mình, khỏi cần phải mất sức chạy đuổi thục mạng như ban ngày. Cũng có khi soi trúng phải con rắn cả lũ không ai bảo ai, hò nhau chạy té khói, khi hoàn hồn lại tiếp tục công việc đến khi hết lốp xe thì về.
Những tàu lá chuối ngày đó được chúng tôi chặt xuống rồi kéo lê ra gốc cây nhãn dựng lều. Những cành tre, cành nhãn nhỏ được dựng xiêu vẹo rồi lợp lá chuối lên trên, dùng rơm rạ cột lại với nhau cho chắc chắn. Xong xuôi, chúng tôi chui tọt vào đó ngồi có khi trời mưa cũng không thèm chui ra chạy về. Lều dựng hôm trước qua đêm đến hôm sau là đã đổ sập hoàn toàn, chúng tôi lại bàn nhau dựng lại lều mới.
...
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, lũ bạn xưa giờ cũng đã có gia đình. Đứa thành công, đứa thất bại, đứa hạnh phúc, đứa cô liêu. Liệu rằng trong một phút giây nào đó có đứa nào chợt nhớ ngày xưa, nhớ về tuổi thơ với biết bao kỷ niệm mà ta vẫn gọi là “miền ký ức”.
Hạnh Tồ