Về miền Tây

Nằm về phía hữu ngạn của dòng Tiền Giang hiền hòa xuôi ngược, Sa Đéc giống như một cô gái quê nép mình bên lề những phù hoa. “Cô gái” ấy vốn dĩ đã mặn mà từ cách đây hàng trăm năm trước, bởi địa danh Sa Đéc gần như đã gắn liền với một làng nghề nổi tiếng vào bậc nhất ở miền Tây – làng hoa Tân Quy Đông. Nét duyên ngầm của một thị xã nhỏ với những hàng cau lặng lẽ trầm mặc bên dòng phù sa, những ngôi nhà cổ kính từ thời Pháp thuộc nằm im soi bóng xuống dòng nước lững lờ trôi luôn làm mềm lòng những lãng khách vô tình lạc bước về đây.


Từ cuối thế kỉ 18, khi Chúa Nguyễn bắt đầu cho khai phá miền Nam, Sa Đéc đã trở thành một đầu mối giao thương sầm uất, trung tâm văn hóa, giáo dục lớn của đất Nam Bộ lúc bấy giờ.


Khi bộ phim “Người tình” (L’Amant) được công chiếu lần đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1991, dường như “cô gái quê” Sa Đéc lại được đánh thức lần nữa sau giấc ngủ dài. Người ta trầm trồ trước những thước phim mộc mạc miền Tây xưa, trước kiến trúc Pháp cực kì diễm lệ của ngôi dinh thự cổ giờ được gọi là “Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê”. Từ đó về sau, Sa Đéc còn được những du khách lãng mạn gọi bằng tên “thị xã Người tình”!


Nếu ai thích một buổi sớm thong dong trên yên xe, chầm chậm chạy qua những con đường rợp bóng cây, qua những căn nhà nhỏ xinh nằm nép mình sau hàng giậu thưa đầy hoa râm bụt lơ đãng khoe sắc tươi rói, hãy đến một xóm nhà đông đúc cách tòa dinh thự cổ chừng mười phút đạp xe. Nơi đó có con lạch nhỏ hiền hòa chạy ngang qua những cánh đồng hoa bạt ngàn, đủ các sắc màu, đang rực rỡ khoe dáng với mùa xuân. Đó chính là tâm điểm của “thị xã Người tình” – làng hoa Tân Quy Đông, một trong những đầu mối trồng trọt và giao thương các loài hoa khắp cả nước. Nơi đây trồng hoa đã trở thành một thương hiệu đã có lịch sử gần trăm năm tồn tại.


Từ đầu tháng 11, khi mùa nước lũ đã rút, nhường chỗ cho những cơn gió chướng từ phía Đông thổi về, lúc đó Sa Đéc bắt đầu công việc “nuôi giữ cả mùa xuân” cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thậm chí, có những mùa lễ hội lớn, Sa Đéc còn “tiếp vận” sắc hương lên tận thành phố hoa Đà Lạt. Tuy nhiên, để nếm trải hết hương sắc mùa xuân ở nơi đây, người Sa Đéc khuyên lãng khách hãy về thăm vào những ngày giáp Tết! Thời điểm mà những khóm cúc mâm xôi bắt đầu hé môi hàm tiếu, những chậu thược dược khoe sắc đủ màu, những nhành mai vàng búp nụ làm duyên, vạn thọ, cúc đồng tiền, cúc đại đóa tưng bừng trẩy hội, những giò lan hăng hái đưa hương, những luống mào gà vươn cao đón nắng và từng lớp từng lớp, hoa mười giờ rạo rực phe phẩy trêu đùa với bướm ong…


Để nếm trải một phần của sự hào sảng mang đậm chất miền Tây, người ta thường đi chợ nổi, để một phen lênh đênh cùng giới thương hồ, để mấy bận chao đảo vì đứng ở đầu con sóng, để nghe tiếng khua vang của mái chèo lạc điệu cùng tiếng rao hàng vang vọng cả một ngã ba sông…


Có một chốn, ngã năm sông giờ đã trở thành địa danh, thành tên gọi hành chính được mang đặt cho một thị trấn nhỏ và nghèo – thị trấn Ngã Năm (Sóc Trăng). Đây là một thị trấn rất nhỏ, là huyện lị của huyện Ngã Năm, thuộc tỉnh Sóc Trăng. Huyện mới được thành lập cách đây hơn 10 năm (2003), nằm nép mình bên dòng kênh Phụng Hiệp, nối thẳng về Ngã Bảy. Thị trấn nhỏ xíu nhưng có một thứ khiến những lãng khách say mê, đó là chợ nổi Ngã Năm, một đầu mối giao thương mang đặc trưng rõ rệt của vùng sông nước…


Vì giao thương buôn bán ở ngã năm sông, nên muốn sang chợ nổi, du khách phải thuê những chiếc đò chèo. Hãy tưởng tượng, giữa một buổi mai còn đẫm ướt sương khuya, khói mây dường như vẫn còn bay lãng đãng theo những con sóng gợn lăn tăn, được lênh đênh trên một chiếc xuồng, hòa mình vào sự nhộn nhịp mua bán của dân bản địa, rồi xì xụp húp một tô bún cá hay hủ tiếu miền Tây bốc khói nghi ngút ngay trên mặt sóng, còn gì sảng khoái hơn thế nữa?!


Bạn hãy thong thả dạo một vòng để xem cảnh buôn bán tấp nập của bà con, cảnh rao hàng, chào bán, vận chuyển trên hàng trăm chiếc ghe máy hoặc xuồng chèo, đầy đủ các thể loại phương tiện và đa dạng về chủng loại hàng hóa. Có thể nói, đây chính là một nét đặc trưng rõ rệt nhất của tập quán sinh hoạt và giao tiếp thuần túy vùng đồng bằng châu thổ Mê Kông.

Ở trên chợ nổi, chỉ đơn giản là bán thứ gì thì treo thứ ấy lên một cây sào cao, gọi là “cây bẹo”. Cây sào ấy được cắm chặt ngay trước mũi thuyền, phô bày một cách trực quan nhất về món hàng mình cần bán. Có thuyền treo dăm nải chuối tươi rói, mấy trái dừa khô, có thuyền treo chùm chôm chôm đỏ gay, mấy trái ổi xanh lè, rồi cá khô, bánh kẹo… đa phần là những sản vật có sẵn ở gần đấy mang về giao dịch với nhau. Tuy nhiên, không phải thứ gì cũng có thể treo lên bán được, theo như dân bản địa thì có ba trường hợp ngoại lệ:

– Cái gì treo mà không thể bán? – Đó chính là quần áo! Bởi vì đa số người thương hồ sống và sinh hoạt luôn trên thuyền, nên khi giặt giũ, họ treo phơi luôn trên đó nên “mặt hàng” này thuộc diện ngoại lệ, treo mà không bán.

– Cái gì bán mà không treo? – Các thuyền bán hàng ăn uống. Vì thức ăn và thức uống thì không thể treo lên sào.

– Treo cái này, bán cái khác? – Vì là địa điểm giao thương, nên có một trường hợp khá đặc biệt được quy ước bất thành văn đã từ rất lâu, đó là, hễ thuyền nào treo một nhúm lá dừa, thì người bán họ muốn bán chiếc thuyền chứ không phải bán… lá dừa.

Cũng không ai biết chợ nổi bắt nguồn từ đâu trước và có từ lúc nào? Nhưng mặc nhiên trong mỗi người dân Nam Bộ, luôn luôn có một cái chợ nổi trong lòng, cho dù, bây giờ những siêu thị sầm uất mọc lên hàng loạt, thì cái cảm giác được hòa mình lênh đênh cùng những câu chào hỏi, bán mua hồn nhiên, giản dị và hào sảng trên chợ nổi luôn là thứ gì đó thật thú vị, có một sức hấp dẫn hết sức đặc trưng…


Sưu tầm

Về miền Tây
Về miền Tây
Về miền Tây
Về miền Tây

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |