Tuổi thơ với quê hương
Chẳng hiểu sao cứ mỗi độ gió heo may về, tôi lại hay nghĩ đến mùa xuân, mặc dù ở cái tuổi của mình, tôi cảm nhận được tôi đang sống trong mùa đẹp nhất của chu kì vòng quay trái đất quanh mặt trời. Nó là mùa của năm, mùa của tâm hồn - Mùa thu.
Có phải là vào mùa có gió heo may - mùa thu, tôi hay suy nghĩ về quãng đường đã đi của mình trong cuộc đời. Với mỗi người, cái quãng đó dài ngắn khác nhau, mà sao lạ, tôi cứ thấy cái quãng đã qua của tôi dài lắm. Tôi chỉ hay nhớ tới cái quãng đã qua, ít nghĩ tới cái quãng còn lại. Quãng còn lại của tôi, tôi như biết được trước, chẳng có gì để nói.
Thế rồi cái mùa của mơ mộng và suy nghĩ và chiêm nghiệm đó cũng qua đi, kèm theo đó là những chiếc lá vàng cuối cùng thưa thớt. Những ngọn gió tê lạnh từ phương Bắc thỉnh thoảng tràn về. Khoảng không gian quanh ta như rộng ra hay mọi vật quanh ta như co lại. Mùa đông đến cho ta thắc thỏm nỗi nhớ. Nỗi nhớ khi bâng quơ, khi trĩu nặng nhưng đều buồn da diết. Có phải nỗi buồn được nhận ra từ hàng cây dâu da đã trút hết lá, chỉ còn lại những cành khẳng khiu, khô héo. Có phải nỗi buồn bởi bắt gặp cánh chim trong bầu trời xám xịt, chim cũng đơn lẻ bay về nơi nào xa thẳm. Có phải cái buồn chợt đến, bởi bỗng nghe những tiếng rít buốt nhói qua khe cửa của ngọn gió đêm, lẫn trong đó, văng vẳng thấy tiếng rao đêm, khô khốc và lạnh tanh đang như tan ra trong mỏng mảnh. Nỗi buồn vô cơ xâm lấn tâm hồn nhiều lắm... Cảm giác trong ta là sự tiếc nuối, ta như mất đi một điều gì đó mờ hồ mà lại lan trải mênh mang.
Tôi có ông bạn vong niên đang sống với đứa cháu gái nội mười hai tuổi. Một ở độ mùa xuân, một ở độ mùa đông. Cả hai ông cháu đều ít nói. Con bé như già trước tuổi, cách chăm ông và lo việc nhà như bà cụ non. Ngoài giờ học, đứa cháu chỉ thích ngồi bên ông, nghe ông tâm sự, nghe ông kể về cái thời đã qua, nghe ông kể về người bố mà nó chẳng tài nào hình dung được nét mặt, nghe ông kể về mẹ với nỗi đau phải chia tay nó để ông nội nuôi. Còn ông, ngoài ba buổi bận bịu cho cháu ăn, những lúc cháu vắng nhà ông toàn trầm ngâm. Lúc nào tôi sang nhà ông cũng đều thấy như vậy. Số phận cuộc đời không chiều chuộng ông. Bà vợ mất sớm, cậu con duy nhất những mong làm giàu đã bỏ mình nơi đất khách, cô con dâu đi bước nữa. Đời ông còn bây giờ là sự chăm chút cho đứa cháu. Đứa cháu tội nghiệp của ông.
“Con bé không có được sự vô tư của tuổi thơ” Ông nói với tôi mà như lại trách bản thân mình. Câu nói của ông không hết ý và buông trong sự vắng lặng của những nỗi cô đơn. Cũng chẳng phải lần đầu tôi nghe. Mỗi một lần nghe lại là một lần tôi như hiểu và thông cảm với ông thêm. Lúc đó tốt nhất là chúng tôi ngồi im cho mọi sự nguôi ngoai, cho không gian tan loãng ra, có lẽ thế, nỗi buồn sẽ trôi đi, kí ức cũng sẽ trôi đi, để cái nỗi buồn tôi lây từ ông sang cũng không vướng lại trong tôi nữa.
“Ông ơi...” Tiếng con bé từ đầu ngõ. Nó muốn ông nó không buồn nữa. Hôm nào cũng vậy, tan học là nó về nhà ngay với ông nó. Nó biết khi có mặt nó ở nhà, ông nó vui hơn. Nó ập vào nhà như một tia nắng, sưởi ấm tâm hồn đang cô quạnh của ông nó. “Cháu chào chú ạ - Lúc này nó mới nhìn thấy tôi - Ông ơi, ông có khách, để cháu nấu cơm cho ông. Tôi thấy nó thể hiện tình cảm mới nhí nhảnh và đáng yêu làm sao. Một con chim non. Người ta hay ví tuổi thơ như vậy. “Cháu nhớ ông quá”. Nó níu tà áo ông nó, nũng nịu - Ông để cháu nấu cơm nhé!” Con bé cho tôi cảm giác quá đỗi ngọt ngào, trong sáng và thơ ngây. Bất chợt tôi nghĩ: không có con bé, ông bạn vong niên của tôi sẽ sống thế nào.
Dấu ấn tuổi thơ tôi chỉ luôn là những tiếng nói ấm áp, nâng niu của mẹ... và một tuổi thơ khác khi tôi được nghe những truyện cổ tích. Tôi thường tự tưởng tượng: Đó là tiếng chim hót buổi sớm véo von, trong veo và tinh khiết; đó là tiếng róc rách dòng suối trong mát trưa hè, là tiếng thủ thỉ bên bếp lửa đêm đông khi được ngồi nghe chuyện của bà và lim dim ngủ. Tôi không có những phút giây đó, nhưng lại được nghe và đọc được trong sách, nhiều chuyện nói về tuổi thơ như vậy, nên tôi cứ tự mình tưởng tượng và tự cho là cũng có những chuyện đó trong tuổi thơ của tôi. Bởi tôi thấy chính cái đó mới là cái đẹp.
Tôi có một tuổi thơ êm ấm luôn trong vòng tay của mẹ mà tôi chưa từng nói được lời cám ơn với mẹ tôi, người luôn dành cho tôi những hương vị ngọt ngào và sự dịu dàng, người luôn đoán biết được những sở thích của tôi và chiều tôi hết mực, người chiều tôi và không hề đòi hỏi ở tôi điều gì. Tuổi thơ của tôi, theo lối suy nghĩ của nhiều người, quá sung sướng so với con bé.
Ở bên cạnh nó với ông nội nó, tôi mới nhận ra cái ích kỉ của tôi ngày xưa với mẹ của mình. Mẹ tôi qua đời khi tôi đã vững vàng với cuộc sống. Tôi cứ cho là những điều tôi được hưởng là sự tất nhiên, ai với con cái mà chả như vậy! Những góc đời cay cực của cha mẹ tôi, tôi đâu có biết. Thậm chí tôi cũng không tìm hiểu sâu hơn về những “ngày xưa” của bố mẹ tôi. Tôi chỉ nghe láng máng qua những câu chuyện “ôn nghèo kể khổ” của họ mà thôi. Cha mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn một cuộc sống ổn định cho tôi, không hề có một lời kêu ca phàn nàn.
Nhưng thật sự, tôi vẫn cảm thấy tuổi thơ của anh em chúng tôi thiêu thiếu một cái gì. Ngày còn bé, nhiều lần tôi hỏi mẹ, sao mình không có quê. Bởi tôi thấy các bạn cùng lớp thường bàn tán chuyện về quê với ông bà. Tôi thoáng thấy mẹ tôi tần ngần, cả một nét đăm chiêu.
Rồi mùa tựu trường đầu tiên đến, cái nắng chói chang của mùa hè không còn nữa, trời trong veo chứa đầy gió và những ước mơ. Chúng tôi từ rất xa lạ, bắt đầu tập trung cho một quá trình học tập để làm người có ích. Cứ mỗi lần vào hè là lúc bọn bạn tôi kể những chuyện về quê, chuyện chăn trâu, nhảy cầu, tắm sông... Tôi chỉ ngồi nghe, thèm muốn. Tôi thấy chúng nó nhanh nhẹn hoạt bát quá, còn tôi, tôi cứ ù lì chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì để nói. Lại nói cái chuyện chúng tôi được lên rừng hay xuống biển ư? Nghe lạc lõng thế nào ấy, bọn bạn tôi nó không hiểu hoặc nếu chúng nghe, chúng cũng chẳng bình luận gì hết. Hình như tôi đang xa rời chúng nó. Tôi và chúng nó khác nhau. Tôi lờ mờ hiểu được điều đó. Lúc này, tôi lại có phần oán bố mẹ tôi. Tôi nghĩ nhiều đến cái “giá như” mà bố mẹ tôi nếu làm như thế này thế khác.
Bởi với anh em chúng tôi, mùa hè rất ngắn. Sau khi cho anh em chúng tôi nghỉ ngơi một tuần hay mươi ngày gì đó ở dưới biển hoặc trên núi là lại bắt đầu cái mùa mà bố mẹ tôi tập trung nâng cao và củng cố kiến thức cho bọn tôi: Các lớp học thêm được tổ chức vào mùa hè. Chúng tôi được bố mẹ trang bị kiến thức đến “tận răng” để chuẩn bị bước vào cuộc đời.
Lớn dần, một năm cũng đôi lần tôi được về quê, nếu chúng tôi không bận học. Đó là những ngày lễ tết, những ngày đưa các ông bà già, có lẽ là già lắm ra ngoài đồng. Các ông bà đó có họ gần với nhà tôi, tôi thường phải gọi là cụ, mà thật sự với các vị đó, tôi cũng không nhớ rõ mặt. Cũng đôi ba lần tôi được về dự đám cưới. Cảnh ồn ào đám cưới, đám giỗ, đám ma ở nhà quê, tôi không thích. Ở đó toàn những người lạ mặt. Mẹ tôi dẫn chúng tôi đi chào mọi người và bảo: “Các con ở thành phố nhiều, không hiểu được cái khổ của người nhà quê, phải năng về để cho các con còn biết và cả nhận mặt người thân, hàng xóm nữa. Nhưng cái chính là mẹ tôi muốn chúng tôi không được quên quê. Có lẽ mẹ tôi đã nhận ra những cái cần thiết phải có ở chúng tôi từ ngày tôi hỏi người :“Sao nhà mình không có quê?”. Nhưng tôi lại không hiểu ngay ra điều đó.
Người ta thường nói về dòng sông mỗi khi nói về quê. Ngày nhỏ, tôi cũng đôi lần được tắm trên dòng sông quê. Nhưng thực sự cái vị nước con sông quê với tôi rất mờ nhạt. Mẹ tôi sợ. Bù lại, tôi biết nhiều về những cánh đồng quê tôi. Những ngày xa quê, đi đây đi đó, tôi thường tưởng tượng ra cánh đồng quê làng tôi. Đây là cánh đồng Bắc, cánh đồng Nam. Thực ra, tôi cũng chẳng nhớ được mấy những địa danh chỉ đồng đất quê tôi mà vừa mới nghe đã thấy cái âm hưởng chất phác, thật thà, quê kiểng như đầm bà Đồi, vụng Chổi, khe Binh, đồi cây “các cụ” hay nghe kinh kinh, hãi hãi hơn “cánh đồng mả vối”, gò ông Tào... Tôi cứ nghĩ ở những cánh đồng đó, những nơi đó thường mọc đầy cỏ dại với lấp xấp các bụi hoa mua, hoa sim, đôi khi có một cây gì đó cao cao lẻ loi đơn độc. Bọn trẻ thường thả trâu cho chúng tha thẩn gặm cỏ và ngồi túm lại với nhau hoặc nằm lăn trên thảm cỏ dưới các tán cây, tán mọi chuyện trên trời dưới biển. Mà thực ra, những thứ tôi kể ra có ở quê nhà tôi đâu. Mẹ tôi bảo, quê mình đồng ruộng thẳng cánh cò bay, những thứ đó chỉ có ở vùng trung du, vùng gò đồi. Nhưng với tôi, quê phải là như vậy. Quê là những gì đẹp nhất mà tôi đọc được từ trong sách. Vừa thẳng cánh cò bay, vừa đồi chè cây cọ, vừa nhãn lồng vải thiều. Thậm chí tôi cứ nghĩ nước vối bà tôi uống hàng ngày cũng là cây vối ở quê, quê tôi cái gì cũng có. Tôi hình dung cây vối là một cây xù xì, rất lâu đời và lại tỏa nhiều bóng mát. Nó phải như vậy vì nó luôn mang lại cho con người niềm vui sướng. Bạn cứ thử hình dung xem, trời đang trưa, nắng gắt, được đứng dưới bóng mát của cái cây mọc giữa cánh đồng, uống một bát nước vối và hóng một con gió đồng, sung sướng và thỏa mãn biết nhường nào, ngất ngây biết chừng nào... Tôi cứ nghĩ quê tôi là như thế!
Thế rồi chỉ với những chi tiết nho nhỏ vụn vặt, cũng chẳng biết từ bao giờ, tôi không sinh ra ở nhà quê, không lam lũ lớn lên cùng với lũ bạn chăn trâu, cắt cỏ, không có những buổi nằm dưới thảm cỏ ven đê nhìn trời xanh và nghe tiếng sáo diều vi vu, không có những trưa hè vùng vẫy trên dòng sông, vậy mà cái tình quê với tôi cứ nặng dần, cái cảnh quê cứ thấm đậm và tình người nhà quê cứ quyến luyến tôi mãi.
Con bé con, cháu ông bạn vong niên của tôi, không có tuổi thơ giống tôi và các bạn ngày xưa của tôi. Tôi, tuổi ấu thơ được cưng chiều, được bao bọc. Nhưng dù sao thì với cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” cũng đã gọi là trải qua nhiều cái đoạn trường trên đời, thấy ở nó có cái gì đó vừa cao lại vừa sợ. Con bé con mới mười hai tuổi! Tôi sợ vì tôi nghĩ, nếu ngày xưa, tôi cũng rơi vào hoàn cảnh của nó bây giờ, không hiểu cuộc đời của tôi sẽ ra sao. Tôi thấy nó cao vì so với tôi ngày đó và ngay cả mấy đứa con tôi tộc ngộc hiện nay, đều thua xa nó, thua cái sức chịu đựng và cả lòng tự tin của nó. Vậy mà nó vẫn trong trắng thế, hồn nhiên thế. Nó lại là điểm dựa của ông nó, là niềm hi vọng và sự sống của ông nó. Chắc nó không biết vị trí của nó với ông nó quan trọng đến mức nào đâu. Cái cao của nó là vậy và cái tôi sợ cũng là vậy.
Một lần vào ngày nghỉ cuối tuần, tôi rủ ông bạn vong niên của tôi ra ngoại thành chơi. Tôi, vẫn thấy lòng trải rộng và nhuần lại mỗi khi ra ngoại thành. Với tầm mắt khoáng đãng, với mầu xanh và cả với những cảnh lam lũ của những người hai sương một nắng. Từ mùi rơm rạ ngái ngái, mùi phân bón từ cánh đồng thoang thoảng bất chợt đến theo từng con gió lạc chiều; từ cánh đồng chiều hoàng hôn đến một cánh chim lạc vội vã bay về tổ; từ tiếng lóc cóc của chiếc xe trâu đến tiếng nghé ọ lạc giọng tìm mẹ của chú nghé con... Nhiều cảnh quê bình yên và lặng lẽ lắm. Tôi đem cái suy nghĩ này nói với ông bạn vong niên. Ông trầm ngâm nhiều hơn.
Ông nhìn ra phía con cháu. Nó đang thơ thẩn một mình bên những cánh hoa dại mọc trên triền đê. Con gái có khác, nhẹ nhàng, dịu êm và cả yếu đuối nữa. Tất cả những cái đó làm thành cái đáng yêu, làm ta muốn che chở, muốn được bảo vệ và hơn nữa, làm tâm hồn ta trở nên mát lành. Ông bạn già của tôi mềm lòng trước cảnh cô cháu gái đang chơi đùa với hương đồng gió nội. Tôi thấy ông cười đôn hậu mà khóe mắt ông nhòe ướt. Chắc ông đang nghĩ về tuổi thơ của ông ngày xa xưa hay ông đang suy nghĩ về tương lai cô cháu. Tôi im lặng để thời gian trôi, để chiều buông, để nỗi lòng tự do vẩn vơ bay lượn. Tôi cũng đang nghĩ về ngày bé thơ của tôi xa xưa. Ấm êm và có mẹ. Người đã lo lắng trọn đời cho chúng tôi. Người đã từ từ gieo vào lòng tôi cái hồn quê chân chất.
Mùa hè đó, ông bạn vong niên sang nhà tôi, nhờ tôi trông nhà giúp. Ông nói ông đưa cháu gái về quê: ‘‘Phải để cho nó biết quê hương nhiều hơn cha mẹ nó... Nó ngây thơ quá, trong sáng quá... tình yêu với quê hương cần được chắp nối, hun đúc từ những ngày thơ bé... Nếu tôi hiểu được sớm như vậy, tôi đã không mất đứa con... ’’
Vinh Anh