Từ thiện “trá hình”, “trục lợi” sẽ có các hình thức xử lý như thế nào?
Về xử phạt hành chính, trường hợp quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện hoặc gom tiền bỏ trốn nhằm chiếm lấy để tiêu xài cho bản thân, căn cứ điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP "Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác" sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng; áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu số tiền đã quyên góp được.
Với hành vi mạo danh người khác để đăng thông tin kêu gọi quyên góp từ thiện trên các phương tiện thông tin điện tử nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền đó thì có dấu hiệu phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017). Tuy nhiên, đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có thiệt hại về tài sản. Nếu hành vi gian dối bị phát hiện trước khi người bị lừa giao tài sản hoặc người bị lừa không phát hiện ra hành vi gian dối nhưng không thực hiện việc giao tài sản thì không cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong trường hợp này thì có thể bị xử phạt VPHC về hành vi giả mạo Facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân (điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP). Mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, tội phạm hoàn thành được xác định từ lúc kẻ phạm tội chiếm giữ được tài sản. Để có căn cứ xử lý hình sự đối tượng mạo danh người khác kêu gọi góp tiền từ thiện nhằm mục đích trục lợi, cần có chứng cứ chứng minh người bị lừa đã chuyển tối thiểu 2 triệu đồng vào tài khoản cho đối tượng, dưới 2 triệu đồng thì phải xét thuộc những trường hợp được liệt kê tại điều 174 Bộ Luật Hình sự. Việc chuyển tiền có thể chứng minh bằng các tin nhắn chuyển tiền điện tử hoặc sao kê của ngân hàng… Người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.