Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Theo truyền thuyết, người mẹ đầu tiên của người Việt là Mẹ Âu Cơ. Mẹ đã đẻ trăm trứng nở trăm con. Người con trai cả theo mẹ đã cùng các chị em đã lập nên Nhà nước Văn Lang:


Mẹ đem lên ở Tản Viên

Sửa sang giềng mối, giữ gìn quy mô.

Bao nhiêu đồi núi đống gò

Lũy thành bày đặt, cõi bờ chia phôi…

(Thiên Nam ngữ lục)


Về câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, GS. Vũ Đức Vượng (nguyên Giám đốc Chương trình Giáo dục tổng quát ở Đại học Hoa Sen) từng nhận định: “Ngoài việc dạy dỗ chúng ta về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy”. Do đó, GS. Vũ Đức Vượng đã nhận định: “Câu chuyện Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long trở nên viên đá gốc của văn hóa Việt”.


Huyền thoại nối tiếp huyền thoại. Ta có bà mẹ nghèo đã sinh ra chàng trai Thánh Gióng dũng mãnh trong cuộc chiến đấu chống quân thù. Và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã có những đóng góp to lớn từ sự hy sinh âm thầm và vô cùng vĩ đại của những người mẹ đã hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc.


Cách đây 68 năm, vào ngày 8/3/1952, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.


Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Quảng Nam lấy nguyên mẫu từ Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904 - 2010), người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Mẹ Thứ sinh sống tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Người con gái cả của Mẹ Thứ là Mẹ Lê Thị Trị cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vì có chồng và hai con gái là liệt sĩ. Bởi thế, có thể nhận định, Mẹ Thứ là đại diện cho 11.659 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Quảng Nam và 138.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước.


Ở “vùng đất thép” Quảng Trị có gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hẹ. Đây là một trong những gia đình cách mạng đặc biệt, đã có nhiều đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cả gia đình Mẹ Hẹ có 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 17 liệt sĩ. Trong số 17 liệt sĩ có 11 liệt sĩ là con đẻ, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại của Mẹ Hẹ. Bản thân Mẹ Hẹ có 1 con gái và 3 con dâu được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ Hẹ còn có 2 em dâu được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 6 liệt sĩ gọi mẹ bằng cô ruột.


Có 10 Mẹ vừa là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đồng thời là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là: Mẹ Văn Thị Thừa (sinh năm 1915, quê ở Quảng Nam), Mẹ Nguyễn Thị Rành (sinh năm 1900, ở TPHCM), Mẹ Phạm Thị Ngư (sinh năm 1912, Bình Thuận), Mẹ Võ Thị Nhã (sinh năm 1921, Quảng Ngãi), Mẹ Đỗ Thị Phúc (sinh năm 1906, Nam Định), Mẹ Bùi Thị Thêm (sinh năm 1924, Kiên Giang), Mẹ Huỳnh Thị Tân (sinh năm 1906, Sóc Trăng), Mẹ Đoàn Thị Nghiệp (sinh năm 1925, Tiền Giang), Mẹ Mai Thị Út (sinh năm 1913, Tiền Giang) và Mẹ Nguyễn Thị Điểm (sinh năm 1941, TP.HCM).


Có ba chị em ruột đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là Mẹ Bùi Thị Hải (sinh năm 1908), Mẹ Bùi Thị Tư (sinh năm 1916), Mẹ Bùi Thị Nhỏ (sinh năm 1922) đều ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.


Hiện nay, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là tấm gương sáng để cho thế hệ con cháu noi theo.


Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực như phụng dưỡng cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và xây dựng nhà tình nghĩa cho các Mẹ… Bởi dù năm tháng sẽ đi qua, nhưng sự hy sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sẽ sống mãi. Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ những hy sinh, công lao, đóng góp của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đúng như Giáo sư Vũ Khiêu (Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam) đã viết câu đối ca ngợi hình tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng: “Tổ quốc ghi công con liệt sỹ/ Nhân dân nhớ nghĩa mẹ anh hùng”.


Tất cả những tác phẩm nghệ thuật về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đều chân thực, sinh động và cảm động, nhưng phổ biến, được quảng bá rộng rãi hơn cả là bài Hát về Mẹ Việt Nam Anh hùng của cố Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên. Những giai điệu của bài hát về cuộc đời của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thật cảm động: “Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời”.


138.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước thật xứng đáng với tám chữ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen tặng dành cho người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Tuổi trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhưng họ đều hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng như Mẹ Thứ, Mẹ Hẹ, Mẹ Rành...


Nguyễn Văn Toàn

Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |