Trò chơi 6: Xem ai nhớ nhất
- Áp dụng: các bài ôn tập củng cố kiến thức đã học ở phân môn Luyện từ và câu. Cụ thể là bài: "Ôn tập về dấu câu (dấu phẩy)", bài tập 1, Tiếng Việt 5, tập 2, trang 124.
- Mục tiêu: Giúp học sinh:
+ Củng cố, khắc sâu kiến thức về tác dụng của dấu phẩy.
+ Rèn luyện khả năng tập trung, chú ý.
+ Rèn luyện các kĩ năng tư duy bậc cao như: phân tích- tổng hợp.
- Chuẩn bị: Bộ bìa gồm 3 thẻ ghi các chữ A, B, C (mỗi thẻ 1 màu) tương ứng với các tác dụng của dấu phẩy:
A: Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.
B: Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.
C: Ngăn cách các vế câu trong câu ghép.
Một số thẻ từ ghi các câu học sinh cần phân tích:
- Tiến hành: Giáo viên chia học sinh thành các đội chơi theo dãy bàn. Phát cho mỗi học sinh một bộ thẻ chữ. Khi giáo viên đọc và dán một thẻ ghi câu cần phân tích tác dụng của dấu phẩy lên bảng thì học sinh phải chọn một thẻ chữ tương ứng để giơ lên. Ví dụ, giáo viên đưa thẻ ghi câu đầu tiên thì học sinh phải giơ thẻ chữ B mới đúng.
Sau mỗi một câu (một lượt chơi), giáo viên hoặc 1 học sinh được cử làm trọng tài sẽ đếm số người trả lời đúng ở mỗi đội. Khi trò chơi kết thúc, giáo viên sẽ thống kê số học sinh làm đúng ở các lượt chơi. Đội nào có số người trả lời đúng nhiều nhất, đội đó thắng cuộc.
- Lưu ý: Để kiến thức về tác dụng của dấu phẩy được khắc sâu hơn, sau mỗi lượt chơi, giáo viên yêu cầu học sinh phân tích cấu tạo của từng câu ghi trong thẻ. Trò chơi này còn có thể vận dụng được vào rất nhiều bài ở phân môn Luyện từ và câu, nhằm củng cố các kiến thức đã học như: củng cố kiến thức về từ đồng âm,từ đồng nghĩa, từ nhiều nghĩa, từ trái nghĩa; củng cố kiến thức về cách nối các vế câu ghép; củng cố kiến thức về cách liên kết các câu trong bài..., chỉ cần ta thay đổi các thẻ ghi các bài tập tương ứng.