Trên Sao Hoả có bão không?
Nói với bé: Trên sao Hoả có bão nhưng không giống như bão trên Trái Đất, nó là những cơn bão bụi rất khổng lồ và nguy hiểm. Bão bụi trên Sao Hỏa có thể thổi hạt bụi nhỏ bay lơ lửng trong bầu khí quyển, và những đám mây có thể hình thành khi các chất ngưng tụ bám vào các hạt bụi này. Những đám mây này có thể hình thành rất cao, lên đến 100 km trên hành tinh này.
Bạn cần biết rằng: Sao Hỏa là hành tinh có thể tạo ra các cơn bão bụi lớn nhất với sức công phá mạnh nhất trong hệ Mặt Trời. Vào năm 1971, tàu vũ trụ Mariner 9 gửi hình ảnh của hành tinh đỏ về trái đất, song chúng đều mờ do sự xuất hiện của trận bão bụi lớn. Phải một tháng sau, khi siêu bão chấm dứt, Mariner 9 mới có thể gửi những hình ảnh rõ nét của sao Hỏa tới Trái Đất. Các nhà khoa học chưa thể lý giải chính xác nguyên nhân khiến các cơn bão bụi trên sao Hỏa kéo dài và có sức công phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng, ánh sáng mặt trời cung cấp nhiên liệu cần thiết để tạo ra những cơn bão bụi khổng lồ. Về mặt lý thuyết, các hạt bụi trong không khí ở trên sao Hỏa hấp thụ ánh sáng mặt trời. Lớp bụi kết hợp cùng gió sẽ đẩy nhiệt độ lên mức cao hơn. Đây có thể là nguồn cơn của các trận siêu bão khủng khiếp và kéo dài. Đây là một trong những kiến thức khó ngay cả với người lớn nhưng nếu bạn trả lời bé theo cách đơn giản hóa khí quyển thành những đám mây, bé sẽ hình dung ra vấn đề một cách rõ ràng hơn.