Tôm hùm đất là loài gây hại đến hầu hết các sinh vật dưới nước
Tôm hùm đất ăn tất cả thủy sinh, cạnh tranh nguồn thức ăn với sinh vật bản địa, khiến những loài tôm, cá đặc trưng có thể biến mất. Tôm hùm đất hay còn gọi tôm hùm đỏ, crawfish (tên khoa học Cherax quadricarinatus), là một loài ngoại lai nguy hiểm. Loài tôm này di chuyển nhanh dưới đáy ao hồ, sông suối, ưa đào hang, có khả năng sinh sản nhanh chóng và chống chịu trước biến động môi trường.
Với đôi càng màu đỏ to khỏe, chúng có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ. Chúng còn đào hang sâu để trú ẩn để lẩn trốn kẻ thù nên có thể làm hỏng nền đất hay gây sói mòn sông, suối.
Khả năng thích nghi tốt với môi trường biến chúng trở thành những sinh vật ngoại lai có hại khi phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng. Khi sống trong môi trường tự nhiên thuận lợi, tuổi thọ của một con tôm hùm đất có thể lên tới 30 năm. Thậm chí sức sống của loài tôm này càng mãnh liệt hơn với khả năng tái sinh lại chân hay càng nếu chúng bị đứt trong các cuộc chiến.
Nguy hiểm hơn, nếu ăn sống thì con người có thể bị một loại giun nguy hiểm tấn công vào phổi, loài giun này thường sống ký sinh trong đầu tôm đất. Đó là cảnh bảo mà các bác sĩ tại Trường Y của Đại học Washington, St. Louis, Mỹ đưa ra. Theo đó, loài ký sinh trùng có tên Paragonimus kellicotti gây ra sự nhiễm trùng có tên paragonimiasis rất hiếm gặp đã được tìm thấy trong phổi của 6 nạn nhân khi ăn tôm hùm đất sống ở sông Missouri, Mỹ.
Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cũng cho biết mỗi năm ở Mỹ có tới 80.000 bị bệnh và 100 người chết do nhiễm bệnh Vibrio, một vi khuẩn ký sinh trên vỏ các động vật có vỏ. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy nồng độ thủy ngân cao cũng như các chất hóa học độc hại khác như DDT, PCBs, dioxin... có liên quan tới bệnh ung thư, các bệnh về hệ thần kinh.