Tim tím hoa xoan
Mấy ai không biết những vần thơ này của Nguyễn Bính :“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy...” Có những loài hoa không thể mang cắm vào bình. Hoa trong thiên nhiên luôn mang vẻ đẹp tự do, khoáng đạt. Mỗi độ cuối xuân, hoa xoan lại nở tím ven đường gợi cho ta bao nhiêu là kỷ niệm.
Làng quê Bắc Bộ vốn nhiều cây, có lẽ sau tre là đến xoan. Cây xoan dễ trồng, dễ sống. Xoan có thể ngay ven đường, ven bờ rào, những vạt đất hoang chưa trồng hoa màu gì cả. Xoan có thân vươn thẳng, lớn nhanh, khoảng chục năm đã cho gỗ làm nhà. Gốc xoan bị ngả thường lên một mầm mới rất chóng thành cây nhưng loại gỗ này là xoan mầm gỗ thường sộp hơn. Cho đến bây giờ, một nếp nhà ba gian làm bằng gỗ xoan to vẫn là niềm tự hào của gia chủ. Xoan được ngả rồi ngâm dưới bùn ao vài năm, vớt lên không sợ mối mọt. Nào là kèo, cột, rường, câu đầu, xà ngang... được các bác thợ tài hoa chọn lựa theo kích cỡ phù hợp, chạm trổ hoa văn và đưa lên vào mộng không cần đóng một cái đinh nào.
Sau cái rét nàng Bân, trời ấm dần. Chim đua giọng hót ríu ran gọi bạn. Trên các nẻo đường quê, màu tím nhạt của hoa xoan phủ trên cây tựa như những đám mây nhỏ. Hoa nở thành những chùm lớn, phất phơ theo gió xuân. Thỉnh thoảng những cánh hoa nhỏ xíu rơi vào gió. Mùi hương hoa xoan cũng thoang thoảng, dìu dịu. Cũng may, gió xuân thường dịu nhẹ nên không át mất mùi hương. Đi dưới những chùm hoa tim tím ấy, lòng người như giao hòa với trời đất, muốn căng ngực mà hít hà mùi thơm của gió. Người đi xa về quê, thấy hoa không khỏi nao lòng luyến nhớ.
Các loài sâu bọ dường như chừa xoan ra không dám tấn công. Lá xoan mùi hắc hắc trước hay dùng làm phân xanh, ngoài chất hữu cơ cung cấp cho lúa còn có tác dụng như một loại thuốc trừ sâu sinh học. Quả xoan cũng thật thú vị. Dân gian ta thường ví mặt trái xoan (chứ không gọi là mặt quả xoan). Con gái chơi đồ hàng, con trai lấy quả xoan ném nhau hoặc làm đạn cho các loại súng đồ chơi tự chế. Quả xoan chín vẫy gọi các loài chim đến ăn, đặc biệt là chào mào. Chúng tha quả đi, nhằn hạt, hạt rụng đầy gốc và rơi dưới những lối bay của chim. Thế rồi mùa sau, những cây xoan non nhỏ xíu nẩy mầm đầy mặt đất. Biết đâu nhỉ, trong những mầm nhỏ ấy, có cây lớn lên lại cho trời một vùng mây tím của mùa xuân hàng chục năm sau nữa...
Nguyễn Xuân Hòa