Tích trượng
Kinh trích trượng chép: “Phật dạy: Này các Tỳ kheo, các người nên thọ trì Tích trượng, vì Tích trượng là một pháp khí mà 3 đời Đức Phật đều có thọ trì”.Tiếng Phạn gọi là Khích khí la, Trung Hoa dịch là Tích trượng, tức là cái gậy của các vị Tỳ kheo dùng trong khi đi đường, đi khất thực… Tích trượng cũng có tên là Khí trượng hay Đức trượng, nghĩa là nhờ chiếc gậy trí tuệ và phước đức này mà người xuất gia được mạnh tiến trên đường tu tập, hướng đến quả vị giải thoát giác ngộ. Trong hệ thống tại các chùa, Địa Tạng vương Bồ tát thường hay cầm tích trượng đứng hoặc ngồi trên Đế Thính.
Ý nghĩa của Tích trượng: Trong kinh Tích trượng có chép: “ngài Ca Diếp bạch Phật, bạch đức Thế Tôn, thế nào gọi là Tích trượng? Phật dạy: Tích có nghĩa là khinh, nghĩa là nhờ ở chiếc gậy Đức hạnh và trí tuệ này mà phiền não được khinh bạt và ra khỏi ba cõi sanh tử. Tích cũng có nghĩa là minh, nghĩa là được trí sáng suốt vậy. Tích lại còn có nghĩa là tỉnh, nghĩa là tỉnh ngộ được rằng, ba cõi là khổ và không, và tích cũng có nghĩa là sơ, nghĩa là người cầm chiếc gậy này thì không còn say đắm ngũ dục nữa”.
Trên đầu của Tích trượng có 4 cái vòng và 12 cái khâu nhỏ bằng đồng, tượng trưng cho 4 đế và 12 nhân duyên. Kiểu tích trượng này do Đức Phật Thích Ca sáng tạo. Cũng có một thứ Tích trượng khác, trên đầu chỉ có 2 cái vòng và 6 cái khâu mà thôi. Hai cái vòng tượng trưng cho chơn, tục nhị đế và 6 cái khâu là tượng trưng cho lục độ vậy. Kiểu Tích trượng này do Đức Phật Ca Diếp chế (Bách trượng thanh quy). Tích trượng thường được các Thầy Bắc Tông sử dụng trong một số nghi thức Phật giáo.