Thương mại điện tử
Thương mại điện tử là ngành học thuộc khối ngành kinh tế, đó là các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trên các nền tảng ứng dụng số trong quy trình kinh doanh online. TMĐT được thực hiện qua các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet, mạng viễn thông, được thiết kế để giúp hoàn thành mục tiêu kinh doanh nhanh một cách tốt hơn và thông minh hơn.
Thương mại điện tử đang là ngành học hot trong kỷ nguyên số hiện nay. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm và tiêu dùng của người dân trên toàn thế giới. Xu hướng dịch chuyển từ mua bán trực tiếp sang online, sử dụng các nền tảng trực tuyến làm trung gian giúp lưu thông hàng hóa ngày một gia tăng. Với tốc độ phát triển nóng như hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực cho thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa. Thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục khát nhân sự trong những năm tới đây. Trong hai năm 2020- 2021, mặc dù dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Ước tính, năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong bốn năm 2022 - 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử. Thực tế này cũng khá tương đồng với báo cáo kinh tế số của Google khi khẳng định thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 tăng trên 30%. Đến năm 2025, giá trị của nền kinh tế số Việt Nam 57 tỷ USD trong đó thương mại điện tử chiếm 39 tỷ USD. Đến năm 2030 nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD, trong đó thương mại điện tử chiếm khoảng 150 tỷ USD.
Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử đã kéo theo nhu cầu về nguồn ngân lực chất lượng cao phục vụ ngành cũng tăng lên. Khi bước vào giai đoạn bình thường mới, phát triển ổn định, nhu cầu về nhân lực thương mại điện tử thời gian tới sẽ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.