Thời kì bị săn bắt
Cá voi xanh rất khỏe và nhanh, do đó rất khó để bắt/giết. Do đó thời gian đầu người ta thường săn cá nhà táng hoặc cá voi Eubalaena, chứ hiếm khi nào săn cá voi xanh.[46] Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Svend Foyn, một người Na Uy, thử săn cá voi cỡ lớn vào năm 1864 trên một con tàu hơi nước với một khẩu súng phóng lao được thiết kế đặc biệt.[9] Dù lúc đầu khẩu súng này khá cồng kềnh và có xác suất thành công thấp, Foyn đã cố gắng hoàn thiện nó và chẳng mấy chốc một vài trạm săn cá voi bắt đầu mọc lên dọc theo bờ biển Finnmark ở phía Bắc Na Uy. Vì những xung đột với ngư dân địa phương, các trạm này bị đóng cửa, với trạm cuối hoạt động vào năm 1904.
Việc săn cá voi xanh nhanh chóng lan đến Iceland (1883), Faroe Islands (1894), Newfoundland (1898), và Spitsberge (1903). Năm 1904-05, cá voi lần đầu tiên bị giết tại South Georgia, và tới năm 1925, với sự xuất hiện của máng trượt đằng sau tàu (để kéo cá voi lên dễ dàng) và việc sử dụng phổ biến động cơ hơi nước, số lượng cá voi xanh nói riêng và cá voi tấm sừng hàm nói chung tại Nam Cực và các vùng xung quanh sụt giảm thảm hại. Vào mùa săn năm 1930–31, chỉ tính riêng tại Nam Cực, 29.400 con cá voi xanh đã bị giết. Khi Thế chiến thứ II kết thúc, Trái Đất dường như đã hết sạch cá voi xanh. Năm 1946, lần đầu tiên một hạn mức quốc tế về săn bắt cá voi được đặt ra, nhưng hiệu quả thì không là bao, vì những loài quý hiếm vẫn có thể được săn theo cùng 'hạn mức' với các loài vẫn còn tương đối nhiều.
Arthur C. Clarke là trí thức lớn đầu tiên đứng lên kêu gọi cộng đồng quan tâm hơn đến tình cảnh khốn cùng của loài này, trong quyển sách năm 1962 tựa "Profiles of the Future" của mình. Ông nói "chúng ta không biết được bản chất thật của thực thể mà chúng ta đang hủy diệt" - ám chỉ đến bộ não lớn của cá voi xanh.
Toàn bộ các loài cá voi truyền thống ở châu Á đã gần như bị tuyệt chủng bởi các hoạt động săn bắt công nghiệp của Nhật Bản, đặc biệt là những nhóm cá voi di cư từ phía Bắc Nhật Bản xuống Biển Hoa Đông. Những con cuối cùng trong nhóm này bị bắt tại Amami Oshima trong khoảng thời gian từ 1910 đến 1939. Hoạt động đánh bắt ráo riết này diễn ra cho tới năm 1965 với các trạm săn cá voi chủ yếu đặt dọc bờ biển Hokkaido và Sanriku.
Việc săn cá voi cuối cùng cũng bị Hiệp hội Nghề đánh cá voi Quốc tế cấm vào năm 1966, và những hoạt động săn bắt trái phép tại Liên Xô cuối cùng cũng chấm dứt vào thập niên 1970.[53] Cho tới lúc đấy, đã có tổng cộng 330.000 con cá voi xanh bị giết tại Nam Cực, 33.000 con tại các phần còn lại của Bán Cầu Nam, 8.200 con ở Bắc Thái Bình Dương và 7.000 con ở Bắc Đại Tây Dương. Cộng đồng cá voi xanh lớn nhất, ở Nam Cực, đã bị rút xuống chỉ còn 0,15% số lượng ban đầu.