Tháng mười hai chạm vào miền nhớ
Những ngày tháng Mười hai, gió ùa về lạnh lẽo, cha vẫn giữ thói quen dậy thật sớm nhóm lửa. Bếp lửa cha nhóm sẵn chờ mẹ ngủ dậy xuống thổi cơm sáng cho cả nhà. Cha gom hết những cây củi gộc khô ngoài vườn vào chẻ từng thanh nhỏ, chất đầy chái bếp vì thế mà mùa Đông nào cũng không sợ thiếu củi để nấu. Bếp lửa cha nhóm, mẹ thổi cơm, lửa reo tí tách. Mùi cơm sáng quyện vào mùi khói, mùi sương Đông lảng bảng bay khiến tôi luôn quay quắt nhớ về.
Tháng Mười hai quê tôi bắt đầu vào thời vụ trồng rau Tết. Vụ rau Tết được coi là vụ mùa quan trọng nhất của cả năm. Tết người quê tôi đủ đầy hay không đều phụ thuộc vào vụ rau này. Nên từ sáng sớm, mặc cho những cơn gió Đông vần vũ, người dân quê tôi đã cầm cuốc, thúng, mủng ra đồng. Người xới đất, người ven luống, người lấy nước, rải phân, gieo hạt, trồng cây… Tuy có thâm niên trồng rau Tết lâu năm nhiều kinh nghiệm nhưng mọi thành quả thắng hay bại lại trông hết vào thời tiết. Có năm trời nắng quá, rau lớn nhanh như phỗng, chưa kịp Tết thì đã phải bán đổ bán tháo rồi, lời lãi chẳng được bao nhiêu. Gặp năm lạnh quá, rau không ngóc lên nổi, Tết đến mặc dù giá rau đắt đấy nhưng lại không có rau bán. Tháng Mười hai vì thế mà cha mẹ tôi càng thêm bận rộn và nhiều nỗi lo âu.
Trẻ con ngóng tháng Mười hai, đếm ngày đợi chờ năm mới. Nỗi ngóng chờ của trẻ con thì luôn háo hức và vẹn nguyên tinh khôi trong từng suy nghĩ. Trong những ngày tháng Mười hai, chúng tôi đi chăn trâu, chăn bò ở đồng xa. Cái lạnh vẫn còn lạnh lắm nhưng người đứa nào đứa nấy chỉ một manh áo cộc. Cũng bởi vì nhà quá nghèo. Được cái áo ấm nhất thì dành để mặc đi học, mặc dịp Tết. Nếu mặc đi chăn trâu bò bẩn giặt làm sao cho kịp khô? Suốt những ngày đi chăn trâu bò, chúng tôi chỉ nói chuyện về Tết, về những ước mơ sau này. Để cho vơi đi giá lạnh của mùa Đông, chúng tôi tản ra phía lùm cây, bụi rậm tìm kiếm những nhành củi khô, vơ thêm rơm rạ khô chất thành đống rồi đốt thành bếp lửa cho ấm. Cũng có những lúc “liều mạng” chạy tới ruộng ngô, ruộng khoai của nhà người ta mà bẻ trộm mấy bắp, đào dăm ba củ rồi nướng ăn luôn giữa đồng.
Khoai, ngô nướng là món quà thơm phức ấm mãi suốt tuổi thơ của những đứa trẻ con nghèo khó lúc đó. Cả lũ chia nhau từng hạt ngô, miếng khoai và cùng nhau ngồi bên bếp lửa cười nói rổn rang. Ánh lửa từ bếp củi nổ tí tách đỏ rực. Âm thanh ấy tuy rất nhỏ và rất đỗi bình yên đã đánh thức bao ước mơ thời thơ bé. Đứa nào cũng bảo quyết tâm sau này thoát cảnh ruộng đồng, không để cơ cực, giá lạnh nữa. Chao ôi, những suy nghĩ vừa chân thật vừa hồn nhiên ấy nghĩ lại khóe mắt tôi lại cay xè.
Tháng Mười hai những đêm nằm gió lùa lạnh cóng không tài nào ngủ được. Cha tức tốc ngay ngày hôm sau chế biến một chiếc nệm êm ái bằng những cọng rơm vàng óng. Chiếc nệm như vị cứu tinh trong suốt những năm tháng mùa Đông lạnh giá. Mỗi lần nhắc lại tôi rưng rưng nghĩ về sợi rơm ân tình. Cây rơm đầu hè cha vẫn chất cao mỗi khi mùa gặt đã xong. Liệu những sợi rơm kia có chút gì nhớ nhung đôi tay chai sần của cha vân vê từng sợi, để cha bện thành chiếc nệm năm xưa?
Rồi tháng Mười hai lại về như đã hẹn, tôi là một trong số ít đám bạn thực hiện được giấc mơ thuở thiếu thời. Bỏ lại ruộng đồng, bùn lầy, những cơn gió Đông lạnh buốt tôi lên phố học tập và làm việc. Kể tiếng là người của thành phố vài chục năm nhưng lòng tôi vẫn không quên được quê nhà. Ở đó có những ngày tháng Mười hai, tuổi thơ tôi đã lớn lên gian khổ cùng cha mẹ, xóm làng và bạn bè thân thiết. Tôi muốn được trở lại quãng thời gian tuổi nhỏ, nghèo nhưng vô âu vô lo. Tôi mong được làm chú chim chèo bẻo mỗi sớm mai đứng trên cành cây bạch đàn mà kêu thao thiết. Và tôi sẽ ngủ quên trong không gian mùa Đông bao trùm, thơm mùi đồng ruộng, thơm mùi ngô, khoai nướng trong dòng ký ức xưa đầy kỷ niệm.
Mai Hoàng