Tháng mười
Cho những nhớ thương!
Khi tháng mười khẽ khàng chạm vào góc phố, tôi lại nao nao nhớ về những ngày tháng mười xưa…
Tháng Mười. Nắng thủy tinh nhảy nhót trong ánh mắt biếc xanh của cậu bạn thân khiến nó ngác ngơ. Chơi với thằng nhóc suốt bao lâu nhưng lần đầu tiên con bé nhận ra ánh mắt bạn mình đẹp và trong veo thế. Ấy là một buổi chiều thằng nhóc đặt vòng hoa xuyến chi trắng muốt lên đầu con bé hỏi: “Cậu làm cô dâu nhé?”. Con bé cười hiền lành, ngước nhìn lên bắt gặp ánh mắt thằng nhóc lấp lánh như những sợi nắng non của buổi sớm mai thu. Lúc ấy, con nhỏ bối rối tự hỏi lòng mình sao lại có thằng con trai mắt nai như thế nhỉ? Bao năm qua đi, nó đã không trả lời câu hỏi ấy nhưng vẫn vẹn nguyên trong kí ức là ánh mắt pha lê của cậu bạn thuở nào…
Tháng Mười. Nó mê đắm cái khoảnh khắc chạy chơi đùa cùng đám bạn trong con ngõ nhỏ. Chúng chạy dọc ngõ, í ới gọi nhau dậy sớm đi nhặt những quả sấu chín vàng. Ôi, cái mùi sấu chín chua chua ngòn ngọt làm thổn thức bao trái tim non nớt, là nỗi khát thèm vời vợi của những đứa trẻ quê nghèo tóc sẹm hơn màu nắng. Sáng ra, những quả sấu chín cuối cùng nói lời biệt li cây mẹ, chúng nằm ngoan lành trong những chiếc lá vừa rớt xuống đêm qua. Lá dịu dàng ôm lấy chúng, hệt như những người chị ru em vào một giấc ngủ dài. Sấu nằm im trong cái kén vàng hươm ấy chờ bàn tay nhỏ xíu của đám trẻ con tới đón. Nâng niu trên tay, cô bé nhìn thật lâu vào quả nắng ấy, hỏi thầm: “Này cậu, chuyến du ngoạn đêm qua cậu có bị thương ở đâu không?”. Rồi con nhóc khẽ xuýt xoa, xoay xoay người bạn nhỏ ấy trên tay như thể vỗ về: “Tớ đến đón cậu này, mình làm bạn nhé!”. Cô bé mang sấu về trên vạt áo, để người bạn ấy vào một chiếc túi vải xinh xinh, hít hà mùi hương bất cứ khi nào thích…
Tháng Mười. Nó thèm biết bao những ngày mùa lam lũ ấy! Một sớm thức giấc thấy mẹ bấm cha dậy đi gặt lúa từ lúc còn tối đất. Trăng hạ huyền mong manh hắt vào ô cửa, con nhỏ chẳng thể nào ngủ lại. Thao thức. Trở mình. Rồi bật dậy nấu cám, thổi cơm. Bốn giờ sáng. Sương lãng đãng, cỏ ướt đầm. Con nhỏ lên gân đi qua cánh đồng có nấm mộ nhỏ vô danh để được gặt lúa cùng thầy mẹ. Sợ hãi toát mồ hôi như thể chưa bao giờ sợ thế! Bị thầy mẹ la rầy nhưng trong lòng con nhóc hạnh phúc cứ dâng dâng…Gặt được một chòm, lưng đã mỏi nhừ. Con nhỏ ngồi thở dốc. Có chị muỗm béo mầm ở đâu bay tới. Ái chà! Cả anh châu chấu nữa. Vặt chân chúng, đặt lên lòng bàn tay ngắm nghía, nó thấy cánh đồng làng quê thú vị đến nhường nào! Bất giác nhìn lên thấy mẹ vẫn miệt mài gặt lúa. Hai gò má mẹ ửng đỏ dù nắng non còn chưa thức giấc. Cách đó mấy hàng, cha cũng đang gặt rất say sưa, tấm lưng guộc gầy mà áo đã ướt đẫm mồ hôi tự lúc nào. Con bé vội để hai người bạn vào chiếc nón cũ mèm của mẹ, lại hì hục gặt dù bàn tay rát đỏ…Rồi nó cũng loay hoay lượm lúa, xếp chúng thành từng ôm nhỏ, ôm lên đầu ruộng. Cánh tay ngắn ngủn chẳng ôm được là bao, vừa đi vừa vương vãi, nhưng nó vẫn cố ôm thêm một chút. Lúa chất lên bờ, trong lúc đợi máy tuốt, nó lại được chơi. Con nhóc ăn lót lòng nắm cơm vừng mẹ mang ra đồng từ sớm mà ước gì ngày nào cũng được đi gặt thế! Rồi thẩn thơ, nó tìm cỏ gà, cột chúng lại bằng một cọng cỏ may biêng biếc tím “âm mưu” chiều về chơi với thằng bạn trong ngõ nhỏ…
Tháng Mười. Thầy bảo ngày mai các trò được nghỉ mùa để phụ giúp gia đình. Chao ơi là sướng! Nghỉ mùa ba ngày được lăn mình trên rơm rạ. Năm giờ sáng, nó cùng anh chị dậy quét sân kho, xí chỗ phơi. Vừa trông thóc, đi thóc, vừa chơi trốn tìm, ô ăn quan, thả đỉa ba ba, đánh đáo cùng chúng bạn. Còn có niềm hạnh phúc nào hơn thế? Trưa đến, mẹ sai đi gẩy rơm ở vệ đường. Rơm óng vàng như cái nắng thu, thơm như chưng cất hết thảy hương đồng gió nội vào tấm thân xơ xác ấy. Con nhóc vừa trở mình cho rơm, vừa không quên hít căng lồng ngực mình cái hương vị đồng quê thơm lạ thơm lùng. Nắng nhạt, mấy anh chị em lại lo cất thóc, cất rơm. Thóc chất đầy bao, chở về trên xe cút kít để sớm mai lại chở ra phơi. Nhưng rơm thì chỉ cần chất lên thành từng đống nhỏ dọc vệ đường. Nắng thương mẹ nhọc nhằn nên nhuộm vàng khắp đường thôn ngõ xóm. Chỉ ngày thứ ba rơm đã khô cong. Chiều muộn, mẹ hò mấy anh em ra chở rơm về. Chiếc xe cải tiến lại oằn mình cõng rơm trên lưng. Mẹ chằng chéo cẩn thận rồi cong người kéo để bầy con líu ríu chạy sau đùn. Yêu nhất là cái lúc cả nhà cùng đánh đống rơm. Cha chọn lấy một đoạn ngọn tre khá dài dựng lên làm trụ. Rồi cứ thế tấp rơm vào thành đống. Đống cao dần lên. Cha đứng trên nóc đập vòng tròn. Khuôn mặt cha đỏ rựng nhưng tay vẫn thoăn thoắt trải rơm đều mọi phía. Mẹ cười hiền hậu động viên anh em nó cố lên. Tất cả đều mướt mải mồ hôi nhưng hình như ai nấy cũng mong khoảnh khắc ấy kéo dài thêm một chút. Tiếng cười nói của cả nhà rộn vang, khuấy động cả chiều quê yên tĩnh. Rơm được lèn chặt, gọn gàng, cha không quên phủ trùm lên đỉnh và bao quanh đống một lớp rơm hệt như tấm áo choàng che mưa nắng cho những lớp rơm ở bên trong.
Thế đấy, ba ngày nghỉ mùa trôi qua như một giấc mơ. Nó tiếc nuối kéo dài giấc mộng ấu thơ cùng mấy đứa bạn hàng xóm bằng những trò chơi đuổi bắt, trốn tìm, rồi ngủ ngon lành ngay chân đống rơm vừa mới dựng. Giấc mơ của chúng thơm mùi rơm rạ, những giấc mơ đồng ruộng mênh mang. Mươi ngày sau, mẹ đốt rạ trên đồng, nó lại rủ mấy đứa bạn chạy ra chơi. Con nhóc ngẩn ngơ ngắm cái màu khói trắng bay lên chầm chậm, vơ vẩn. Nó hít thật sâu hương vị làng quê ấy như sợ hãi chỉ một xíu nữa thôi gió sẽ mang chúng về trời chẳng bao giờ trở lại. Ngày ấy ngu ngơ, nó cứ thương sợi khói mồ côi chợt hiện rồi chợt ẩn tan loãng giữa không trung…
Chẳng thấy sợi khói nào đâu mà bất giác mắt cay nhòe. Tôi choàng tỉnh, nhìn ra hè phố - nơi những trái sấu rụng bẽ bàng, không một bàn tay chạm tới. Bất chợt, chiếc xe hơi bóng nhoáng phóng vụt qua. Đám lá bay, những đốm nắng của tôi vỡ nát. Cầm tháng Mười ứa máu trên tay, tôi thấy mình vụn vỡ một thứ gì…Tôi lặng đi, chỉ thấy loáng thoáng bên tai những tiếng gọi mơ hồ:
“ Tháng Mười!
Tháng Mười!
Tháng Mười ơi!...”
Dương Châu Giang.