Tháng Hai cùng mẹ đi hội làng
Tháng Hai, đất trời như gần nhau hơn bởi những màn mưa bụi mơn man, bởi hương bưởi hương xoan dịu dàng thoang thoảng. Thời gian cựa mình trên những chồi non lộc biếc. Không còn không khí náo nức bồi hồi của đêm giao thừa, không rộn rã hân hoan như buổi sớm nguyên đán. Tháng Hai với tôi có niềm mong chờ háo hức rất riêng, ấy là được cùng mẹ đi dự hội làng.
Cụm di tích Đình chùa Từ Hồ quê tôi được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử quốc gia vào tháng 8 năm 1995. Chùa làng thờ Phật Bà Quan Âm. Đình làng thờ Đức thánh Chử Đồng Tử. Ở đầu làng tôi có cây đa cổ thụ hình mâm xôi và cây gạo già hình con gà. Tương truyền, khi Đức thánh Chử Đồng Tử đi cứu nhân độ thế đã dừng lại nơi đây mở yến tiệc đãi dân nghèo. Vì thế cây đa cổ thụ ấy được gọi là cây đa Yến. Biết bao huyền sử được dệt nên từ hình ảnh “mâm xôi con gà” ấy. Để rồi những người con tha hương mỗi khi trở về đều hướng mắt lên chòm cổ thụ mãnh liệt ấy, coi đó như một biểu tượng linh thiêng của làng quê mình.
Mùng 6 tháng Hai năm sau, lần đầu tiên làng tôi mở hội to. Những người con xa quê và quý khách thập phương có dịp được thưởng ngoạn những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân gian của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đám rước hội hành hương từ đình chùa, đi vòng quanh làng, lên tế lễ ở cây đa Yến rồi trở về nhà văn hóa thôn. Đội rước kiệu Thánh trang nghiêm thành kính. Đội múa rồng khỏe khoắn nhanh nhẹn uyển chuyển. Đội tế nam, tế nữ của Hội người cao tuổi chỉnh tề mẫu mực nghiêm cẩn. Đội phụ nữ múa hát trống quân tươi tắn rực rỡ sắc màu. Các cháu thiếu nhi trong đội sinh tiền xinh xắn hồn nhiên. Bao nhiêu gương mặt là bấy nhiêu niềm vui rộn ràng. Tất cả đã làm nên không khí tưng bừng rộn rã, tô thắm sức xuân phơi phới của đất trời nhân gian…
Tôi làm sao quên được cảm giác bồi hồi sung sướng khi tận mắt chiêm ngưỡng Đội tế nữ hành lễ. Tôi cứ nhìn như thôi miên vào khuôn mặt hồng hào phúc hậu và những động tác hành lễ trang nghiêm mà uyển chuyển của mẹ. Người thôn nữ quê mùa ấy lần đầu tiên được biết đến phấn hồng son môi. Có tiếng ai đó tấm tắc khen mẹ tôi đẹp lão nhất đội hình. Tim tôi như đập nhộn lên vì hãnh diện, tự hào. Cảm xúc vui tươi chộn rộn ấy cứ âm ỉ mơn man trong tiềm thức của tôi suốt bao năm qua…
Đội tế nữ đầu tiên ấy được thay thế dần dần qua từng năm bởi sức khỏe của các cụ mỗi năm lại mỏng đi. Có cụ đã về với tiên tổ. Nhưng cứ mỗi độ tháng Hai, mẹ tôi kể lại cho con cháu nghe về những kỉ niệm của đội trong dịp hội làng đầu tiên ấy. Nghe mẹ kể chuyện tôi thầm cảm tạ trời đất vì thấy mẹ vẫn còn minh mẫn lắm. Nhìn đôi mắt mờ nhòa của mẹ vẫn ánh lên niềm vui khi gợi lại kí ức thân thương ấy, tôi thấy trái tim mình ấm áp lạ kì.
Mẹ vẫn nhắc nhở: “Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa.” Mỗi dịp làng mở cửa đền, mẹ lại tự tay soạn sửa hoa quả bánh trái trầu cau để mang lên lễ Thánh. Giản dị, thanh tịnh và từ tâm. Niềm vui của người già là thấy mình còn đủ sức khỏe để mỗi ngày sóc vọng trong tháng hay mỗi dịp hội hè được tỏ lòng thành kính với Trời Phật tổ tiên, cũng là cách để tìm sự an nhiên cho tâm mình.
Còn với tôi, niềm hạnh phúc giản đơn là được cùng mẹ đi dự hội làng. Tôi giúp mẹ mang những bộ quần áo đẹp nhất giặt giũ phơi phóng từ hàng tuần trước để kịp diện vào ngày hội. Đó là bộ áo dài nhung tím đính kim tuyến lấp lánh sang trọng hay chiếc áo bà ba màu nâu cánh gián nhã nhặn diện với chiếc quần sa tanh Nam Định đen mượt. Rồi sau ba ngày hội, mẹ lại cất thật kĩ những bộ trang phục ấy, như gói ghém lại niềm vui và nỗi mong chờ đến ngày hội sau.
Nhớ những ngày hội làng năm xưa, con đường Rước trước sân đình còn là đường đất. Trong màn mưa phùn lây rây không ngớt, đường lầy bùn nhóp nhép. Ấy vậy mà người đi xem hội vẫn đông như nêm. Mẹ nắm tay tôi đi qua những vũng nước ngầu bùn vì lo tôi trơn trượt. Còn bây giờ, quanh các đường thôn ngõ xóm là những dải bê tông phẳng phiu sạch sẽ. Mẹ đã tám mươi xuân, vẫn nắm tay tôi đi theo đám rước hội qua quãng đường dài ngun ngút quanh thôn. Bước chân mẹ đã chậm chạp run rẩy bởi căn bệnh viêm khớp mãn tính. Vậy mà được đi bên mẹ trong cái rộn ràng tưng bừng của tiếng trống hội, nắm bàn tay gầy guộc của mẹ, tôi vẫn có cảm giác được nương tựa chở che.
Mấy chục năm trôi qua, diện mạo quê hương tôi đã có nhiều khởi sắc. Nhưng những nét đẹp văn hóa của hội làng dường như vẫn vẹn nguyên giá trị. Giá trị ấy đâu chỉ là dịp để những người con xa quê trở về đoàn tụ với gia đình trong ngày làng vào đám, cũng đâu phải là việc quảng bá bề dày lịch sử của thôn làng với quý khách thập phương. Mà giá trị lớn lao nhất chính là lưu lại trong tiềm thức mỗi người dân quê cảm xúc háo hức hướng về hội làng với niềm tin phác thực. Những lo toan bon chen của cuộc sống thường nhật dường như tan biến. Thay vào đó là cái tâm hướng thiện bao dung. Và với tôi, nỗi đợi chờ háo hức nhất của mùa xuân là mong đến tháng Hai để đưa mẹ đi dự hội làng. Vậy mà hai năm nay vì tình hình dịch bệnh căng thẳng mà làng tôi không mở hội, đến ngày mùng sáu tháng hai chỉ mở cửa đền cho dân làng thành tâm kính lễ. Nhưng tiềm thức về tiếng trống hội và cảm giác được cầm bàn tay khô sạm mà ấm áp của mẹ lại bồi hồi chộn rộn trong tôi.
Tôi trân trọng từng khoảnh khắc thân thương ấy. Bởi mùa xuân đã sắp cạn ngày. Và tôi đâu biết sẽ còn được bao nhiêu lần dìu mẹ đi dự hội làng mùa xuân…
Tạ Thị Thanh Hải