Thạch Sanh - Bài 4
Bố cục:
- Đoạn 1 (Từ đầu ... mọi phép thần thông): Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh.
- Đoạn 2 (tiếp ... bị bắt hạ ngục): những thử thách và chiến công của Thạch Sanh.
- Đoạn 3 (phần còn lại): phơi bày tội Lí Thông, Thạch Sanh cưới công chúa và lui yên quân lính chư hầu.
Tóm tắt:
Thạch Sanh mồ côi cha mẹ, sống một mình dưới gốc đa. Lí Thông gặp Thạch Sanh, nghĩ lợi dụng sức khỏe của Thạch Sanh làm việc nên gạ kết nghĩa anh em.
Trong vùng có con chằn tinh hung dữ, làng phải cống nộp người cho chằn tinh ăn thịt. Năm ấy đến lượt Lí Thông, hắn nghĩ kế để Thạch Sanh thế mạng. Rồi Thạch Sanh giết chết chằn tinh. Lí Thông lừa và cướp công của Thạch Sanh.
Công chúa bị đại bàng khổng lồ quắp đi, Thạch Sanh bắn nó bị thương. Vua sai Lí Thông tìm công chúa, hứa gả con và truyền ngôi. Lí Thông lừa Thạch Sanh giúp rồi lại nhốt chàng dưới hang sâu. Thạch Sanh giết đại bàng và cứu con vua Thủy Tề, được vua tặng cây đàn thần.
Từ khi được cứu về, công chúa không cười không nói. Hồn chằn tinh và đại bàng trả thù, vu vạ khiến Thạch Sanh bị nhốt vào ngục. Chàng đánh đàn, công chúa nghe thấy liền khỏi bệnh. Vua gọi Thạch Sanh lên kể rõ mọi việc, cho chàng xử tội mẹ con Lí Thông. Chàng tha bổng nhưng trên đường về, hai mẹ con bị sét đánh chết, hóa kiếp bọ hung.
Vua gả công chúa cho Thạch Sanh, 18 nước chư hầu tức giận dẫn quân sang đánh. Thạch Sanh đem đàn ra gảy, quân 18 nước xin hàng. Chàng còn thiết đãi niêu cơm thần ăn mãi không hết, quân lính kính phục Thạch Sanh và rút quân về nước.
Đọc hiểu văn bản:
Câu 1 (trang 66 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1): Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh:
- Nguồn gốc thần tiên (con Ngọc Hoàng), người mẹ mang thai mấy năm.
- Được các thần truyền võ nghệ và phép thần.
--> nhân vật lí tưởng thêm kì lạ và đẹp đẽ, hé mở một nhân vật sẽ lập nên nhiều chiến công phi thường, mang tính thần linh nhưng vẫn rất gần gũi nhân dân.
Câu 2 (trang 66 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Thạch Sanh đã phải trải qua những thử thách: bị lừa canh miếu và giết chằn tinh, cứu công chúa, diệt đại bàng, bị vu vạ nhốt trong ngục --> bộc lộ sự chất phác, thật thà, sự khoan dung, đặc biệt là lòng dũng cảm và tài năng.
Câu 3 (trang 66 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
- Hai nhân vật Thạch Sanh và Lý Thông đối lập nhau một cách toàn diện, sâu sắc. Đó là sự đối lập giữa thiện và ác; lao động và bóc lột; thực thà, trung hậu và lừa dối, xảo trá; vị tha và vị kỉ; anh hùng và bạo ngược; cao thượng và thấp hèn.
- Lý Thông lợi dụng tình anh em kết nghĩa, lợi dụng tính cả tin, thật thà, nhân hậu của Thạch Sanh, đã ra sức bóc lột sức lao động của Thạch Sanh, lừa Thạch Sanh chết thay cho mình, rồi hai lần cướp công của Thạch Sanh, bỏ Thạch Sanh chết dưới hang sâu.
Câu 4* (trang 67 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1): Ý nghĩa chi tiết thần kì:
- Tiếng đàn: giải oan, vạch mặt Lí Thông, khiến quân lính không còn muốn đánh nhau nữa --> tượng trưng cho công lí, cho sức mạnh chính nghĩa.
- Niêu cơm: sự khoan dung, tấm lòng nhân đạo, chuộng hòa bình.
Câu 5 (trang 67 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Kết truyện thể hiện khát vọng cuộc sống công bằng cái thiện – cái ác, ước mơ người tài năng xứng đáng được những gì đáng có. Đây là kết thúc phổ biến trong truyện cổ tích. Ví dụ như truyện Tấm Cám, Sọ Dừa, Cây bút thần, ...
Luyện tập:
Câu 1* (trang 67 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Một số chi tiết tiêu biểu trong truyện Thạch Sanh có thể chọn khi vẽ minh họa:
- Thạch Sanh sống ở gốc đa, mình trần, đóng khố với chiếc búa.
- Thạch Sanh đánh nhau với chăn tinh.
- Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng dưới hang và cứu công chúa.
- Thạch Sanh gảy đàn trong ngục.
- Niêu cơm Thạch Sanh.
Câu 2 (trang 67 sgk Văn 6 Tập 1):
- Khi kể diễn cảm truyện Thạch Sanh cần đảm bảo đầy đủ các chi tiết quan trọng. Bên cạnh đó cần sử dụng khéo léo các từ ngữ giàu tính biểu cảm như: biết bao, bao nhiêu, thật là, vô cùng, …