Thạch
Thành phần chủ yếu của thạch là carrageenan – một loại polymer sinh học được tách chiết từ cây rong sụn và một số loại rong khác, có những lợi ích nhất định đối với chức năng ruột, nhưng ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể khó hấp thu chất khoáng. Ngoài ra còn có nước, đường, chất nhũ hóa sodium alginate, bột agar, hương liệu… Sodium alginate và agar thuộc loại chất xơ nhưng ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ của chất béo và protein đối với cơ thể.
Thạch vốn trơn, lại thường được sản xuất dưới hình trụ, khi ăn mọi người hay bóc lớp vỏ ngoài rồi bóp ở đầu chóp thạch, thạch sẽ được đẩy ra rất nhanh, mạnh. Nhiều bé bị cả miếng thạch đẩy vào miệng nhanh, bất ngờ trôi tọt vào cuống họng nên bị hóc dị vật, gây ngạt. Thạch mềm nên khi trôi xuống đường thở rất dễ thay đổi hình dáng, bám chặt lấy đường thở nên có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức. Chưa kể, khi dùng dụng cụ gắp thạch ra cũng rất dễ gây vỡ vụn, những mảnh vụn này lại tiếp tục rơi sâu xuống đường thở, gây khó khăn cho việc cấp cứu.
Để phòng ngừa, tốt nhất không nên cho bé dưới 5 tuổi ăn thạch vì phản xạ đường thở của bé chưa hoàn thiện nên rất dễ bị hóc. Với bé lớn hơn, nếu cho ăn thì dùng thìa dằm nhỏ miếng thạch, bón cho bé ăn từ từ. Khi bé bị hóc thạch, tuyệt đối không dùng tay móc họng bé, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn, hay có thể làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến bé khó thở hơn.
Trong trường hợp bé tím tái, ngưng thở, cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu bé xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, bé sẽ dễ thở hơn. Sau đó đưa bé đến bệnh viện gần nhất để được xử trí cấp cứu ngay.