Tết quê
Cứ những ngày tết đến, tôi lại bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm có lẽ suốt đời không thể nguôi quên.
Tết năm ấy, nắng ấm trở lại, đất, trời, cây, cỏ, núi rừng, dòng suối như bừng tỉnh sau những ngày mưa bụi, gió cào, rét đậm rét hại. Tôi đang học lớp tám, em trai tên là Thào, lớp năm. Hai anh em được nghỉ tết sớm.
Ngày còn bé, đôi lần được về quê, bố mẹ còn địu trên lưng. Chẳng được về vào dịp tết bao giờ, nên chẳng biết gì về tết quê.
Thấy hai anh em vùi đầu vào đánh điện tử, xem ti vi, chơi cờ vua, thi thoảng mới cầm cuốn sách để đọc. Việc trong nhà đã có chị giúp việc làm hết. Thấy vậy, bố mẹ bảo:
- Bà nội mất rồi, ông nội tuổi già đã ngoài bảy mươi, quê miền núi nhà nọ cách nhà kia cũng phải vài chục mét. Để ông nội vò võ một mình cũng tội, năm nay cho hai đứa về quê sớm để ông nội đỡ nản. Bố mẹ về sau.
Cả hai anh em mừng quýnh. Em Thào, nói như reo:
- Đi ngay hôm nay được không mẹ.
- Liệu có nhớ đường về quê không?
- Sao không, xuống bến ô tô thị xã, rồi bắt ô tô về huyện, từ huyện đi đường men sông Đáy, đến khu chợ có cây đa thật to, rồi rẽ vào núi là tới nhà.
- Con đường ngày ấy, nay khác xưa nhiều, chuẩn bị, sáng mai đi. Cũng cho hai đứa tự về xem có đáng là con trai thành phố không.
Hai anh em tôi náo nức như cậu học trò nhỏ sau bao ngày học tập vất vả được về quê nghỉ hè vậy.
Quen sống ở thành phố, chỉ biết vùi đầu vào ăn, rồi học, không phải mó tay làm việc gì, ngay cả giặt quần áo, rửa bát, lau nhà, mọi việc đã có bố mẹ, cô giúp việc làm cho. Bố mẹ chỉ yêu cầu, phải học cho giỏi. Chỉ như thế ra đời mới kiếm được miếng ăn.
Anh em tôi, ngay từ bé đã được sống trong cưng chiều, chỉ biết người khác phục vụ mình, không phải phục vụ ai. Dù chỉ là công việc nhỏ nhất, lấy cho người lớn một que tăm. Ngoài thời gian đến trường, còn lại ở trong nhà cứ như bị giam lỏng vậy. Nhà ở thành phố, chỉ quanh quẩn trong căn phòng có mấy mét vuông, bức bối tưởng không chịu nổi. Ra đường không có người lớn đi kèm, sợ bị xe cán, hay xa đà vào những tụ điểm vui chơi thành đứa trẻ hư hỏng ngay.
Quê bố, mẹ đều ở miền núi mà anh em tôi chưa một lần được tắm suối, leo núi, chỉ nhìn thấy cảnh núi rừng trên ti vi. Lần nào được về cũng chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà sàn của ông nội rồi lại đi ngay.
Nay được về quê núi, lại không có bố mẹ quản thúc còn vui sướng nào bằng.
Trên đường về, nhìn thấy cái gì cũng lạ, được ngắm những cây đào, cây mơ trồng thành vườn, nhiều cây đã bắt đầu đơm hoa ở các nhà hai bên đường, hai anh em thấy háo hức lạ thường, đi không biết mệt nữa. Em Thào hỏi:
- Nhà ông nội có trồng đào và mơ không?
- Sao không, miền núi nhà nào cũng có, nhìn hoa đào, hoa mơ nở để biết mùa xuân đang về.
- Sao không tỉa cành bán như ở thành phố.
- Nhà nào cũng có bán cho ai.
- Thích nhỉ, cả bản ngập tràn sắc đỏ hoa đào, mầu trắng hoa mơ, còn có gì đẹp bằng.
Sông Đáy, mùa này nước đã cạn, những bãi đá nổi lô nhô trên dòng sông. Chỗ nào cũng thấy các cô gái bản ra sông, cọ lá dong, đãi gạo nếp, đậu xanh. Thấy vậy Thào hỏi tôi:
- Người ta làm gì thế anh?
- Cọ lá dong, đãi gạo nếp để gói bánh chưng.
- Sao ngày tết ở thành phố không thấy nhà nào làm thế.
- Họ mua bánh chưng ở siêu thị, ngốc ạ. Tết ở quê núi mọi thứ phải tự làm.
Mẹ bảo, con đường khác ngày xưa nhiều. Vẫn con đường ấy, giờ đã được mở rộng, qua suối đã có cầu, bản đã có nhiều xe máy đi lại trên đường.
Đi được thôi đường, mồ hôi vã ra, người nóng bừng, tôi với em Thào cởi bỏ áo khoác, để lộ chiếc áo chàm, cài khuy ngang. Mẹ bảo "Về quê núi phải mặc áo dân tộc mới ra chàng trai bản được". Thấy hai anh em vừa đi vừa ngắm cảnh vật hai bên đường. Một thanh niên đi xe kích đến cạnh, xuống xe, hỏi:
- Hai đứa ở thành phố về bản phỏng, ở bản nào. Anh hỏi bằng tiếng dân tộc, hai đứa nghe không hiểu, ngơ ngác nhìn anh. Anh hỏi lại bằng tiếng Kinh mới hiểu. Tôi trả lời:
- Chúng em ở thành phố về ăn tết, ở bản Kẹo.
- Đi theo lối có cây đa bãi sông vào bản chứ gì. Là trai bản sao không biết nói tiếng dân tộc thế, bố mẹ không dạy sao?
- Có dạy, chúng em chưa nói được.
- Chắc chỉ nói xì là xì lồ bằng tiếng Anh phải không, thế là không tốt đâu, là dân tộc nào phải biết nói tiếng dân tộc ấy. Thế mới là người của núi, là chàng trai của bản chứ. Lên xe anh đèo đi.
Đến cây đa cổ thụ, cành lá tàn tán, nhiều rễ buông từ cành xuống bám vào đất đã to hàng vầng ôm, có tám rễ to như thế, dân bản gọi là cây đa Tám Mặt. Trên bãi rộng quanh cây đa, từng tốp trai gái bản đang dựng cột ném còn, bãi đánh quay, sân đẩy gậy, cả hàng bia để thi bắn cung, bắn nỏ, một bãi phẳng để kéo co, tất cả đã sẵn sàng cho vui chơi trong ngày tết. Anh thanh niên cho đi nhờ xe bảo:
- Có biết đường về bản không?
- Biết ạ, em cảm ơn anh.
- Về bản đi, chiều ra đây, thanh thiếu niên, trai, gái các bản, đến đông lắm, tập ném còn, đẩy gậy. Hai đứa biết các trò chơi đó không?
- Chưa được chơi bao giờ ạ.
- Thành phố làm gì có những trò chơi như thế, ra đây tập khác biết chơi. Nhớ bảo ông nội dạy cho mấy câu chào hỏi bằng tiếng dân tộc, gặp bạn cùng tuổi không biết chào, người ta cười cho đấy. Người Kinh có câu "Lời chào cao hơn mâm cỗ". Gặp nhau không biết chào, còn là con người nữa không.
Nghe anh thanh niên nói thế, hai anh em thấy xấu hổ. Ở thành phố bố mẹ có dạy nói tiếng dân tộc, hai đứa không chịu học, còn cãi lại:
- Bây giờ người ta nói chuyện bằng tiếng Anh, ai nói tiếng dân tộc của mẹ. Về bản không biết nói tiếng dân tộc mình, còn đâu là người núi nữa, không đáng xấu hổ sao. Tôi hỏi Thào:
- Em còn nhớ những câu mẹ dạy không?
- Chỉ nhớ mang máng thôi.
- Nhớ mang máng nói sao được, anh cũng vậy về chỗ ông phải bảo ông dạy ngay. Chỉ cần nói được các câu xã giao thôi.
Về gần đến nhà đã thấy ông cầm dao đi trước, hai đứa bằng tuổi tôi với Thào mỗi đứa một đầu vác trên vai cây diễn còn nguyên cả ngọn, dài đến chục mét từ trên nương về. Tôi gọi to:
- Ông nội à, chúng cháu về ăn tết với ông đây.
Ông đứng lại nhìn, vẫn chưa nhận ra hai đứa tôi.
- Cháu với em Thào về với ông đây. Phải đến gần, ông mới nhận ra:
- Lả, Thào phải không? Về nhà đi, rồi bốn đứa bay giúp ông trồng cây nêu.
Lên nhà sàn, thấy chúng tôi lạ lẫm nhìn nhau, ông giới thiệu:
- Đây là Vừ và Lồ con bác hàng xóm, gần nhà ông đây, giúp ông mang cây diễn trên núi về để trồng cây nêu. Còn đây là Lả với Thào, cháu nội của ông, sống với bố mẹ ở thành phố. Bao giờ bố mẹ về?
- Ba mươi tết ạ.
- Về được là tốt, bốn đứa làm quen với nhau đi, rồi cùng ông xuống trồng cây nêu. Tôi không biết cây nêu là gì, không dám hỏi, thằng Thào nhanh nhảu:
- Cây nêu là gì ạ, ông nói cho cháu biết đi.
- Để Vừ nói cho nghe.
- Hai bạn không biết cây nêu là phải. Thành phố làm gì có cây nêu, ở bản nhà nào ngày tết cũng trồng cây nêu, ở trước nhà, thẳng gian giữa ra. Cây nêu bằng cây diễn hoặc tre, phải để phần ngọn lại, treo lá cờ đỏ sao vàng, và vòng tròn, có nhiều tua giấy ngũ sắc, để hồn ma chín suối, mười Mường, ông bà, tổ tiên, cả người đi làm ăn xa biết đường về quê ăn tết. Phù hộ cho người nhà, dân bản giàu có, hạnh phúc mãi lên. Mình chung vui ngày tết cũng phải nhớ đến tổ tiên, ông bà, những người đã hy sinh vì đất nước đón họ về ăn tết với mình chứ.
Tôi ngạc nhiên nhìn Vừ, sao Vừ biết về cây nêu rõ thế. Ngày tết ở thành phố nhà nào cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc đi dạo phố, đến chơi nhà thân quen làm gì có cây nêu và các trò chơi ngày tết. Trồng cây nêu, anh em Vừ, Lồ làm rất thạo, đào hố, rồi dựng cây nêu. Anh em tôi cứ lóng ngóng, giữ cho chân cột cây nêu vào đúng lỗ Vừ đã đào sẵn, cũng không làm được. Lại còn xoay cây nêu thế nào cho đúng hướng nữa. Tôi thấy mình cái gì cũng thua kém các bạn ở quê. Khi Vừ hỏi:
- Có biết đẩy gậy, chơi quay, đi cà
kheo không?
Tôi phải nói thật:
- Chưa được cầm cái gậy bao giờ.
Vừ phải dạy cách cầm gậy, du đối phương như thế nào, chân đứng ra sao, để đối phương không du được mình, còn đẩy đối phương ra khỏi vạch đích. Tôi với Vừ cầm gậy tập đẩy. Vừ mới du nhẹ tôi đã không thể đứng vững, loạng choạng ngã. Thấy vậy Vừ bảo:
- Đẩy gậy là trò chơi, cần sức mạnh không chỉ cánh tay, mà phải có đôi chân vững, có sức mạnh toàn thân, cả mưu mẹo nữa, mới dồn đối phương đến chỗ thất thế phải chịu thua. Cả chơi quay, và đi cà kheo, không có cổ tay dẻo, đôi mắt tinh, làm sao bổ trúng quay đối phương được, bổ trúng, quay của mình vẫn phải quay tít nữa. Không phối hợp khéo chân với tay không thể đi cà kheo được, nói gì đến đi cà kheo vừa chạy vừa đá bóng.
Tôi tập mãi vẫn không sao làm được. Vừ động viên:
- Lần đầu ai chả thế, phải tập luyện nhiều lắm đấy. Chiều nay ra bãi tập, tha hồ đẩy gậy, cả ném còn nữa, vui chơi với trai, gái các bản thích lắm. Sống ở miền núi chỉ có ngày tết mới được vui chơi thỏa thích thôi. Còn những ngày khác phải đi học, còn giúp bố mẹ làm nương, thả trâu, bò, cả dê nữa, làm không ngơi tay, không được chơi đâu.
- Không đi học thêm sao?
- Chỉ thành phố mới đi học thêm, ở miền núi còn phải làm giúp bố mẹ, chỉ buổi tối mới có thời gian học bài.
- Học thế giỏi sao được.
- Anh học lớp mấy rồi? Lồ hỏi.
- Lớp tám.
- Cùng học lớp anh Vừ. Anh Vừ học sinh giỏi toán thi được giải cấp tỉnh đấy. Hai người thi làm toán xem ai giỏi hơn ai. Anh Vừ ra đề đi.
Vừ bẽn lẽn nhìn tôi không dám đọc. Chắc biết tôi học ở thành phố, chỉ mỗi việc học, còn học thêm nữa, chắc giỏi lắm, Vừ bằng sao được. Thấy vậy tôi giục:
- Cứ đọc thử xem.
- Ông bảo lúc nữa vào giúp ông gói bánh chưng, đúng không. Vừ có bài toán thế này: Gói bánh chưng ngày tết, mỗi tết ông gói mười cân gạo nếp, ba cân đậu xanh, lá dong, cả lạt chằng bánh nữa, cứ gói ba chiếc bánh chưng vuông, thì gói hai chiếc bánh chưng tày, một chiếc bánh chưng con, hỏi ông nội gói bao nhiêu chiếc bánh mỗi loại.
Tôi ngớ ra, sao lại có đề toán lạ lẫm đến vậy, miệng lẩm bẩm, đọc lại đề toán, không tìm ra cách giải, tính cách nào, cho ra số bánh, và các loại bánh nữa chứ. Mặt tôi bỗng nóng ran. Lúc bí tôi thường thấy mặt mình như vậy. Tôi xòe cả mười ngón tay ra tính, vẫn không tìm ra đáp số. Vừ nói vui:
- Có cần máy tính không, làm sao tìm ra đáp số cụ thể được. Vừ giải thích: - Vì không biết số gạo nếp gói một chiếc bánh chưng vuông, bánh Tày, bánh con là mấy lạng, cả đậu xanh gói mỗi loại nữa. Làm sao có đáp số cụ thể được. Vậy đáp số là N chiếc bánh, mỗi loại. Chỉ khi biết số gạo nếp, số đậu xanh mỗi loại mới có đáp số cụ thể được.
Những bài toán như thế nó giống như tính số cây trồng trên núi, số hạt lạc, hạt đậu, hạt ngô trồng ngoài bãi, chỉ tìm ra con số tương đối đúng, không thể chính xác. Cho dù biết diện tích trên núi, đất bãi rộng bao nhiêu, đất trên núi còn nhiều bãi đá, trồng sao được cây. Khi bỏ hạt, mật độ không đều nhau, còn khoảng cách giữa các hàng nữa. Những khi làm theo con số đó, thiếu, thừa, không đáng kể. Ở bản, em giúp nhiều nhà tìm ra con số ấy để trồng cây và tra hạt đấy, để không thừa, không thiếu nhiều quá.
Nghe Vừ nói, tôi thấy mình thật sự thua kém Vừ. Suốt ngày chỉ có ăn với học, không phải làm bất kỳ việc gì. Lại còn tốn bao nhiêu tiền đi học thêm, mà vẫn không bằng Vừ, chỉ học buổi sáng trên lớp, một chút thời gian buổi tối, còn làm bao việc giúp bố mẹ. Nghĩ vậy, tôi thấy xấu hổ quá chừng. Đã vậy em Thào còn nói trêu:
- Anh Lả đã chịu thua trai bản chưa. Anh Vừ có thời gian học như anh, làm sao anh theo được. Tôi đành nói chữa thẹn:
- Cả em nữa, chắc gì đã học giỏi hơn em Lồ đây.
- Em nhận kém hơn được chưa. Vừ nói xí xóa:
- Không nói hơn kém nữa, lên nhà giúp ông gói bánh chưng đi, xem đáp số thật là bao nhiêu chiếc bánh. Cả bốn đứa chạy ùa lên nhà sàn.
Những buổi chiều sát tết, cả bốn đứa ra bãi cây đa Tám Mặt chung vui với trai, gái các bản. Chưa bao giờ hai anh em được vui đùa thỏa thích đến như thế. Tập đánh quay, ném còn, đẩy gậy, cả thi kéo co thử. Trai, gái các bản đến chơi đông. Người nào cũng lanh lợi, nhanh nhẹn, ném còn, quả còn bay vút lên, mỗi lần quả còn bay qua vòng tròn, tất cả reo hò, làm náo nhiệt cả khu đất rộng.
Bốn đứa, thêm một trai bản, với năm bạn trai bản bên. Thi kéo co, lần nào cũng thua, Vừ phải bảo:
- Lả học Vật lý rồi đấy, về lực cùng chiều và ngược chiều, phải cầm chắc dây, đúng độ cao, cả năm đứa hợp sức kéo cùng chiều, bàn chân phải dê trên mặt đất từng tí một, đừng nhấc chân lên. Khi mình hô "kéo" tất cả phải dồn sức, kéo thật lực.
Năm đứa làm theo Vừ, thắng liên tiếp. Tất cả cười vui.
Ngày tết, thi tài với các bản đến chung vui, tôi cũng được chọn vào đội tuyển của bản Kẹo thi đấu với các bản, có thắng, có thua. Vui nhất vẫn là về các nhà trong bản, ăn cỗ tết, uống rượu cần, tôi không uống được rượu nhưng nhấp một tí cũng thấy thích. Ăn no, uống say rồi cùng hát, cùng múa theo những bài ca bằng tiếng dân tộc, tôi nghe không hiểu, chỉ biết cầm tay, nhún nhảy theo, cũng thấy mát lòng, hởi dạ. Sung sướng nhất là mọi người không coi anh em tôi là người xa lạ, cứ như con em trong bản vậy.
Ngày tết qua đi thật nhanh, hai anh em tôi cùng bố mẹ trở về thành phố. Vừ, với Lồ tiễn anh em tôi ra tận bến ô tô huyện. Khi chia tay Vừ nói với tôi:
- Về thành phố phải học tiếng dân tộc đấy, không nói được tết sau về Vừ không nhận là con trai của bản Kẹo đâu.
- Nhất định phải bảo bố mẹ dạy nói bằng được chứ.
Về thành phố rồi, hình ảnh Vừ, những ngày ăn tết ở quê, luôn nằm lại trong tâm trí tôi. Chưa bao giờ tôi khát khao được về sống ở quê, được góp phần mình làm cho quê núi ngày một giàu đẹp, đến như thế.
Tốt nghiệp lớp mười hai, tôi nhất quyết không nghe lời bố mẹ thi vào trường bố mẹ chọn mà thi vào Trường đại học Lâm nghiệp. Tôi nói với bố mẹ:
- Con muốn về quê núi công tác. Quê núi lắm rừng, học ngành lâm nghiệp còn giúp dân bản trồng rừng, bảo vệ rừng, chả nhẽ để rừng trơ chọi mãi sao.
- Nghĩ được thế là tốt, bố mẹ lại lo quen sống ở thành phố, chỉ muốn bám lấy thành phố để sống, quên hẳn quê núi rồi.
Học đến năm thứ ba Trường đại học Lâm nghiệp, nghỉ tết năm ấy bố mẹ cho tôi với em Thào, đang học lớp mười hai, đi xe máy về quê ăn tết.
Vậy là đã bảy năm, từ ngày xa Vừ tôi lại mới được về quê ăn tết. Những kỷ niệm cái tết năm ấy, bài toán làm bánh chưng Vừ đã thử tài tôi, về đẩy gậy, kéo co ở cây đa Tám Mặt, về những người bạn ở quê núi, sống dậy trong tôi, tươi rói và đầm ấm xiết bao.
Bảy năm đã qua đi, tất cả đã lớn rồi, không biết tết này về còn được gặp lại nhau ở cây đa Tám Mặt không. Vừ ở nhà hay đã đi đâu, cả các bạn nữa.
Ước gì, chỉ sau một giấc mơ tôi đã có mặt ở quê núi rồi.