Tê giác một sừng
Tê giác một sừng Việt Nam (Danh pháp khoa học: Rhinoceros sondaicus annamiticus) là một phân loài của loài tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus) phân bố ở Việt Nam sống ở Việt Nam, Lào, Campuchia, tới cả Thái Lan và Malaisia. Thuật ngữ Annamiticus bắt nguồn từ tên gọi Annamite của dãy Trường Sơn ở Đông Dương, một phần khu vực phân bố của loài này, chúng còn biết với tên Tê giác Java Việt Nam hay còn gọi đơn giản là Tê giác Việt Nam vì Việt Nam chỉ có loài này, người Xtiêng gọi chúng là Pai-ro-mhai. Phân tích di truyền cho thấy rằng hai phân loài còn tồn tại ở Việt Nam và Indonesia đã có cùng một tổ tiên chung cách đây khoảng chừng 300.000 đến 2 triệu năm trước. Giống tê giác một sừng được coi là bị tuyệt chủng tại đất liền châu Á cũng như Đông Nam Á lục địa, cho đến khi người ta phát hiện ra một cá thể tê giác bị săn bắn vào năm 1988 tại khu vực Cát Tiên.
Dù được con người quan tâm bảo tồn nhưng diện tích cư trú của tê giác vẫn bị xâm lấn 15% vào năm 1990 và con số tê giác còn sống đã giảm xuống chỉ còn 5-8 con vào năm 1999. Theo đánh giá năm 2000, có khoảng 6.000 người sống bên rìa khu vực Vườn quốc gia, ở các vùng bãi bồi triền sông, môi trường sống ưa thích của tê giác, bắt đầu xâm lấn để trồng lúa, cộng thêm với lực lượng kiểm lâm bảo vệ ít ỏi (dưới 20 người), nên người ta cho rằng tê giác Việt Nam chỉ có thể tồn tại trong vòng từ 3-5 năm nữa. Sau đó cơ quan bảo tồn ước tính chỉ còn 3-8 con tê giác và có thể không có con đực nào sống sót.
Tê giác Việt Nam sinh sống ở Vườn Quốc gia Cát Tiên tập trung chủ yếu trong phạm vi khoảng 5.000 ha rừng trên địa bàn xã Gia Viễn. Trong đó, cá thể tê giác cuối cùng đã từng sống tại khu rừng Cát Lộc, khu vực phía bắc của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Vườn Quốc gia Cát Tiên được nhiều người biết đến bởi là khu bảo tồn động vật hoang dã và từng có loài tê giác một sừng tồn tại, trong khi đó loài này đã tuyệt chủng ở khu vực đất liền Đông Nam Á nhưng con tê giác cuối cùng cũng đã gục ngã trước tiếng súng của đám săn bắn.