Tập tính sinh sản của cua
Trước lúc lột xác giao phối khoảng 2 đến 10 ngày cua đực và cua cái sẽ ghép đôi với nhau. Cua đực (thường lớn hơn cua cái) dùng các chân bò và cái càng ôm chặt lấy cua cái trên mặt lưng. Nó mang con cái đi quanh suốt có khi kéo dài 3 đến 4 ngày hoặc hơn nữa. Đến khi con cái sắp lột vỏ để giao phối thì con đực mới rời con cái ra và ở cạnh; con cái vừa lột xác xong, con đực liền ôm con cái áp sát mặt bụng vào nhau và phần gỡ yếm con cái ra để giao phối.
Thời gian giao phối có thể kéo dài từ khoảng 5 giờ đến cả ngày. Sau đó con đực buông cua cái ra, nhưng vẫn sẽ đi cạnh để bảo vệ cua cái. Sau khi giao phối, túi tinh được giữ ở bộ phận nhận tinh của cua cái trong khoảng thời gian dài để thụ tinh cho trứng của cua cái. Trong mùa sinh sản cua cái có thể đẻ trứng từ 1 – 3 lần và được thụ tinh nhờ tinh trùng nhận được vào khoảngđầu mùa sinh sản. Thí nghiệm của chúng tôi cho thấy cua gạch bắt về nuôi trong một bể xi măng (không có cua đực) từ tháng 7 đến tháng 10 đã đẻ trứng 3 lần và trứng các lần đẻ đều đã phát triển thành ấu trùng.
Cua cái sau khi giao phối, tế bào trứng sẽ tiếp tục sinh trưởng và chín, đẻ trứng và thụ tinh. Khi đẻ trứng cua cái nằm ở đáy, dùng các chân bám vào bên nền đáy, phần đầu ngực được nâng lên phần bụng được mở ra, các chân bụng được dựng đứng lên, trứng chín qua ống dẫn trứng đã được thụ tinh với tinh trùng từ túi chứa tinh trùng.
Trứng được đẻ ra được chứa trong phần bụng con cái có 2 lớp màng; màng ngoài hút nước sẽ trương lên. Giữa 2 lớp màng có niêm dịch. Nhờ những cử động của phần bụng, trứng bám trên lông tơ của chân bụng và do tác dụng của ngoại lực màng ngoài của trứng, kéo dài ra thành những “cuống trứng”, làm cho trứng tuy dính vào lông của phần chân bụng nhưng vẫn “tự do’’ và trứng không dính lại với nhau. Những cua cái ôm trứng gọi là cua trứng, trứng được cua cái ôm tiếp tục phát triển cho đến lúc thành những ấu trùng mới rời khỏi bụng cua, nên cũng gọi là “cua con”.