Tại sao lại chọn du lịch Yên Tử
Núi Yên Tử còn có tên gọi khác là núi Tượng Đầu, là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi nằm ở ranh giới giữa 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Núi Yên Tử là một dải núi cao nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam với hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng đã được nhà nước công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên. Phía Đông dãy Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh và phía Tây thuộc tỉnh Bắc Giang. Nhìn một cách khái quát nhất, có thể kể ra những giá trị làm nên sự đặc biệt của Khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử như sau:
- Giá trị lịch sử: Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng tạo ra. Đây là một trong những di tích lớn và ra đời sớm ở nước ta. Hệ thống chùa, am, tháp, bia, tượng… ở Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư tu hành tại đây. Đặc biệt các văn bia ở Yên Tử đều chứa đựng một lượng thông tin rất lớn, qua nghiên cứu các văn bia ở đây chúng ta có thể lập lại được một phả hệ những nhà sư đã tu hành tại đây cùng với lược sử của họ, từ đó có thể nghiên cứu được tình hình phát triển của Phật giáo Trúc Lâm qua từng thời kỳ. Trải qua các thời kỳ: Lý, Trần, Lê, Nguyễn, danh sơn Yên Tử trở thành nơi hội ngộ của các bậc thiền sư đạo cao đức trọng như Tổ Chân Nguyên, ni sư Đàm Thái, Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Tam Tổ Huyền Quang...
- Giá trị văn hoá: Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối, tu hành thập thiện như: Thiền tâm thiết chuỷ ngữ lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già Toái sự, Thạch thất Mỹ Ngữ, Truyền Đăng Lục, Thượng Sĩ hành trang… Đây là những di sản văn hoá phi vật thể quý giá đang đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, Thiền phái Trúc Lâm cũng để lại cho đời sau nhiều công trình văn hoá vật thể quý báu: chùa chiền, am, tháp được hình thành trong quá trình ra đời và phát triển của chốn tổ Trúc Lâm tại Yên Tử. Những di sản vật thể quý báu đó đã phản ánh khá rõ nét về sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc Việt Nam qua các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Đó là những báu vật, cổ vật có một không hai trong kho tàng văn hoá Việt Nam.
- Giá trị tư tưởng: Trong lịch sử xã hội Việt Nam, Phật giáo ở nước ta từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 18 đều do Thiền tông chủ yếu lãnh đạo và truyền bá. Các hệ phái Thiền tông hầu hết từ Trung Hoa truyền sang như: Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, phái Vô Ngôn Thông, phái Thảo Đường… Những vị tổ đứng đầu mỗi hệ phái đa phần là người Trung Hoa, Ấn Độ, chỉ có phái Thiền Trúc Lâm mới có ông tổ là người Việt Nam, mới thông cảm với tâm tư nguyện vọng, phong tục tập quán của người Việt Nam, giáo hoá thích ứng với nhu cầu của Phật tử Việt Nam.
- Giá trị thắng cảnh: Yên tử - một trong những linh sơn của đất nước, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, còn là nơi bảo tồn được rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như Tùng, Trúc, Mai và các loại cây thuốc nam quý hiếm. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa tháp, là sự thơ mộng của suối nước trời mây chen trong cây cỏ hoa lá và chim muông, là sự phong phú của thảm thực vật đa dạng và những loại cây dược liệu có giá trị. Chính vì vậy mà từ xa xưa Yên Tử được xếp là một trong 72 phúc địa của nước ta. Đại Thanh nhất thống chí có ghi: “Núi Yên Tử là nơi đắc đạo của Yên Kỳ Sinh nhà Hán. Năm Tự Đức thứ ba liệt vào hạng danh sơn, chép trong điểm thờ”. Sau này các triều đại phong kiến nước ta đều xếp Yên Từ vào loại “danh sơn”…
Với tất cả các giá trị trên thì dễ hiểu tại sao non xanh Yên Tử lại thu hút du khách đến vậy. Bạn cũng muốn đến và khám phá phải không nào.