Tách con người ra khỏi vấn đề
Trước hết, phương pháp này đòi hỏi người tham gia thương lượng phải nhận thức được rằng mình không phải đang làm việc với những “đại diện của phía bên kia” mà là với những con người cụ thể - với những tình cảm, tiêu chuẩn giá trị riêng của họ, có trình độ, có học thức, quan điểm riêng và rất khó dự đoán được về họ. Xung đột nằm trong đầu của con người, vì vậy, khía cạnh con người có thể làm nên thành công hay thất bại trong các cuộc giải quyết xung đột. Con người luôn có nguyện vọng được thấy mình tốt và quan tâm xem người khác nghĩ về mình thế nào. Điều này làm họ nhạy cảm hơn với lợi ích của đối phương.
Mặt khác, cái tôi của họ rất dễ bị tổn thương, họ nhìn nhận thế giới theo quan điểm riêng của họ và luôn lẫn lộn nhận thức của họ với hiện thực. Chính vì vậy rất dễ dẫn tới việc hiểu lầm làm tăng thêm định kiến và dẫn tới những phản ứng, đối phó nhau trong cái vòng luẩn quẩn. Việc tìm kiếm giải pháp trở nên khó khăn và việc thương lượng, hòa giải đi tới bế tắc. Trong khi tiến hành thương lượng, hoà giải cần luôn ghi nhớ rằng mình không phải chỉ giải quyết vấn đề con người của các bên hoặc của phía bên kia mà của cả chính mình. Đừng bộc lộ cái tôi chủ quan vào quá trình giải quyết xung đột. Thái độ bực bội và tâm trạng thất vọng có thể cản trở việc đạt một thỏa thuận có lợi.