Suy nghĩ về nạn bạo hành gia đình trong "Chiếc thuyền ngoài xa" bài 5
Ngày nay, tuy xã hội đã văn minh hơn, nhưng nạn bạo hành trong gia đình vẫn còn tồn tại và trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Điều đó không phải là một đề tài xa lạ trong văn học từ xưa đến nay.Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu đã đặt ra một vấn đề khiến nhiều độc giả phải suy nghĩ: nạn bạo hành gia đình trong xã hội xưa và nay.
Xuyên suốt toàn bộ truyện ngắn,tác giả không hề nhắc đến tên gọi của người đàn bà tội nghiệp, Nguyễn minh Châu đã gọi một cách phiếm định: người đàn bà hàng chài, mụ, chị ta, người đàn bà. Chị cũng giống như hàng trăm người đàn bà ở vùng biển nhỏ bé này:một người nghèo khổ, lam lũ, cơ cực .Dường như mọi sự bất hạnh của cuộc đời đều trút cả lên chị, xấu, nghèo khổ, lam lũ, lại phải thường xuyên chịu những trận đòn roi của người chồng vũ phu.Bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ: ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng nhưng chị không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách chạy trốn mà coi đó là một lẽ đương nhiên. Người đàn bà ấy nhẫn nhục, cam chịu, thầm lặng chịu đựng mọi đau đớn tất cả vì những đứa con. Chị chỉ có một ao ước đến tội nghiệp: chồng mang chị lên bờ để đánh, chỉ vì chị ta hiểu rằng không nên để con thấy những cảnh như thế!
Sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài đã khiến nhiều độc giả phải suy nghĩ: tại sao chị không chống trả, không báo chính quyền, không làm đơn li dị? Rõ ràng hoàn cảnh và điều kiện sống cũng là một nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, đó là còn chưa kể tới những hệ lụy của nó. Cái gì quá khó khăn, quá vất vả thường khiến con người ta ích kỉ và tàn nhẫn hơn, khó mà giữ được mình trong sạch, giữ mình là mình nữa.
Nạn bạo hành trong gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân, và không thể giải quyết đơn giản như suy nghĩ của Phùng và Đẩu. Trong thực tế cuộc sống hiện nay, nhiều người vẫn chấp nhận cam chịu việc bị hành hạ đánh đập. Đó là khi người vợ phải phụ thuộc kinh tế, tài chính và thậm chí cả tình cảm vào đối phương. Họ thường chịu áp lực về điều này, họ có thể bị coi thường, thậm chính bị đối xử bất công trong gia đình. Có những người vợ, người mẹ bị bạo hành nghiêm trọng, họ chịu tổn thương ghê gớm cả về thể chất và tinh thần, nhưng vì thương những đứa con côi cút, họ hi sinh cho con và chịu những trận đòn roi, xỉ vả; trong khi chính họ hoàn toàn có lí do chính đáng để bỏ người chồng vũ phu.
Bạo hành trong gia đình thường liên quan trực tiếp tới nhân quyền.Nó để lại hậu quả nặng nề, xâm phạm nghiêm trọng tới nhân quyền. Mỗi hình thức bạo hành trong gia đình để lại những hậu quả khác nhau. Nhiều nơi vùng sâu vùng xa ở nước ta, do trình độ học vấn còn nhiều hạn chế, nên bạo hành xảy ra chủ yếu dưới hình thức là bạo hành thể xác và bạo hành tình dục. Còn ở nhiều nơi với mức sống và trình độ văn minh hơn, bạo hành tuy tỉ lệ ít hơn, nhưng dưới hình thức cũng đa dạng hơn, gồm cả bạo hành về tinh thần- kiểu bạo hành dã man nhất: đày đọa về tinh thần, tâm lí, tình cảm của người bạn đời.Nhiều kẻ chỉ vì nóng giận, , để rồi tự biến mình thành thủ phạm của bạo lực gia đình, bạo hành ngay chính người thân yêu của mình, gây ra những hậu quả khôn lường
Bạo hành gia đình thường gây đau đớn về tinh thần cho nạn nhân, gây ra nhiều hậu quả thương tâm.Một khi tâm hồn non nớt của trẻ em bị chai sạn vì tổn thương, chúng sẽ không thể là những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng và hồn nhiên như bản chất của chúng nữa. Trong chúng ta liệu có ai mong muốn gia đình mình tan vỡ, có ai mong mình sẽ bơ vơ như những chú chim non lạc mẹ, để rồi phải một mình chống chọi với muôn ngàn cạm bẫy và bóng tối của cuộc đời? Tình cảm gia đình là tình cảm thật thiêng liêng, nó kết nối mọi thành viên trong gia đình với nhau, kết nối mọi người trở thành một thể thống nhất. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc ấm no thì xã hội mới ổn định, văn minh. Mọi người đối xử với nhau tốt đẹp thì cả cộng đồng sẽ thật an ấm, tươi vui.
Bởi vậy khi nhận thức đúng đắn về hậu quả của bạo lực gia đình, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em:xã hội cần quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo, giáo dục tuyên truyền về bình đẳng giới, có những qui định, chế tài về việc gây bạo hành nâng cao nhận thức của xã hội đối với nạn bạo hành. Chúng ta có những hành động việc làm kịp thời để ngăn chặn nạn bạo hành và giúp đỡ những nạn nhân đúng lúc.