Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh bài 12
Nguyễn Quang Sáng là một trong những cây bút tiêu biểu nhất của nền văn học kháng chiến chống Mỹ. Là một nhà văn, đồng thời là một người lính, Nguyễn Quang Sáng có điều kiện đi sâu vào đời sống và chiến đấu của các chiến sĩ. Thế nhưng, ông không khai thác các sự kiện trọng đại như các nhà văn khác. Ngòi bút của ông hướng vào những nhân vật bình thường, nhưng truyền tải được lí tưởng cách mạng sâu sắc.
Mỗi tác phẩm là một sự hòa hợp giữa cái chung và cái riêng, giữa lí tưởng và tình cảm cá nhân. Qua truyện ngắn Chiếc lược ngà, người đọc nhận rõ điều đó. Từ câu chuyện nhà của ông Sáu, tác phẩm thể hiện sâu sắc và cảm động đời sống tình cảm gia đình của các chiến sĩ trong chiến tranh vừa rất khốc liệt vừa hết sức tha thiết. Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết 1966, tại chiến trường Nam Bộ, trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang diễn ra gay go, ác liệt nhất. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện gia đình ông Sáu - một cán bộ kháng chiến.
Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến từ lúc bé Thu mới một tuổi. Mãi đến khi con gái lên tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Chỉ vì vết sẹo trên mặt ông mà khiến bé Thu không nhận ra ông là cha. Bởi thế, Thu đã đối xử với ông như người xa lạ. Đến khi Thu nhận ra cha nhờ ngoại giải thích, tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở về khu căn cứ. Cảnh chia tay của hai cha con trên bến sông khiến những người có mặt cảm động không cầm được nước mắt.
Ở khu căn cứ, ông dồn hết tình cảm yêu quý, nhớ thương đứa con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con. Trong một trận càn của giặc, ông Sáu hi sinh. Trước lúc ra đi mãi mãi, ông đã kịp trao cây lược cho bác Ba-người đồng đội thân thiết và nhờ bạn chuyển cho con gái. Với giọng văn nhẹ nhàng, tha thiết, Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện thành công đời sống tình cảm gia đình trớ trêu trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Chiến tranh mang đến cho con người biết bao đau thương, cay đắng. Chiến tranh làm tổn thương tình cảm gia đình, gây nên sự chia cách và những mất mát không thể nào bù đắp được.
Vì cuộc chiến, ông Sáu phải rời bỏ gia đình lên căn cứ khi đứa con bé bỏng chưa tròn một tuổi. Khi đứa con chưa nhận kịp ra khuôn mặt của cha, chưa biết ghi khắc vào kí ức hình bóng thân yêu ấy. Bao nhiêu năm ông Sáu biền biệt là bấy nhiêu năm bé Thu mong nhớ. Nó chỉ biết ông qua tấm ảnh cũ mà mẹ nó đưa cho nó. Nó gìn giữ hình bóng ấy trong trái tim thơ dại như một báu vật không ai có thể xúc phạm đến. Thật tội nghiệp con bé, chỉ tại chiến tranh mà nó đã không thể có được một tuổi thơ tươi đẹp bên cha, không có được sự che chở của cha và những kỉ niệm có cha ở trong đời. Đó là một mất mát to lớn, đủ sức làm tổn thương những tâm hồn dù mạnh mẽ đến thế nào đi nữa.
Ông Sáu rất hiểu điều đó. Xa vợ, xa con, xa mái ấm gia đình giữa lúc như thế này đối ông là một điều thật khó khăn. Nhưng cuộc chiến đang vẫy gọi và ông đã mạnh mẽ lên đường, để lại tình riêng hướng đến lý tưởng. Bao nhiêu năm xa con, không ngày nào ông thôi nhớ đến con. Ông mường tượng hình dáng của con, nghĩ đến con khi ở một mình. Chị Sáu nhiều lần lên cứ thăm ông có kể về con càng làm ông muốn trở về ôm lấy con bé cho thỏa khao khát bao năm xa cách.
Chiến tranh đã tàn bạo ngăn cách và tước đoạt đi của con người những những quyền lợi thiêng liêng nhất. Họ vốn thuộc về nhau, trong gia mái ấm gia đình. Thế mà bây giờ tuy gần mà lại rất xa, chỉ nghe chứ không được gặp. Tình cha con chỉ tồn tại trong tâm hồn của họ, sống trong trái tim họ. Tình vợ chồng cũng chỉ một vài lần gặp gỡ trong chừng ấy năm. Nỗi khát khao đoàn tụ tưởng chừng có thể làm rụng vỡ trái tim, chai sạn tinh thần.
Và khi ông Sáu có dịp trở về. Thật không thể hình dung nổi trong lòng ông Sáu đã hân hoan như thế nào khi được trở về với gia đình sau bao năm xa cách. Ông nghĩ nhiều điều lắm, vui mừng lắm, chuẩn bị đón nhận gia đình với trái tim tột cùng hạnh phúc sau bao năm khát khao, chờ đợi. Nhưng thật trớ trêu thay, cuộc đời lúc nào cũng thích thách thức con người. Ngay lúc ông mở rộng vòng tay thương mến đón nhận thì bé Thu không nhận ông là cha khiến ông hụt hẫng vô cùng, trái tim như thắt chặt lại nghẹn ngào.
Đến đây, người đọc cũng không khỏi ngỡ ngàng và vội đi tìm câu trả lời: tại sao lại như thế? Có thể ông Sáu sẽ hoài nghi chị Sáu nhưng trong lòng ông không hề nghĩ như thế. Ông cố gần con bé hơn nữa nhưng càng gần bé Thu càng cự tuyệt ông. Nỗi đau đớn quặn thắt trong trái tim ông. Bởi tình yêu của người cha quá lớn mà hoàn cảnh lại đặt ra thách thức khắc nghiệt quá. Ông chỉ có vẻn vẹn ba ngày ở bên gia đình.
Nhà văn không để người đọc đời chờ lâu hơn nữa. Tình huống đã được nhà văn cởi mở. Nhờ bà ngoại mà bé Thu đã hiểu ra vết sẹo trên mặt của ông Sáu. Thế nhưng, thật éo le thay, khi cha con nhận ra nhau cũng là lúc ông Sáu phải trở về căn cứ. Tình cha con chỉ kịp nảy nở trong khoảng khắc và phải chia ly biền biệt. Tiếng kêu tha thiết, tiếng khóc nghẹn ngào của Bé thu trên bến sông trong buổi sớm hôm ấy mãi mãi ám ảnh trong lòng người đọc, nhắc nhở con người về sự tàn khốc của chiến tranh, về những mất mát đau thương vô bờ bến mà dân tộc ta đã gánh chịu, đã trải qua.
Ông Sáu khát khao cháy bỏng đoàn tụ với gia đình nhưng không vì thế mà ông rời bỏ lý tưởng, rời bỏ vị trí chiến đấu. Trên chiến khu, ông dành tất cả tình yêu thương, nỗi mong nhớ của mình làm chiếc lược ngà. Mỗi chiếc lược chứa đựng biết bao nỗi nhớ niềm thương dành cho đứa con gái bé bỏng. Chính công việc ấy cũng làm ông vơi bớt nỗi đau xa cách. Bất ngờ, ông Sáu hi sinh. Tình yêu con của ông đột ngột bị cắt đứt bởi vết đạn tàn nhẫn của kẻ thù. Hình ảnh chiếc lược ngà trở thành biểu tượng kết nối thiêng liêng giữa anh Sáu và bé Thu, giữa các thế hệ trong cuộc chiến chống kẻ thù.
Chiến tranh đã gây nên nghịch cảnh, dựng nên những màn kịch thách đố con người. Nhưng họ vẫn sống và sống cao đẹp. Bé Thu sau này cũng trở thành một cô giao liên dũng cảm, cũng ra mặt trận làm nhiệm vụ, tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước. Và khi cô nhận lấy chiếc lược từ tay người đồng đội của cha cô không khỏi nghẹn ngào. Chiến tranh có thể ngăn cách họ nhưng không thể nào giết chết tình yêu thương trong họ. Họ vẫn sống và sống anh hùng.
Qua “Chiếc lược ngà”, người đọc nhìn rõ sự tàn khốc của chiến tranh. Nó gây nên những vết thương khủng khiếp, nó làm tổn thất tình cảm gia đình, nó cắt rạch vào trái tim niềm đau nhức nhối, dai dẳng không bao giờ nhạt phai. Truyện còn giúp người đọc nhận ra đời sống tình cảm mãnh liệt của con người Việt Nam, vẻ đẹp rực rỡ của tâm hồn Việt Nam. Chiến tranh dù khốc liệt đến đâu cũng không hủy diệt được tình cảm gia đình vốn được giấu kín và gìn giữ trong những trái tim.
Chiếc lược ngà xứng đáng là một bài ca hào hùng và cảm động về tình cảm gia đình thiêng liêng, bất diệt trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt; là khúc hát ra trận hùng tráng, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.