Sống chậm và hít thở cùng đóa hồng
Tôi quyết định tự tặng mình một cây hoa hồng, "nhân dịp" đã kiên cường trải qua một giai đoạn khó khăn. Ở ban công nhỏ, may mà có nắng, nên chuyện có một cây hoa hồng cũng là điều hợp lý.
Từ lúc có cây hoa hồng, mới ngớ ra là mình không có chút kiến thức gì về việc chăm sóc thứ cây khó tánh kiêu kỳ này. Vậy là, nhấn nút tham gia một group chuyên nói về hoa hồng. Và, xin chúc mừng (cho những người bán cây), tôi đã trở thành người nghiện hồng, khi tiếp tục đem về thêm vài cây hồng nữa.
Năm ta hai mấy tuổi, ít khi ta nghĩ rằng, sẽ đến lúc, ngày có một vài lần ta gửi hình ảnh lá - cây - bông - nụ của cây hồng ở nhà mình cho cô bạn gái thân. Cập nhật tình hình cây hoa, thậm chí bắt bệnh qua hình ảnh, và kể cho nhau nghe chuyện chúng nở như thế nào. Tôi và cô bạn gái ấy đã cười với nhau trong niềm thỏa thuê, rằng mình sắp đạt đến cảnh giới trở thành người trồng hoa hồng giỏi nhất.
Quả nhiên, năm hai mươi mấy tuổi, ít khi ta nghĩ mình trở thành người phụ nữ như bây giờ: sáng tưới cây, chiều đếm lá. Cái tuổi đôi mươi ồn ào khiến ta như cái bình nước đang nấu, lúc nào cũng sôi lên sùng sục. Ta cố chạy theo mọi thứ, nắm lấy bắt lấy, và kệ tất cả mọi sự hụt hơi.
Cái tuổi hai mươi mấy ít nhiều cũng có muộn phiền, nhưng ta luôn nghĩ rằng, mình đủ tỉnh táo và thông minh để vượt thoát tất cả.
Vậy đó, và khi bước đến số tuổi mà ta bỗng trở thành người quý từng chút nhỏ nhẽ của đời sống, biết dẹp mọi tổn thương náo nức, để ngắm một bình bông mình cắm, để pha ly trà sớm mai, ngồi bên bancông nhỏ nhìn những mầm những nụ bung chồi. Ấy là lúc, xin thưa tuổi già trôi đến rồi đó.
Nhưng đâu có sao, đời người ai rồi chẳng già đi. Như Nora Ephron - tác giả tài ba của bộ phim nhiều người đã ít nhất xem qua nó một lần: Khi Harry gặp Sally, đã viết trong những tập tản văn của mình "Phát khổ vì cái cổ", "Trời ơi tôi chẳng nhớ gì cả", đại ý, rằng tất cả phụ nữ trên thế gian này, không ai thoát được tuổi già!
Phụ nữ rồi ai cũng phải gặp chứng mất trí nhớ quên trước quên sau, hay rõ rệt nhất là cái cổ nhăn không giấu được (dù trên thực tế, bạn có thể giấu được những thứ nghiêm trọng hơn nhiều như sự cô đơn, nỗi buồn hậu ly hôn, các cơn khủng hoảng và phiền muộn của tuổi trung niên, cả những điều thuộc về bản sắc cố hữu của mỗi người, đã bị nhiều thứ làm cho nhòa nhạt).
Nhưng, chỉ cần ta không trầm trọng quá, điều gì tới đã tới rồi, cái cần nhất là ta đủ bình tĩnh để chúc mừng chính khoảnh khắc cuộc đời ta đang sống.
Nói chuyện quanh quẩn mãi về một cái cây, một cái hoa, chắc là đến một lúc nào đó ta sẽ thấy rất buồn cười. Nhưng hóa ra, điều mà tôi lỡ sa vào này có một điểm tích cực là nhờ "tám" với nhau về chuyện hoa chuyện cỏ, khiến chúng tôi - những người phụ nữ rất dễ sa lầy vào nói chuyện "người khác" - chấm dứt thói quen dễ vướng "nghiệp miệng" này.
Và, ta tự chủ chính mình trong cảm giác nhẹ bẫng và lạc quan hiếm thấy. Chẳng qua, vì cái cây hoa hồng mà ta trồng, vươn những chồi non, sau cơn vượt thoát kỳ diệu của bọn nấm, rệp, sâu ăn lá. Khoảnh khắc chuyển mình của cái cây khiến ta có thể tự nhủ rằng: "Rồi mọi chuyện sẽ qua!".
Khoảnh khắc phấn chấn khi nhìn cây đâm chồi chắc có lẽ cũng là khoảnh khắc chuyển mình kỳ diệu của chính trong con người ta đó thôi. Khi biết nhẹ nhõm và hài lòng với những điều giản dị, trân quý từng cảm xúc nhỏ nhoi với đời sống ngay lúc này, hẳn là nhờ vậy, mình cũng biết thương mình nhiều hơn trước kia. Và quan trọng là biết làm điều mình thích nhưng không cảm thấy lạc lõng, cũng không cần phải được tung hô.
Như bông hồng kia vẫn đẹp ở ban công nhỏ, chúng không cần cố gắng-vẫn-đẹp. Ở một góc độ khác, cái bông nhỏ nhoi này tác động trực tiếp đến đời ta sống, chẳng khuyên nhủ bắt ta phải chậm lại, để ngắm và ngửi chúng. Thế nhưng, nó mang đến cho chúng ta cảm thức để ta thương chính hồn cốt nhà mình, nơi quen thuộc ta chưa bao giờ cảm thấy tù túng, nơi ta được tận hưởng bởi nó thuộc góc riêng của mình, đời mình, mà không phải của bất kỳ ai khác.
Minh Phúc