Sơ đồ tư duy
Sơ đồ tư duy hay bản đồ tư duy (Mind Map) là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hóa một chủ đề. Việc xây dựng được một "hình ảnh" thể hiện mối liên hệ giữa các kiến thức sẽ mang lại những lợi ích đáng quan tâm về các mặt: ghi nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo. Một trong những công cụ hết sức hữu hiệu để tạo nên các " hình ảnh liên kết" là sơ đồ tư duy.
Để vẽ được một sơ đồ tư duy khoa học, sáng tạo trong môn Lịch Sử thì trước tiên bạn cần nắm chắc được các kiến thức cốt lõi trong môn học đó vì sơ đồ tư duy yêu cầu học sinh phải viết phải vẽ ra những ý ngắn gọn nhất nhưng phải đủ và chính xác các kiến thức, chứ không phải là việc bạn viết rất dài, rất lan man nhiều câu mà vẫn không có ý chính, điều đó sẽ khiến sơ đồ tư duy của bạn trở nên rối mắt, khó đọc và khó học.
Khi vẽ thì ý chính mà bạn muốn khai triển trong bài, trong một giai đoạn nào đó bạn nên đặt ở giữa (ví dụ ngay như tên bài học chẳng hạn), tiếp đó là các ý nhỏ hơn sẽ tách ra thành các nhánh nằm xung quanh ý chính (ví dụ như: tên các mục 1,2,3 trong bài học)... Bạn có thể vẽ sơ đồ tư duy ngay trên giấy hoặc cũng có thể vẽ trên máy tính.
Việc học bằng sơ đồ tư duy sẽ giúp cho các học sinh biết cách móc nối các sự kiện lại với nhau từ đó giúp các bạn dễ dàng học hơn và có thể giúp nắm chắc được kiến thức mà không lo bị nhầm lẫn hoặc bị quên như kiểu học vẹt truyền thống. Ngoài ra nó sẽ giúp bạn phát triển óc tư duy và sáng tạo của mình.