Sài Gòn và chuyến tàu hoàng hôn

Những ngày cuối cùng của tháng Mười, cũng là cuối của mùa thu Hà Nội, đã có lúc cơn gió mùa chợt đến mang theo chút lạnh để người ta ngỡ ngàng cứ tưởng đông đã sang. Nhưng không phải, mùa đông giống như một “soái ca” vậy, cho dù anh chưa đến mà chỉ nói là “sẽ đến” thì cả không gian đã như tỏa ra một thứ khí chất khiến cho tất cả phải thảng thốt, và cứ háo hức, cứ mong chờ, rồi lại hụt hơi. Phức tạp như thế, đan xen như thế, đích thị là giao mùa...


Tôi vừa trở ra từ một miền đất được định danh là nắng, nắng Sài Gòn. Nhưng mùa này Sài Gòn cũng không nóng hầm hập và chao chát đổ lửa như những ngày hè mà nắng mang hơi gió từ sông, nhẹ nhàng phóng khoáng, khiến cho ai đó muốn gói tâm tư của mình lại cũng sẽ bị gió cuốn lấy mà trải ra, bay trên khắp phố, len cả vào những con hẻm dài và sâu hun hút. Đôi khi có trận mưa rào ập xuống rồi lại tạnh ngay làm cho kẻ lang thang dễ bị lạc vào cảm xúc như tôi chỉ kịp giật mình, rồi lại ngơ ngác như vừa bước qua một lỗ hổng thời gian, thoáng một cái, Sài Gòn đã khói bụi, đã ồn ào, và kẹt xe…


Người Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp đôi khi sẽ rất thấy nhớ nhà, nhất là nhớ cái rét mùa đông, nhưng nếu bảo họ quay trở lại ra Hà Nội như những ngày xưa cũ thì đa phần họ lại lắc đầu. Sài Gòn là thế, không cổ kính, không níu chân người ta bằng những phần hồn có tính lịch sử, mang một chút màu sắc của kẻ sỹ và văn hóa cội nguồn như Hà Nội mà Sài Gòn ngang tàng, hào sảng như một hiệp sỹ giang hồ vậy, nhưng cũng bởi vì thế mà đất Sài Gòn “dính” người phải biết. Không một ai mới đến Sài Gòn mà nghĩ là sẽ yêu mảnh đất này, đến vì công việc, đến vì tiện làm ăn thôi nhưng rồi ai cũng không biết “mình đã yêu tự bao giờ”, một lúc nào đó đã thấy thật sự rất nhớ khi phải rời xa…


Bạn đã bao giờ thấy nhớ một người ngay cả khi người đó đang ngồi trước mặt hoặc bên cạnh mình chưa? Tôi đối với Sài Gòn chính là như vậy, lúc nào cũng như vậy đấy. Thời thanh xuân, Sài Gòn lần đầu tiên xuất hiện như một “tiểu tam” xấu xí, xen vào giữa tôi và đứa bạn thân. Tôi đã bực bội và có lúc âm thầm trách nó, sao nó có thể nhanh chóng hòa nhập vào Sài Gòn đến thế, và không nhớ Hà Nội nhiều nữa. Sao nó có thể chưa về đến ngoài này đã lo cuống việc trong kia, sao nó có thể kể những câu chuyện hào hứng với giọng nói đã pha một chút “dễ thương” khiến cho Sài Gòn trong tôi càng trở nên chẳng dễ thương chút nào. Và lúc đó tôi đã nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể như vậy, mình sẽ không bao giờ yêu Sài Gòn như yêu Hà Nội được.


Rồi tôi cũng thật sự đặt chân đến Sài Gòn, tình cờ và bất ngờ như đôi lúc cuộc sống thật sự là một chương ướt sũng của tiểu thuyết ngôn tình. Tôi đến Sài Gòn để chia tay tình đầu. Và kỳ lạ thay sau bao nhiêu năm tôi không thể nhớ người ấy đã nói những gì suốt buổi tối chạy xe vòng vòng nhưng lại vẫn có thể nhớ ánh đèn đường khi ấy, nhớ những tàng cây… dường như qua mỗi con phố, Sài Gòn đều đang nhẹ nhàng lắng nghe, an ủi tôi, tặng tôi một cái ôm bao dung nhất. Và tôi sau này mới thấy, thì ra mình cũng chẳng “tốt đẹp”, “thủy chung” gì, bởi ngay từ giây phút ấy tôi cũng đã quên ngay người bên cạnh và rung động trước một tình yêu khác, từ giây phút ấy, tôi đã thích Sài Gòn …


Công việc vẫn mang tôi đến và đi trên thành phố này. Không thường xuyên, không lâu quá, chỉ luôn vừa đủ cho một nỗi nhớ không bị chìm vào lãng quên, như lần gần nhất thì cách đây khoảng hai năm khi đứa bạn thân đã sang Anh, và lần trước đó nữa thì cũng hơn một năm, khi nó vẫn ở Sài Gòn. Bây giờ nó lại ở trời Tây rồi, còn tôi đi công tác và hội thảo bận tối mặt nhưng lúc nằm trên chiếc ghế gội đầu ở một quán nhỏ cạnh khách sạn, nhìn lên căn gác xép cũ và nghe tiếng hát phát ra từ chiếc radio rè rè gắn trên giá bỗng thấy nhớ một Sài Gòn ngày xưa da diết. Nhớ Sài Gòn có năm tôi chạy vào “trốn lụt”, mẹ gọi điện bảo nhà mình cao thế mà cũng ngập một gang tay rồi; nhớ Sài Gòn có năm tôi và đứa bạn thân đi uống cocktail ở bar trên tầng cao nhất của tòa sky thành phố; có năm hai đứa chạy taxi đi xa tít mù khơi chỉ để ăn ốc ở một chỗ nó quen; có năm một đứa bạn chung chưa đi Nhật nữa, ba đứa đi ăn bánh xèo rồi tôi qua nhà nó ngủ mà hai đứa buôn chuyện đến tận đêm khuya; rồi có năm khi đã lập gia đình, anh xã đi công tác ở Sài Gòn, tôi đi họp ở Huế, họp xong lại bay vào Sài Gòn chơi…


“Chị có cần em đổi nhạc không, nghe nhạc này em sợ chị bảo nhạc buồn, nhưng em thì lại rất thích”. Cô chủ quán giọng nhẹ nhàng và dễ thương vừa gội đầu vừa hỏi bên tai tôi, tôi xua tay nói “không cần đâu, chị cũng thích mà”. Tiếng nhạc phát ra từ radio là các bài bolero đã cũ, có bài thịnh hành có bài tôi chưa nghe bao giờ. Bolero nghe phải tùy tâm trạng và cả… thời tiết thì mới thấy hay được, nhưng giờ đây thì sao nó lại đi vào lòng tôi đến thế.


“Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn, đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài,
Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi…”


Thực ra thì tôi chẳng muốn tìm lại điều gì cả, cuộc sống là một dòng chảy, an nhiên là đôi bờ. Thành phố cũng như con người, trải qua thời gian, có điều gì mà không thể thay đổi chứ. Điều bất biến duy nhất là những gì đã qua thực sự vĩnh viễn trôi qua, đừng để lòng mang chấp niệm, vậy là được rồi…


Tạm biệt Sài Gòn, và hẹn gặp lại Sài Gòn. Tôi chợt nhớ đến mấy sư huynh cùng khoa Xây dựng mà tôi tình cờ gặp tại hội thảo, lúc chia tay một anh hỏi “khi nào mấy anh em mình lại tụ tập nhỉ”, và một anh trả lời “chắc là chờ hội thảo lần sau ở Sài Gòn”. Đều là người Hà Nội, đều sống ở Hà Nội, mà lại hẹn gặp nhau ở… Sài Gòn, nghe sai sai làm sao, nhưng mà thật, rất thật luôn. Tôi đã bảo mà, đất Sài Gòn “dính” người lắm, “nguy hiểm” thật, tôi phải về Hà Nội ngay thôi.


“Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn
Mưa thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm
Hoàng hôn dần buông,
Mà ai còn đứng im trong chiều sương xuống...”


Song Kiếm Ngư

Sài Gòn và chuyến tàu hoàng hôn
Sài Gòn và chuyến tàu hoàng hôn
Sài Gòn và chuyến tàu hoàng hôn
Sài Gòn và chuyến tàu hoàng hôn

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |