Sài Gòn trong tưởng tượng
Tôi chưa một lần được đặt chân đến Sài Gòn. Nhớ cái lần tưởng chừng như mình đã có thể chạm đến thành phố, là vào hồi tôi còn học ở Đại học Quy Nhơn.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4, một người bạn thân đã rủ tôi cùng vào thành phố chơi nhà người quen, bạn mời nhiệt tình, mua sẵn vé xe. Lên một kế hoạch chi tiết, thú vị cho chuyến đi.
Tôi đã đồng ý. Mọi thứ đã sẵn sàng. Nhưng rồi nhận được tin mẹ ở quê phải nhập viện để mổ. Tôi đã phải quyết định hủy chuyến đi và vội vã trở về quê. Bởi vậy, Sài Gòn trong tôi chừng ấy năm đến giờ vẫn chỉ hiện lên trong tưởng tượng. Tưởng tượng qua lời bạn thân kể.
Tưởng tượng qua những thước phim, bài hát, tấm ảnh tôi yêu thích. Tưởng tượng cùng với những trang văn cuốn hút tôi từ hồi còn tấm bé. Nhưng có lẽ thế lại thú vị, bởi Sài Gòn vì thế nó mãi cứ như người tình trong mộng khiến mình phải xôn xao…
Bạn vào Sài Gòn mưu sinh khi vừa tốt nghiệp xong phổ thông. Dù thông minh, học giỏi nhưng vì gia cảnh khó khăn nên bạn phải tạm gác chuyện học hành để vào Nam đi làm kiếm sống, phụ giúp gia đình.
Bạn kể, ngày đầu tiên đặt chân xuống mảnh đất Sài thành, trước mắt là một thành phố rộng lớn, tấp nập, ồn ào vào ban ngày và lung linh huyền ảo vào ban đêm.
Vừa xuống xe, ghé quán nước hỏi nhà trọ, hỏi đến lần thứ ba bà chủ quán mới nghe rõ vì mớ âm thanh hỗn tạp của xe cộ ngoài đường đã át đi tiếng nói nhà quê của thằng nhỏ lần đầu lên phố.
Nhưng rồi sau đó, khi hiểu chuyện, bà dẫn đến tận khu cho thuê trọ giá rẻ và còn căn dặn đủ điều như mẹ dặn bạn trước lúc lên đường. Thế đấy, với bạn, Sài Gòn ấm áp nghĩa tình ngay từ buổi đầu tiên đặt chân đến. Rồi cứ thế, bạn kết thân được với nhiều bạn bè ở phố nơi đây.
Họ với tấm lòng chất phác, mộc mạc, bao dung đã cho bạn nghị lực để bước qua mọi biến cố của cuộc đời. Có bận, bạn bị tai nạn xe máy lúc đêm khuya, ngất đi. Lúc tỉnh thì đã thấy mình nằm trên giường bệnh. Sau hỏi ra mới biết, một người dân bên đường đã lái xe chở bạn đi cấp cứu.
Bạn bảo, Sài Gòn không chỉ có tình người ấm áp, mà thành phố này cũng cho bạn nhiều cơ hội để thi thố tài năng. Bạn vừa có thể làm thêm, vừa đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Rồi bạn được tuyển vào làm ở một công ty nước ngoài với mức lương cao.
Cho đến ngày hội khóa gặp lại bạn sau hai mươi năm xa cách, bạn đã là một doanh nhân thành đạt, một ông chủ có tiếng ở lĩnh vực xuất khẩu gỗ. Nhiều bạn bè ngạc nhiên hỏi vì sao bạn thành công đến thế, bạn cười “là nhờ Sài Gòn bao dung, nghĩa tình đó các bạn ạ!”.
Không chỉ có bạn, tôi còn có nhiều người bạn quê Nghệ An vào Sài Gòn lập nghiệp, lần nào có dịp về quê tụ tập, thể nào chúng cũng thi nhau kể về Sài Gòn với niềm tự hào như là quê hương thứ hai của chúng vậy. Nào là người Sài Gòn thân thiện, nào là sống ở Sài Gòn thoải mái, tự do…
Tôi thi thoảng cũng có tham gia viết lách ở một vài hội nhóm trên không gian mạng, vì thế mà tình cờ kết giao được với một số bạn bè viết văn ở Sài Gòn. Dù chưa lần gặp mặt, nhưng cái cách họ giúp đỡ mình nhiệt tình, chân tình khiến tôi rất cảm động.
Đó là chú Đoàn Thạch Biền tình cờ quen biết trên Facebook. Trong một lần tôi đăng một bài thơ lên trang cá nhân, chú vào đọc và xin được đăng ở tạp chí Áo trắng.
Thế rồi, từ đó hai chú cháu vẫn thường hỏi thăm nhau chuyện văn chương. Có bài viết nào hay chú đều gửi cho tôi đọc. Đó là nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, khi biết tôi đang giúp nhà trường xây dựng phòng đọc sách miễn phí cho học trò, anh đã sẵn sàng gom sách gửi tặng thư viện.
Cũng qua Tống Phước Bảo, tôi còn biết thêm được một Sài Gòn thật dễ thương. Bảo chia sẻ “Ở Sài Gòn chẳng có người lạ, chỉ có người quen; chẳng thể ghét, chỉ có thương. Người thương người vì nhau mà sống. Người thương đất này, vì nó mà ở lại đây cho trọn một đời anh ạ!”.
Bảo cũng kể tôi nghe câu chuyện đầy tình nghĩa về việc ông bà nội chọn mảnh đất phương Nam nắng ấm này làm nơi trú ngụ. Dân tứ chiếng đến đây đùm bọc nhau lại mà sống. Có lần ai đó xích mích vì hiểu lầm, cả xóm xúm lại can. Hôm trước gây lộn, hôm sau cười xòa.
Và Bảo kể rằng, ông nội anh nói, phương Nam thuộc quẻ Ly, hành Hỏa, là quẻ có tượng khí văn minh, nên nơi đây kẻ sĩ chuộng điều nghĩa, quý việc học hành; người dân siêng năng trồng trọt chăn nuôi, làm nghề thủ công và buôn bán.
Tuy nhiên, địa cực phương Nam chịu ảnh hưởng của sao Dương Châu, dương tức phát dương, chỉ tánh khí nóng nảy, bồng bột, nông nổi… nhưng hào sảng, trượng nghĩa.
Điều này cũng có điểm gì đó tương đồng với tâm hồn, cốt cách người Nghệ. Một người bạn phương Nam nữa tôi quen trong nhóm văn chương là Nguyễn Xuân Phương. Mấy lần, tôi có bài đăng báo, bạn đều nhắn báo và chúc mừng.
Rồi có cuộc thi thơ văn nào ở đâu bạn cũng động viên tôi tham gia với lời nhắn “anh tham gia nghen, biết đâu rồi anh giật giải và anh em mình có dịp gặp nhau ở Sài Gòn. Và ta tha hồ nhởn nhơ cùng phố phường nghen”.
Thế đấy, chỉ đọc những bài viết của nhau và rồi quý nhau như anh em vậy. Đó chẳng phải là cốt cách thân thiện, dễ thương của người Sài Gòn đó sao?
Sài Gòn ấn tượng với tôi còn bởi giọng nói nhẹ nhàng, dễ thương mà dường như không có nơi nào có được. Những bộ phim miền Nam bao giờ cũng cuốn hút tôi trước nhất ở cái quãng âm thanh rất riêng đó. Những Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa, Săn bắt cướp… ngoài nội dung hay, hấp dẫn khỏi phải bàn thì lời thoại nhân vật là điều tôi rất ấn tượng. Nhất là giọng của những cô gái Sài thành. Nghe cứ như tiếng đàn ngọt ngào bên tai.
Cái lạ là giọng nói người Sài Gòn nó không sang trọng, điệu đà như giọng ngoài Bắc, cũng chẳng trầm lắng như giọng xứ Huế, mà nó đi vào lòng người có lẽ ở cái ngọt ngào của sông nước Nam Bộ, bằng cái chân chất, thật thà của truyền thống xa xưa. Cái chất Sài Gòn mê đắm người nghe.
Giống như cái truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi mà tôi được đọc từ hồi còn học cấp ba, những câu nói của Việt, chị Chiến, chú Năm cứ mê hoặc tôi. Nhất là cái đoạn hội thoại giữa hai chị em Chiến và Việt trước lúc lên đường nhập ngũ “Mai mầy viết thư cho chị Hai biết nghen?… Ừ!… Mà hồi đó má dặn chị vậy hả?… Má có biết má chết đâu mà dặn”.
Và cái cách Chiến sắp đặt đâu vào đấy mọi công việc từ chuyện thờ tự ba má đến nhà cửa, ruộng đồng gửi cho chú Năm, rồi đoạn hai chị em khiêng bàn thờ ba má chạy tắt qua dãy đất cày trước cửa… sang gửi nhà chú Năm thật cảm động.
Đọc đến đó, từ đấy cho đến bây giờ trong tâm trí tôi luôn tưởng con người miền Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng thật thánh thiện, dũng cảm, gan dạ và đáng yêu.
Đã hơn hai mươi năm từ ngày tôi xem bộ phim Biệt động Sài Gòn và mơ ước có một ngày được sải những bước dài trên mọi cung đường của thành phố nhưng tôi vẫn chưa một lần có dịp để biến ước mơ ấy thành hiện thực. Sài Gòn trong tôi sau hơn hai mươi năm vẫn mờ ảo giữa hai miền hư thực.
Một Sài Gòn xa xưa bàng bạc như trong những thước phim đen trắng. Một Sài Gòn bao dung, nghĩa tình như trong bao câu chuyện của bạn kể. Một Sài Gòn trong tưởng tượng nhưng tôi tin là rất thật bởi một lẽ giản đơn “Sài Gòn của tôi được tưởng tượng từ những câu chuyện rất thật”.
Nguyễn Đình Ánh