Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ tôi

Một hôm, sau bữa cơm chiều, cha tôi tuyên bố “Năm học tới đây, thằng Nhân đi học nội trú nghe”. Mấy đứa tụi tôi giật mình. Nhà có bốn anh em, chỉ có tôi hiểu nội trú là gì, còn ba đứa nhỏ thì ngơ ngác. Mẹ tôi quay mặt đi, đôi mắt buồn rười rượi nhưng chắc có lẽ bà đã biết trước sự việc.


Sau đó, cha tôi bảo mang chiếc cặp cũ ra để kiểm xem có thứ gì còn xài được. Tôi như cái máy, lặng lẽ xách chiếc cặp giả da đã bèo nhèo từ dưới cái bàn học ra. Đổ ập một đống là vài cuốn tập, mấy quyển sách giáo khoa với một số cây bút linh tinh.


Mấy đứa em tôi bu lại thò tay vào chiếc cặp lục lọi “Em nghe có tiếng leng keng”. Tôi đậy nắp cặp lại và kéo dây khóa, nhưng cái phẹc-mơ- tua này đã hư từ lâu. Cha tôi cười “Hình như còn sót đồ đó con”. Tôi đành bấm bụng mở dây khóa chiếc ngăn nhỏ nhất, những đồng năm cắc tròn to đổ ào ra ngoài. Mấy đứa em tôi nhào vô giành giật. Mẹ tôi cười bảo “Để cho anh hai đếm xem được bao nhiêu”. Tất cả được mấy chục miếng. Cứ hai miếng là một đồng, một đồng lúc đó có thể mua được ổ bánh mì thịt ngon lành. Hoặc miếng năm cắc là uống được một ly đậu đỏ bánh lọt rồi. Đó là tiền tôi đã dành dụm để mua một cây viết Pilot mà tôi hằng yêu thích. Chợt tôi nói “Thôi con gởi cho mẹ nhé”. “ Ừ, để mẹ giữ cho”. “Nhưng thôi, khi đi chợ, mẹ mua bánh cho các em ăn đi…”


Rồi ngày ấy đã đến thật nhanh. Từ tờ mờ sáng, chiếc xích lô đạp của chú Bảy mối quen đã chờ sẵn. Cha tôi chất lên đó một cái ghế bố xếp được cột chặt hai đầu. Bên trong tấm bố là bốn cây giăng mùng. Dưới chỗ để chân của xe là một cái rương bằng cây vừa vặn. Rồi hai cha con lên xe, tôi phải nhích ra trước mới ngồi được. Cứ thế, chú Bảy đạp phom phom băng qua nhiều con đường. Đôi lúc có chỗ phải lên dốc, chú gò người mím môi đạp mạnh bên này rồi nghiêng sang bên kia… Chiếc xe chuyển động thật chậm chạp. “Xuống không chú Bảy”, “Không sao đâu cháu, chỉ có cái dốc này thôi mà”. (Hình như cái dốc này nằm ở đoạn đường Hồng Thập Tự phía sau dinh Gia Long).


Loanh quanh một chút là đến cầu Thị Nghè. Như thế nãy giờ chúng tôi đi cập bên hông Sở Thú. Cha tôi chỉ đường, qua cầu Thị Nghè ôm tay phải quẹo xuống mé sông có con lộ nhỏ, đi độ vài trăm thước rồi dừng trước rạp hát Văn Cầm. (Rạp này đã ngưng hoạt động). Cha tôi giải thích “Ông Giám Đốc nhà trường cho biết vì trường đang xây cất, nên học tạm ở đây cho kịp chương trình, độ vài tháng là xây xong rồi !”


Tôi ôm đồ vào. Bên trong lố nhố nhiều bạn lớn nhỏ, có bạn thập thò ngay cửa ra vào. Đây là trường nội trú nam nên tuyệt nhiên không có một bóng hồng nào! Một thầy xưng là Giám thị chỉ dẫn cho tôi chỗ để đồ, sau đó nói chuyện với cha tôi một hồi thì cha tôi từ giã ra về. Tôi định chạy theo thì thầy Giám thị nắm tay tôi kéo lại.


Thế là một trang học tập mới của đời tôi được mở ra. Ông Giám đốc chỉ thu nhận mấy lớp Trung học đệ nhất cấp. Lịch học dày đặc sáng chiều, buổi tối còn tăng cường giờ học tự do (étude libre). Trường chú trọng tiếng Pháp nên buổi nào cũng có giờ học tiếng Pháp. Lớp đệ thất và đệ lục thì học quyển Mauger I còn lớp đệ ngũ và đệ tứ thì học quyển Mauger II. Chúng tôi có giờ nói chuyện trao đổi nhau bằng tiếng Pháp, viết chánh tả với bài văn Pháp …v.v.


Giờ sinh hoạt, chúng tôi được học các kỹ năng của Hướng đạo sinh như cách định hướng bằng la bàn, nếu lạc vào rừng tìm lối ra bằng cách nhìn vào các gốc cây, nhìn vị trí sao trên trời, tìm nước uống bằng các dây leo trong rừng, thắt và sử dụng các loại nút dây, biết phát tín hiệu bằng morse, semaphore hay bằng cờ, tìm mật thư và dấu đường, cách di chuyển không gây tiếng động… Thậm chí dạy cả cách làm một tấm thiệp mừng bằng bìa cứng với vỏ trứng nghiền nhuyễn nhuộm màu phun keo, hoặc cách đóng tập những tờ giấy rời cắt ra từ tập vở cũ …


Nói chung, chúng tôi được học nhiều điều mới lạ, do đó bản thân dần được thay đổi trở nên người tháo vát, biết nhìn nhận sự vật chung quanh cách khoa học và chuẩn xác, đặc biệt làm gì cũng phải biết kiên trì để đạt mục đích và cố gắng vươn tới sự thành công.


Cuối tuần, trường cho đi chơi tự do. Chúng tôi tha hồ đi Sở thú hoặc ra bến Bạch Đằng xem tàu bè rời đi hay cập bến trong tiếng còi hú inh ỏi. Cuối tháng, trường thường tổ chức cắm trại, đốt lửa trại, khi thì ở Rừng Sác, lúc thì ở vườn cây trái Lái Thiêu. Vào dịp lễ lớn, trường tổ chức đi du ngoạn Vũng Tàu hoặc Mũi Né.


Có một kỷ niệm không bao giờ quên là một lần cắm trại tại vườn măng cụt ở nhà thầy Joseph Hoàng ở Lái Thiêu. Thầy bảo đừng bẻ phá trái cây, rồi ông cố chủ vườn sẽ cho người bẻ phát cho ăn. Không chờ lâu, tối hôm đó, sau buổi sinh hoạt lửa trại,tất cả vào lều ngủ. Ba thằng bạn thân chúng tôi mang theo dao xếp, đèn pin nhỏ, rón rén leo lên cây ăn một bữa ngon lành. Khu vườn này lâu năm, gốc to, tán lá um tùm. Ăn xong, không thấy một cái vỏ măng cụt nào quăng xuống đất bởi vì nó được xỏ vào nhánh ở trên cây !


Lúc nào không thể tổ chức đi chơi xa theo lịch trình, thì trường tổ chức chơi trò chơi lớn như đánh trận giả. Đó là chia hai phe, mỗi phe gắn sau lưng một foula cùng màu. Bên nào giật được nhiều foula của bên kia là thắng. Có đứa kỹ quá, cột foula vào khoen quần, khi bị bên đối phương giật, tuột cả quần.


Nhưng có những trận cười bể bụng thì thường xảy ra vào buổi tối. Sau giờ étude libre, chúng tôi xúm nhau dọn chỗ ngủ bằng cách đẩy các tấm ngăn có bánh xe dồn sát vào tường. Mỗi đội tự vác ghế bố ra xếp theo hàng ngang. Mỗi dãy được phân công đội trưởng ngủ một đầu, đội phó ngủ một đầu để trông coi cả đội. Đúng 9g tối, dứt tiếng chuông là phải im lặng, bắt đầu ngủ. Hai ông thầy Giám thị cầm roi đi tuần vòng vòng. Đứa nào lộn xộn là bị quất từ dưới ghế bố lên ê ẩm cái đít.


Nhiều đứa không ngủ được, thường thức khuya, mà thức khuya thì dễ đói bụng. Do đó, ngay từ chiều, nó đã chạy xuống năn nỉ chú Năm đầu bếp xin ca cháo đem vô mùng ăn. (Cháo nấu sẵn cho bữa điểm tâm sáng hôm sau). Đó là cháo nấu từ loại gạo gọi là tấm bì mà trường được cơ quan viện trợ Mỹ cấp cho. Ngoài tấm bì còn sữa bột, bột làm bánh, bơ thùng, phômai hộp, đường cát bao chỉ xanh chất đầy kho.


Nhằm bữa thầy Giám thị khó ngủ, ổng cứ đi kiểm tra hoài nên nó đành … ngủ luôn quên ăn. Sau đó, ca cháo đặc lại thành keo đổ quến cả mền gối, đầu cổ từng mảng, thức dậy phải ngồi gở. Rồi mấy em đệ thất chưa bỏ tật đái dầm. Sáng sớm xếp ghế bố để tập thể dục, làm lộ ra những dòng nước chảy ngoằn ngoèo rồi đọng vũng ở trũng thấp của nền rạp hát.


Gặp năm hạn, vào mùa khô, dòng sông Thị Nghè nước gom vào giữa, ghe xuồng đi lại khó khăn, nước dùng sinh hoạt thiếu thốn. Mỗi tuần ông Giám đốc xin Bộ Xã Hội cấp cho trường được một xe bồn nước (như kiểu bồn xăng). Lúc đó chúng tôi reo hò, kéo ống dẫn vào các hàng lu chứa, rồi tắm giặt thỏa chí. Qua ngày hôm sau lại xếp hàng chờ thầy Giám thị phát nước. Mỗi đứa chỉ được một lon guigoz để rửa mặt hoặc hai lon guigoz để tắm. Quần áo dơ được ghi tên bằng mực tàu, gom đống, chờ cuối tuần chở đi giặt ở nhà máy.


Bài: Trần Phụng Hiệp

Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ tôi
Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ tôi
Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ tôi
Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ tôi

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |