Sá sùng Quảng Ninh
Sá sùng là loài thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những đồi cát. Chúng có hình dạng na ná như một con giun khổng lồ, trong những hang đá, khe cát ở tận dưới đáy biển sâu từ 10m đến 30 m. Ngư dân nơi đây ca tụng sá sùng là mồi ngon nhất trong các loại mồi ngon, hơn cả tôm cua cá...Du khách không thể quên được những chảo sá sùng tươi sào với tỏi, lá lốt hoặc nướng ăn với chanh thêm chút rau thơm hoặc bắp chuối càng nhai càng thấy ngọt. Với các buổi nhậu nhẹt của cánh mày râu lại càng không thể thiếu món sá sùng này được.
Sá sùng chính là con trùn biển có nơi gọi là sa sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai, giun biển, địa sâm, bi bi, con cạp đất…Ở Việt Nam, Quảng Ninh (nhất là huyện Vân Đồn) là vùng biển đặc biệt có nhiều sá sùng. Con sá sùng có màu nâu đỏ, trên mình có những sợi vân nhỏ li ti, nhưng kích thước lớn hơn và ruột chứa toàn cát. Người ta bắt sá sùng thường vào lúc sáng sớm, khi nước triều vừa rút đi để lại những dấu vết của chúng sau một đêm ngoi ra khỏi cát đi kiếm ăn, giao phối. Cũng như đào trùn đất, nếu thấy dấu vết sá sùng, chỉ cần xúc vào sâu lớp cát sẽ thấy chúng bên dưới. Thức ăn của sá sùng là những mảnh vụn hữu cơ, sinh vật phù du lơ lửng trong nước. Một con sá sùng dài từ 7 đến 15cm. Sá sùng có nhiều giá trị dinh dưỡng như axít amin, glyxin, alanine, glutamin, succinic…và nhiều taurine, khoáng chất. Theo quan niệm Đông y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, chủ trị chứng tâm hàn, bổ dương khí. Ngày xưa, người ta dùng sá sùng chủ yếu như một dạng tôm khô dùng trong chế biến nên các loại nước dùng, nước lèo đậm đà của các món bún, phở…Ngày nay, sá sùng có trong thực đơn các nhà hàng hải sản, đặc biệt là món nướng.