Rượu cần (Tây Nguyên)
Rượu cần là đồ uống thường xuyên, phổ biến và bất biến của các cư dân bản địa Tây Nguyên. Uống rượu cần trở thành phong tục, có nguồn gốc khá lâu đời, thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống. Rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách. Rượu cần là một thứ thức uống, hơn thế, thứ thức uống này có cồn men và đặc biệt là thứ thức uống đó được sử dụng thông qua một phương tiện gọi là "cần". Rượu cần dưới góc độ vật chất mà xét thì bản thân nó chưa đủ để hình thành một "nền văn hóa" rượu cần, mà phải hơn thế, thứ dạng thức "văn hóa vật chất" đó còn đi kèm với nhiều yếu tố khác về tinh thần, tâm linh, phong tục, tín ngưỡng… thì mới thực sự trở thành một dạng thức văn hóa gọi là văn hóa rượu cần. Rượu cần còn có tên là "lảu kép" (rượu trấu), "lảu bẳng" (rượu ống), "lảu co" (rượu cây) "lảu xá" (rượu vỏ trấu), "lảu xả" (rượu của người Xá, dân tộc Khơ mú, loaị rất đậm ngọt.
Rượu cần đối với người Tây Nguyên là sản phẩm văn hoá vật chất tinh thần của mỗi gia đình. Đặc biệt trong các lễ hội và để mời khách quý, rượu cần còn phản ánh tinh thần cộng đồng là vật dâng hiến cho thần linh. Để có được một ché rượu ngon đúng hương vị của người bản địa rượu phải ngọt đắng, uống vaò luôn có cảm giác nồng ấm, sảng khoái và vui vẻ hoà đồng với mọi người, yêu thiên nhiên đất nước. Giàng (trời) tối cao đã ban cho Tây Nguyên rượu cần và ngàn đời nay đã trở thành thuần phong mỹ tục, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Tất cả mọi người, già trẻ, gái trai, không phân biệt chức sắc hay thường dân, ai cũng có thể vin cần mà uống. Uống được bao nhiêu tùy cái bụng của mình. Ở Tây Nguyên đâu đâu cũng uống rượu cần. Rượu cần thơm, ngon, mát, bổ, kích thích tiêu hoá, lợi tiểu. Chum nhỏ là một chum một cần, chồng rót vợ uống và ngược lại. Chum nhỡ là đôi bạn, đôi cần, theo số chẵn là bốn, sáu, tám. Chum to sẽ là mười, mười hai, mười bốn bạn bè anh em.