Phong tục cưới hỏi
Trải qua hơn bốn ngàn năm văn hiến, với bề dày và sự phát triển của lịch sử Việt Nam ta đã hình thành và gìn giữ được nhiều những phong tục truyền thống tốt đẹp. Đó là điểm nhấn, nét đặc trưng tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong số phong tục truyền thống của người Việt được lưu giữ qua nhiều đời, đó là phong tục cưới hỏi. Dù rằng ngày nay việc cưới xin cũng đã được đơn giản hóa để giảm bớt chi phí, sự rườm rà trong lễ nghi, nhưng trên hết nó vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống cốt lõi, thể hiện sự thiêng liêng trong mối quan hệ vợ chồng chính thức.
Có thể nói rằng, sau hơn nghìn năm Bắc thuộc nghi lễ cưới hỏi của người Việt cũng có phần bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên đó là một quá trình chọn lọc, học hỏi và du nhập những giá trị văn hóa tốt đẹp của nước bạn, đồng thời bằng sự linh hoạt, sáng tạo, người Việt đã tự tạo nên cho mình một tục truyền thống đặc sắc. Lễ cưới xưa bao gồm 6 lễ chính: Nạp thái tức là việc nhà trai mang sang nhà gái một cặp nhạn để tỏ thành ý đã nhắm đến cô gái của nhà này, tiếp theo là lễ vấn danh, nhà trai sẽ mời bà mối đến nhà gái xin họ tên, ngày giờ bát tự sinh của cô gái để nhờ người xem coi có hợp tuổi với chàng trai hay không. Sau khi so sánh bát tự của cặp đôi, nếu thấy hợp nhà trai sẽ làm lễ nạp cát, ý báo cho nhà gái về việc cặp đôi hợp quẻ với nhau có thể tiến hành tiếp việc cưới xin. Không kém phần quan trọng ấy là lễ nạp tệ còn gọi là nạp trưng, chỉ việc nhà trai mang đồ sính lễ đến nhà gái, để khẳng định chắc chắn về cuộc hôn nhân, bằng chứng đã hứa hôn với cô gái của nhà này. Tiếp theo nhà trai sẽ làm tiếp lễ thỉnh kỳ, tức là lễ chọn ngày lành tháng tốt để rước dâu. Cuối cùng quan trọng nhất là lễ nghinh thân, nhà trai tiến hành mang lễ đến rước cô dâu về nhà chồng làm lễ gia tiên, hoàn thành lễ cưới trong ngày giờ tốt đã định sẵn.
Những nghi lễ kể trên là những công việc buộc phải làm trong một lễ cưới truyền thống của người Việt xưa, tuy nhiên ngày nay để giảm bớt sự rắc rối và chi phí cho hai bên gia đình, cũng như áp lực cho đôi tân nhân, hôn lễ đã được thu gọn và tinh giản khá nhiều. Các lễ nạp thái, vấn danh, nạp cát, thỉnh kỳ thường được lược bớt, chỉ tiến hành nội bộ giữa hai gia đình trong một vài buổi gặp mặt và không tổ chức nghi lễ lớn, đồng thời tên gọi của các lễ này cũng được thay đổi cho phù hợp với phong tục Việt Nam. Để tiến hành một cuộc hôn nhân có sự thuận ý của cả hai bên gia đình, đầu tiên người ta sẽ làm lễ Dạm ngõ, nhà trai mang trầu cau, rượu chè sang nhà gái thưa chuyện, hỏi xin cô gái về làm vợ cho con trai mình. Sau đó nếu có điều kiện thì nhà trai tổ chức cả lễ Ăn hỏi (còn gọi là Vấn danh hay lễ Đính hôn) để báo cho mọi người cùng biết việc vui, cũng như việc cô gái đã có nơi có chốn và chỉ định ngày lành tháng tốt để nên duyên về nhà chồng.
Thường lễ ăn hỏi sẽ được tổ chức theo kiểu thân mật giữa hai gia đình, là buổi giao lưu hai họ, để cùng bàn bạc chuẩn bị cho lễ cưới sắp tới. Đặc biệt là phần lễ và phần tiệc đều được tổ chức tại nhà gái. Trang phục đính hôn của cô dâu thường là áo dài được thiết kế tinh xảo với chất liệu ren, lụa và tông màu trắng hoặc đỏ, biểu thị không khí tươi vui, hạnh phúc và may mắn, chú rể thì mặc vest lịch lãm, trang trọng, thể hiện sự trưởng thành, sẵn sàng che chở chăm sóc cho người vợ tương lai.
Trong buổi tiệc đính hôn nhà trai có trách nhiệm chuẩn bị sính lễ để mang tới nhà gái, bao gồm trầu cau, rượu ngon, trà, bánh hỏi, bánh phu thê hoặc bánh cốm, hoa quả tươi, bánh kẹo và mứt sen,... được đựng theo thứ tự trong các tráp phủ vải thêu rồng phượng màu đỏ. Đến giờ lành, nhà trai bưng lễ sang nhà gái, nhà gái sẽ cử người ra đón và hai bên trao nhận lễ, sau khi được sự đồng ý của gia đình nhà gái chú rể sẽ đón cô dâu ra chào hỏi hai bên gia đình, sau đó cả hai cùng thắp hương cúng bái gia tiên bên nhà gái, và tiến hành trao nhẫn đính hôn, thể hiện việc cả hai gắn kết và chính thức trở thành người cùng một nhà, là đôi tân nhân mới. Tiếp theo hai họ sẽ cùng nhau ngồi lại bàn bạc về ngày giờ tổ chức lễ cưới, trình tự rước dâu, cũng như các thủ tục cần làm, trong khoảng thời gian đó cô dâu sẽ cùng chú rể đi mời nước hai họ để chảo hỏi, chụp ảnh lưu niệm và kết thúc bằng việc trả lễ cho nhà trai.
Sau lễ Ăn hỏi, là lễ cưới, ngày cưới cô dâu sẽ thức dậy thật sớm, trang điểm kỹ càng, mặc vào bộ váy cưới xinh đẹp nhất, đợi chú rể đến đón. Trong ngày này, trang phục của cô dâu và chú rể cũng khá tương tự với ngày đính hôn, nếu có khác biệt thì chắc là, trên tay cô dâu cầm thêm một bó hoa và váy cưới ở đây sẽ có phần lộng lẫy hơn ngày lễ ăn hỏi. Cô dâu có thể chọn giữa váy cưới kiểu châu u hoặc áo dài truyền thống còn chú rể thì vẫn trung thành với bộ vest lịch lãm, sang trọng, các màu được ưa chuộng thường là đen, xám hoặc trắng. Trước giờ đón dâu, bên họ nhà trai sẽ cử người đại diện mang theo rượu và trầu cau đến xin dâu, báo trước cho bên nhà gái về việc đoàn đón dâu sắp đến nơi để chuẩn bị nghênh đón.
Trong lễ đón dâu nhà trai sẽ đi thành một đoàn hai hàng, đi đầu là các bậc trưởng bối, người có tiếng nói trong họ, sau đó là chú rể, sau cùng là người bưng theo sính lễ. Khi đến nhà gái, người đại diện nhà trai sẽ vào thắp hương trước bàn thờ gia tiên để báo về việc nhà trai đến rước dâu, sau đó lần lượt cô dâu và chú rể tiến lên thắp hương, khấn vái gia tiên xin cho được thành vợ chồng trước sự chứng kiến của hai họ. Tiếp đến hai vợ chồng sẽ bưng trầu cau ra mời họ hàng hai bên, đồng thời bố mẹ cô dâu, chú rể và người thân cũng lần lượt lên tặng quà cho cô dâu, chú rể, người Việt chủ yếu là cho kiềng, nhẫn, lắc bằng vàng, mục đích là cho của để dành, tạo nền tảng cho cặp đôi mới cưới được vững vàng, yên tâm xây dựng cuộc sống mới. Sau tất cả các nghi thức, nghi lễ, nhà trai sẽ xin rước dâu về, bên họ nhà gái sẽ chọn sẵn một số những cô gái trẻ làm phù dâu, theo cô dâu về nhà chồng, để tạo nhiều may mắn cho cuộc sống mới của con gái. Sau lễ rước dâu sẽ là tiệc cưới, tiệc được tổ chức ra trước là để báo hỷ, thông báo với bà con làng xóm về việc thành hôn của cô dâu, chú rể, đồng thời đây cũng là dịp để gia chủ thể hiện tính gắn kết với cộng đồng, niềm vui khi con cái nên vợ thành chồng, khẳng định sự thành công hoàn thành tốt một việc trọng đại trong đời của bậc làm cha mẹ, cũng như là của đôi vợ chồng mới cưới. Trong lễ cưới, trước khi khai tiệc, cha mẹ của cô dâu và chú rể sẽ lên phát biểu đôi lời cảm ơn, gửi gắm hai con, cô dâu chú rể trao nhẫn cưới cho nhau khẳng định mối quan hệ vợ chồng. Cuối cùng là phần cô dâu, chú rể cùng nhau đi mời rượu quan khách đến dự tiệc. Sau lễ cưới, ở một số nơi người ta còn có tục lại mặt, thường là sau 2 hoặc 4 ngày cô dâu về nhà chồng, thì đôi vợ chồng sẽ cùng trở về nhà ngoại, mang theo lễ vật để cúng gia tiên nhà vợ, đồng thời nhà ngoại cũng làm bữa cơm để chào đón đôi vợ chồng sau tân hôn.
Có thể nói rằng phong tục cưới xin từ truyền thống đến hiện đại của dân tộc Việt Nam ta đều có những nét đặc trưng hiếm có, giữ gìn và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp trong nền văn hóa của dân tộc. Đồng thời nó cũng thể hiện được sự thiêng liêng, gắn bó trong mối quan hệ vợ chồng, khi mà một đám cưới phải trải qua sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo từ hai bên gia đình, trải qua nhiều nghi lễ, cô dâu và chú rể mới chính thức về chung một nhà, xây dựng một tổ ấm mới trong sự chúc phúc và chứng kiến của mọi người. Ngày nay xã hội khuyến khích việc tổ chức lễ cưới một cách đơn giản, tinh gọn, tránh lãng phí, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta bỏ quên những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần linh động, sáng tạo sao cho vừa giữa được nét đẹp truyền thống vừa bắt kịp xu hướng thời đại.