Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Tại Việt Nam, vua Trần Nhân Tông là vị minh quân, cũng là vị cao tăng nổi tiếng. Người từng tu hành theo môn phái Trúc Lâm, ngài đắc đạo rất nhanh và khi ngài mất đi cũng để lại xá lợi và một số hiện tượng đặc biệt. Năm Đinh Mùi (1307), sau khi truyền giảng phật pháp cho đệ tử, Phật Hoàng rời núi Yên Tử và lên tu tại một am nhỏ trên đỉnh núi Ngọa Vân.
Sau một thời gian tu hành tại núi Ngoạ Vân, ngày 19/10/1308 Phật Hoàng bảo thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu trên núi Yên Tử; truyền gọi đệ tử Bảo Sát đến gấp. Nghi có điều bất thường xảy ra, Bảo Sát vội vàng lên đường nhưng núi non hiểm trở, mãi đến ngày 21/10 mới đến được am Ngọa Vân. Sau khi trông thấy đệ tử, Phật Hoàng cười rồi bảo: Ngươi sao đến chậm thế? Ta sắp đi đây. Trong phật pháp có điều gì còn chưa tỏ thì hãy nói gấp đi".
Sau khi giảng những điều cuối cùng cho đệ tử Bảo Sát, thì trời đất bỗng mù mịt tối tăm, gió bão nổi lên ầm ầm, muôn thú kêu gào quanh am. Nhưng giữa đêm 1/11/1308 tự nhiên trời quang mây tạnh, sao sáng đầy trời. Phật Hoàng liền gọi đệ tử Bảo Sát lại mà rằng: Bây giờ là giờ gì? Giờ tý - Bảo Sát thưa. “Đã đến giờ ta đi đấy” - Phật Hoàng nói tiếp. Xong xuôi, Ngài bèn nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch, đó là vào niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), Ngài thọ năm mươi mốt tuổi.
Tương truyền sau khi Phật Hoàng viên tịch, theo di nguyện của Ngài, đệ tử Pháp Loa đã rước ngọc thể lên đàn hỏa thiêu. Khi đó, ngọc thể của Phật Hoàng tỏa ra một mùi hương thơm ngát, cùng lúc trên bầu trời xuất hiện những tiếng nhạc lớn, và nhiều đám mây ngũ sắc tụ lại thành hình tròn che kín nơi hỏa thiêu. Sau khi hỏa táng, Pháp Loa dùng nước thơm tưới lên hỏa đàn và thu ngọc cốt của Phật Hoàng.
Điều kỳ lạ, trong khi thu ngọc cốt của Tổ Trúc Lâm, đệ tử Pháp Loa đã phát hiện hơn 3000 hạt ngũ sắc lấp lánh. Đó chính là xá lợi để lại của Ngài, minh chứng cho công phu tu hành đắc đạo của Phật Hoàng tại trần thế. Tháng 9 năm 1310, ngọc cốt được đưa về an trí tại lăng Quy Đức (Thái Bình). Còn xá lợi của Ngài được phân phát đi nhiều nơi. Bởi chính sự thiêng liêng ấy, Ngọa Vân đã trở thành thành địa của Phật giáo Trúc Lâm cho đến tận ngày nay.