Phát biểu cảm nghĩ truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" số 8

Đây là loại truyện viết về người thật việc thật. Khác với loại truyện hư cấu thường có các yếu tố thần kì, loại truyện này phải dựa vào nguyên mẫu. Cái dễ và cái khó cũng từ đấy mà ra. Hơn nữa, viết về truyền thống gia đình cũng như đốt một nén tâm hương, sự thành kính của cháu con phải lấy đức trung thực làm đầu. Hồ Nguyên Trừng viết về cụ tổ bên ngoại cũng như Nguyễn Trãi viết về ông ngoại (Trần Nguyên Đán). Thời gian xuất hiện, công tích của các bậc tiền liệt có thể khác nhau, nhưng cả hai đều là những tấm gương cho đương thời và hậu thế.


Song, dù là chuyện có thật, phải viết làm sao cho hấp dẫn, phải để lại ấn tượng sâu sắc, độc đáo cho người đọc. Để đạt được những tiêu chí nghệ thuật này, tác giả của truyện vừa phải đảm bảo được tính nhất quán của hình tượng nhân vật vừa phải kiến tạo được tình huống để từ đó tính cách nhân vật nổi bật hẳn lên. Cả hai yêu cầu trên đây đều cần đến sự lựa chọn chi tiết và sắp xếp các chi tiết. Cách dàn dựng này phải hết sức công phu nhưng đến với người nghe, câu chuyện vẫn cứ là hợp lí, cứ hồn nhiên như chẳng hề có một sự dụng công nào.


Đành rằng khi nói đến một danh y có thể khai thác hai yếu tố là y thuật và y đức, như tên truyện đã xác định “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng” (ở đây là y đức), nhưng để có được ấn tượng về y đức ấy, cách sắp xếp của người viết có thể chọn một trong ba cách. Thứ nhất: từ trước đến sau theo trình tự thời gian để tính cách nhân vật được khẳng định. Thứ hai: từ khái quát đến cụ thể, từ cái chung đến cái riêng để nhân vật vừa có chiều rộng vừa có độ sâu. Thứ ba: lấy việc nâng cấp làm phương tiện nhằm kích thích hứng thú cho người đọc. Trong truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng không loại trừ phương án một và hai. Nhưng tác dụng, hiệu quả nghệ thuật của truyện lại chủ yếu do cách trình bày có tính chất đòn bẩy, có yếu tố kịch tính để tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc và có sức lan tỏa dài lâu.


1. Thầy thuốc họ Phạm là người có y đức tuyệt vời

Sau khi giới thiệu vắn tắt nhân thân, nghề nghiệp và chức vụ trong triều của bậc danh y, người viết có kể lại như sau: “Ngài thường đem hết của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt và tích trữ thóc gạo. Gặp kẻ tật bệnh cơ khổ, ngài cho ở nhà mình, cấp cơm cháo chữa trị. Dẫu bệnh có dầm dề máu mủ, ngài cũng không hề né tránh. Bệnh nhân đến chữa tới khi khỏe mạnh rồi đi. Cứ như vậy, trên giường không lúc nào vắng người”. Cách kể ấy, kết hợp với ngôn ngữ không một chút phô trương đã đạt được hiệu quả cao nhất. Ấy là sự tôn vinh một con người “hằng tâm, hằng sản” xem đồng loại như chính bản thân mình. Việc “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (trữ gạo phòng đói, trữ áo phòng rét) không phải cho cá nhân ông mà cho những người nghèo, bệnh tật. Bởi người nghèo vốn đã khổ, bệnh tật lại càng khổ hơn.


Thấu hiểu được cái lo ấy, ông đã chuẩn bị theo cách của riêng mình. Tâm lí của người xưa (Một người làm quan cả họ được nhờ), mục đích của người xưa trong việc đỗ đạt (Vinh thân phì gia), trong ông không còn chỗ đứng. Nó đã bị loại trừ. Thêm nữa, cùng với các chi tiết đó, ta còn thấy một điều: Mặc dù giữ chức Thái lệnh, ông không gần vua mà lại gần dân. Lần thứ hai ông vượt lên mọi thứ đẳng cấp, tôn ti, trên dưới mà xã hội cũ rất rạch ròi để đến với người dân trăm họ. Đến với người bệnh, lòng ông như một cánh cửa mở ra, ông xem đó là chức phận, là lẽ sống, là hạnh phúc của mình.


2. Mệnh lệnh của nghĩa vụ và tiếng gọi của lương tâm.

Một tình huống bất ngờ xảy đến. Hai yêu cầu cùng một lúc được đặt ra. Đó là hai người bệnh, một là quý nhân trong vương phủ, còn một chỉ là kẻ thường dân. Phải lựa chọn thế nào? Trái tim của người thầy thuốc đã trọn vẹn dành cho người áo vải. Không phải vì đố kị với những kẻ phú quý giàu sang mà chỉ vì “Nay mệnh sống của người này chỉ trong khoảnh khắc”. Thái độ lựa chọn ấy là một thách thức đối với chức phận và quyền uy. Giữ trọng trách chữa bệnh trong triều, ông mắc lỗi “đào nhiệm” (bỏ nhiệm vụ). Là thần dân, ông còn mắc tội khi quân (coi thường nhà vua, coi thường phép nước).


Tội ấy nếu xử là phải chém đầu. Việc cảnh báo của quan Trung sứ không phải chỉ là do tức giận: “Ông định cứu tính mạng người ta mà không cứu tính mạng mình chăng?”. Song sự khảng khái, khí tiết của kẻ sĩ trong ông là một bức trường thành. Nó là chỗ dựa cho ông trong cách lập luận bất di bất dịch. Phong cách văn bản ở đây đòi hỏi một hình thức không thể là thuyết minh. Nó phải là tự sự, chỉ có tự sự mới thông qua một loạt sự kiện, chi tiết mà khắc họa được tính cách nhân vật. Tính cách cứng cỏi ấy thể hiện thông qua hành động và lí lẽ. Hành động là lựa chọn, còn lí lẽ là một lí lẽ rất riêng. Lập trường tuy kiên định những lời nói lại rất mềm, tiến thoái, cương nhu rất khéo: “Tôi có mắc tội, cũng không biết làm thế nào.


Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu. Tính mệnh của tiểu thần còn trông cậy vào chúa thượng, may ra thoát”. Nếu trước đó, bậc trưởng lão đã vì người bệnh mà không tiếc của, tiếc công, đến đây, ông đã lấy mạng sống của mình ra che chở cho họ (dù chịu mất đầu). Cũng may, vương là một đấng minh quân. Người đã thấu hiểu. Vị danh y không những không phải chịu tội (chỉ bị quở trách nhẹ nhàng) mà lại còn được ban khen. Phần thưởng xứng đáng này là một sự tôn vinh để chân dung bậc tiền liệt họ Phạm nổi bật hẳn lên trong sự kính cẩn tự hào của cháu con dòng họ. Và với đời, đó cũng là cách ngưỡng mộ xứng đáng với một danh y.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |