Phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống trong "Vợ nhặt" bài 5

Kim Lân là nhà văn có sở trường về đề tài nông thôn, người nông dân, những tác phẩm của ông không chỉ hướng đến thể hiện những hiện tượng nổi bật của xã hội đương thời mà còn thể hiện được tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ông sáng tác không nhiều nhưng những sáng tác đều mang giá trị cao. Vợ nhặt là tác phẩm đặc sắc của Kim Lân khi viết đề đề tài nạn đói năm 1945. Viết về nạn đói nhưng Vợ nhặt không nhằm mục đích phơi bày cái chết chóc, đau thương của nạn đói mà từ cảnh ngộ của mỗi nhân vật, tác giả đã thể hiện được hơi ấm của tình người cũng như niềm hi vọng vào cuộc sống, điều này được thể hiện rõ nét qua các nhân vật: anh Tràng, chị vợ nhặt, bà cụ Tứ.


Vợ nhặt viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945, nạn đói hoành hành khiến cho không gian xã hội trở nên ngột ngạt, tù túng với ám ảnh khủng khiếp về cái chết. Từ đầu phố đến cuối ngõ là cảnh người chết như ngả rạ, người sống thì lay lắt, vật vờ như những bóng ma, đó là những con người đáng thương đang đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết. Tuy nhiên, cũng trên cái nền đen tối, ám ảnh khủng khiếp bởi nạn đói, sự chết chóc ấy vẫn nổi bật lên ánh sáng của tình người, của niềm hi vọng vào sự sống. Trong những hoàn cảnh khốn cùng nhất, những con người khốn khổ vẫn không đánh mất đi những nét đẹp vốn có của mình mà vẫn ánh lên vẻ đẹp của tình thương, của niềm hi vọng.


Tràng là người đàn ông xấu xí, nghèo khổ sống ở xóm Ngụ cư, tuy nhiên trái với vẻ ngoài xấu xí, gia cảnh nghèo hèn bên ngoài, Tràng hiện lên là một con người ấm áp, giàu tình thương. Tràng chấp nhận cưu mang người đàn bà xa lạ, đói rách mà bỏ mặc những gánh nặng khủng khiếp của thời kỳ đói khát. Không những thế, sau khi vô tình “nhặt” được vợ, Tràng đã không tỏ thái độ coi thường mà ngược lại rất trân trọng đối với người vợ nhặt này.


Trong đêm đầu tiên vợ về nhà, Tràng đã bỏ 2 hào mua dầu, đây được coi là hành động hào phóng, bởi trong nạn đói nhu cầu cấp thiết là miếng ăn nhưng anh Tràng đã bỏ tiền mua dầu để làm cho đêm đầu tiên vợ về nhà trở nên đặc biệt hơn. Sau khi có vợ, Tràng ý thức được việc mình đã có vợ, đã có một gia đình nhỏ đúng nghĩa, từ đó thấy mình có trách nhiệm lo cho vợ, cho gia đình.


Người vợ nhặt là người đàn bà khốn khổ bị nạn đói vắt kiệt sự sống, thể hiện ở thân hình tiều tụy, vẻ ngoài rách rưới, ban đầu chị ta tạo ấn tượng với người đọc với vẻ chao chát, chỏng lỏn không kém phần vô duyên khi vô tư đòi anh Tràng trả công đẩy xe bò. Tuy nhiên, từ khi theo anh Tràng về làm vợ thì người đàn bà ấy đã thay đổi hẳn, không còn sự chao chát, chỏng lỏn mà đã trở thành người vợ hiền hậu đúng mực. Khi chứng kiến gia cảnh nghèo khó của anh Tràng, dù thất vọng nhưng chị ta vẫn cố giấu sự thất vọng trong ánh mắt tối lại, trong tiếng thở dài cố nén.


Dù có chút buồn, thất vọng khi chứng kiến hoàn cảnh nghèo khó của anh Tràng nhưng khát khao hạnh phúc vẫn nhen nhóm để người đàn bà ấy chủ động nắm giữ, chủ động vun vén hạnh phúc gia đình: cùng mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa, trong phần cuối tác phẩm chị vợ nhặt cũng đã thoáng nghĩ đến sự thay đổi, hy vọng vào một tương lai tươi sáng của cuộc sống thể hiện qua chi tiết nhắc đến chuyện ở Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế, phá kho thóc Nhật chia cho người nghèo.


Nhân vật bà cụ Tứ đã thể hiện rõ nét nhất vẻ đẹp của tình người. Trước tình thế bất ngờ khi anh con trai dẫn về người đàn bà lạ mặt, bà cụ Tứ không tỏ ra rẻ rúng, coi thường đối với người phụ nữ theo không con mình về làm vợ “Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”, sau giây phút ngạc nhiên bà đã chấp nhận người đàn bà như dâu con trong nhà.


Trước hạnh phúc bất ngờ của con trai, bà vừa mừng cho con, vừa tủi cho mình vì thân là mẹ mà chẳng thể lo cho con, để con phải “nhặt” vợ trong cảnh túng đói. Bao cảm xúc phức tạp từ vui mừng, lo lắng, buồn tủi, hi vọng của bà cụ Tứ đều xuất phát từ tấm lòng thương con của bà.


Không chỉ thương con mà bà cụ Tứ còn có niềm tin mãnh liệt vào tương lai, bà không ngừng động viên các con chịu khó làm ăn với triết lí dân gian “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, hướng các con đến ánh sáng của tương lai. Để tạo ra sự đổi thay của cuộc sống, bà cụ Tứ đã cùng con dâu dọn dẹp nhà cửa, nói những câu chuyện về tương lai.


Thông qua ba nhân vật Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân đã thể hiện nỗi đồng cảm với số phận của con người, đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với sức mạnh của tình thương, của niềm hy vọng có thể vượt lên mọi ám ảnh đói khát để tỏa rạng.

Phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống trong
Phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống trong "Vợ nhặt" bài 5
Phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống trong
Phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống trong "Vợ nhặt" bài 5

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |