Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ "Tràng giang" số 7
Trong phong trào thơ mới 1932-1945, ta đã biết đến một Xuân Diệu luôn mang theo mình nỗi ám ảnh thời gian, thì Huy Cận lại được mệnh danh là nhà thơ luôn luôn mang nỗi ám ảnh không gian. Và cái nỗi ám ảnh ảnh ấy được thể hiện thông qua một bài thơ rất nổi tiếng của Huy Cận và cũng là bài thơ rất nổi tiếng của phong trào thơ mới giai đoạn 1932-1945, đó là Tràng Giang.
Huy Cận (1909-2005), tên thật là Cù Huy Cận, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, ông là một trong những tác giả có nền học vấn vững chắc và bài bản nhất trong phong trào thơ mới, 20 tuổi đỗ tú tài, 24 tuổi là một kỹ sư canh nông. Ông tham gia vào cách mạng khá sớm vào năm 23 tuổi, ông là người hiếm hoi có cả sự nghiệp chính trị và văn chương đầy vẻ vang. Sự nghiệp sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn, trước cách mạng ông được biết đến là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới với tập Lửa thiêng, tập thơ đầu tay vinh danh ông trong phong trào thơ mới, sau cách mạng Huy Cận đã có một thời gian dài dừng lại, sau đó vào năm 1958 ông đã sáng tác lại với tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá. Phong cách nghệ thuật của Huy Cận là sự giao hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại, ở nội dung đó là sự đan xen giữa nỗi sầu của vũ trụ, của thế nhân với nỗi cô đơn của cá nhân, về nghệ thuật đó là sự hòa trộn giữa hệ thống thi pháp thơ Đường và những nét thi pháp của thơ tượng trưng Pháp.
Tràng giang nằm trong tập thơ Lửa thiêng, xuất bản vào năm 1940, tác phẩm là sự hợp nhất của một nỗi sầu mênh mang và vẻ đẹp của dòng sông mênh mông sóng nước vừa cổ điển, vừa hiện đại, trên trời rộng, dưới sông dài.
Đọc toàn bài thơ, ta đã nhận ra ngay vẻ đẹp cổ điển và hiện đại hiện lên thật sắc nét trong cả nhan đề và lời đề từ. Với nhan đề Tràng giang, rõ ràng đây là một từ Hán Việt với hai âm mở "ang", âm thanh khi phát ra gợi nên những cái cảm giác về một không gian vừa cao, vừa xa lại vừa rộng, dài của một con sông hun hút chảy đến cuối trời, mang đến cho độc giả sự tĩnh lặng, cùng nỗi buồn mênh mang mờ mịt, đậm chất cổ điển. Lời đề từ: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" vừa thâu tóm cả tình thơ vừa thâu tóm cả cảnh thơ một cách tinh tế, thể hiện được cái nỗi buồn thời đại của tác giả trước cảnh thiên nhiên rộng lớn, mang tầm vóc vũ trụ, đồng thời là nỗi buồn cô đơn trước khung cảnh quá mức mênh mang, vô định. Có thể nói nỗi sầu của tác giả là một nỗi sầu vừa cổ điển lại vừa hiện đại, hiện đại ở chỗ Huy Cận sầu cho bản thân, sầu cho cái "tôi" đầy cô đơn của mình, cổ điển ở chỗ nhà thơ lấy cái hoàn cảnh gây nên cái sầu đó chính là thiên nhiên trầm lặng, rộng lớn, giống với nhiều nhà thơ cổ thường đem nỗi buồn gửi gắm vào thiên nhiên, "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
Ta lần lượt phân tích rõ cái vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại ấy qua từng khổ của bài. Ở khổ thơ đầu tiên đó là bức tranh sông nước buồn vắng.
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng."
Câu đầu tiên ta thấy là một bức tranh mà ở đó có hai đối tượng được tác giả tái hiện, đó là thiên nhiên "sóng gợn tràng giang", giữa một dòng sông vừa rộng lại vừa dài lại chỉ có những gợn sóng lăn tăn do gió thổi nhẹ mà nên, gợi cho ta cảm giác thật tĩnh lặng và khoáng đạt của dòng sông. Cụm "buồn điệp điệp" vừa tái hiện tâm trạng của thiên nhiên, lại cũng vừa tái hiện tâm trạng của lòng người. Hình ảnh "Con thuyền xuôi mái nước song song" thật lặng lẽ, êm đềm và có chút xót xa vương vấn, bởi ở ngay câu sau đó là hình ảnh xuôi ngược, chia lìa của hai sự vật vốn dĩ chung đôi "thuyền về nước lại", điều đó đã gợi lên một mối "sầu trăm ngả", dường như nỗi sầu đã lan rộng cả lòng sông. Câu thơ cuối đoạn, có lẽ là câu thơ nhấn mạnh nhất nỗi buồn của tác giả "Củi một cành khô lạc mấy dòng", rõ ràng câu thơ chỉ tả một cành củi khô, lênh đênh trên sóng nước, nhưng nghĩ kỹ ta sẽ mường tượng ra tâm hồn khô héo và cô đơn, vô định của tác giả. Đây là hình ảnh thơ mang nét hiện đại, ở chỗ so với những hình ảnh ước lệ khác như thuyền, nước hay sóng, thì hình ảnh củi khô gần như lạc quẻ, tuy nhiên chính nó đã đem lại nét phá cách cho cả bài. Chung quy lại nỗi buồn của tác giả là một nỗi buồn nhuốm màu cổ điển lại cũng có nét hiện đại, buồn mênh mang bao trùm lên cả cảnh vật, bởi rõ trong mắt người buồn chẳng có cảnh nào vui là thế. Đồng thời nhịp điệu của đoạn thơ cũng mang đậm màu sắc cổ điển ở những từ láy "điệp điệp", "song song", một bút pháp thường thấy trong Đường thi.
"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."
Ở khổ thơ tiếp tác giả quay sang miêu tả những thứ khác, rất nhiều từ láy được sử dụng như "lơ thơ", "đìu hiu", "chót vót", kết hợp với những hình ảnh mang tính đối lập như "Nắng xuống, trời lên", "Sông dài, trời rộng", đã mang đến cho từng vần thơ một nét đẹp cổ điển đậm đà. Thêm vào đó những cảnh vật và hoạt động diễn ra đều mang một nét buồn sâu lắng, cồn lơ thơ, gió đìu hiu, làng xa vãn chợ chiều, sông dài, trời rộng, bến cô liêu, tất cả đều gợi tả cảm giác cô đơn trong cái sắc tĩnh lặng cổ điển. Nét hiện đại ở trong khổ thơ là sự chuyển dịch cảm giác đầy thú vị và độc đáo "Nắng xuống, trời lên sâu chót vót", có hợp lý không khi cho cảm giác "sâu" đi với một tính từ chỉ độ cao "chót vót", nhưng chỉ có thế mới thể hiện hết được cái khoảng cách giữa sông với trời, giữa con người với vũ trụ bao la. Đây là một nét phá cách rất hiện đại mà những vần thơ cổ không làm được, bởi sự quy định chặt chẽ và an toàn.
"Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."
Khổ thơ này có một hình ảnh rất cổ điển, ấy là bèo, bèo tượng trưng cho kiếp số lênh đênh và vô định của đời người, và có rất nhiều cánh bèo như thế "hàng nối hàng", thể hiện cái nỗi buồn rợn ngợp của tác giả trước cảnh "Mênh mông không một chuyến đò ngang". Câu thơ tiếp theo tác giả đã trực tiếp thể hiện cái cảm xúc thật của mình: "Không cầu gợi chút niềm thân mật", đây lại là một nét hiện đại trong thơ, câu cuối "Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng" đó là phiếm chỉ sự cô đơn cùng cực, chỉ toàn bờ bãi nào có một tâm hồn khác.
"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."
Trong khổ thơ cuối ta nhìn thấy nhiều nét đẹp cổ điển hơn, mặc dù câu thơ đầu "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc," là một câu thơ được Huy Cận lấy ý từ một bài thơ cổ của Đỗ Phủ, trong câu "Mặt đất mây đùn cửa ải xa", nhưng nhà thơ đã có sự sáng tạo trong việc sử dụng từ láy "lớp lớp" khiến người ta liên tưởng đến độ dày đặc của mây vờn quanh núi, khiến màu núi gần như màu bạc. Trong đó, từ "đùn" lại mang đến một nét động cho bài thơ, một nét hiện đại, bởi giữa cái yên ắng, tĩnh lặng ta lại mới thấy được một cái động tĩnh là như thế. Đến câu "Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa", hình ảnh chim nghiêng cánh vốn đã quá quen thuộc trong thơ ca cổ điển, nó mang lại một cái ý thức thời gian kín đáo, dợn buồn. Nhưng đến hai câu sau trái ngược với nét cổ điển của câu trước thì lại là tâm tư thật giản dị và rõ ràng của tác giả thông qua những câu chữ hết sức thẳng thắn, nhà thơ đang nhớ nhà, nhớ quê, đây là cái nét hiện đại của hồn thơ Huy Cận, không ước lệ trong những cảm xúc cốt yếu của mình.
Tràng giang một trong những bài thơ xuất sắc của Huy Cận, tiêu biểu cho phong trào thơ mới những năm 1932-1945. Trong bài, ta nhận thấy những vẻ đẹp trữ tình vừa cổ điển lại vừa hiện đại của khung cảnh thiên nhiên bao la rộng lớn, đồng thời cũng là tâm trạng của tác giả trong nỗi buồn xa quê, nhớ nhà. Những điều đó đã gián tiếp thể hiện cái tình đời, lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của Huy Cận qua những vần thơ của Tràng giang.