Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục bài 13
“Chữ người tử tù” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất thuộc tập “ Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân. Trong tác phẩm, nhà văn đã xây dựng thành công hình ảnh nhân vật Huấn Cao là hội tụ mọi vẻ đẹp của tài, tâm, khí phách, là nhân vật điển hình cho chủ nghĩa lãng mạn. Vẻ đẹp ấy của Huấn Cao được thể hiện rõ nét qua thái độ với viên quản ngục.
Nguyễn Tuân là người tài hoa, giàu tình cảm, sống phóng khoáng và luôn ý thức rất rõ về tài năng của bản thân mình, luôn khao khát một cuộc sống có ý nghĩa. Ông được mệnh danh là “ người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp” với phong cách nghệ thuật “ tài hoa, uyên bác” được gói gọn trong một chữ “ ngông”. Có phong cách như vậy bởi lẽ, Nguyễn Tuân luôn nhìn con người, sự vật ở phương diện văn hóa, thẩm mỹ, tài hoa, nghệ sĩ kết hợp cùng tri thức của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau để quan sát, sáng tạo hình tượng trong một hệ thống ngôn ngữ điêu luyện, tinh lọc. Tập truyện “ Vang bóng một thời” là tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách nghệ thuật này của Nguyễn Tuân.
“Vang bóng một thời” vẽ lại cái đẹp xưa cũ của thời phong kiến đã tàn suy với những con người đều tài hoa nghệ sĩ, sự vật đều là văn hóa ẩm thực: giò lụa, phở, cốm,…trong tâm trạng chủ đạo là bi quan trước thực tại, hoài nghi về tương lai, niềm tin duy nhất hướng về quá khứ. Ra đời khi nền Hán học đã thất thế, những bậc tài hoa nghệ sĩ hóa “ kẻ chọn nhầm thế kỷ với hai bàn tay không có lợi khí mới” tuy cam chịu thất bại nhưng chưa muốn làm lành với xã hội Tây Tàu nhố nhăng, vẫn giữ thái độ sống ngông nghênh, phóng túng và thiên lương trong sạch của mình. Nhà văn hay nói đến hai chữ “ thiên lương” của nhân vật và nhân vật nổi bật với “ thiên lương” ấy là nhân vật Huấn Cao trong “ Chữ người tử tù”. Huấn Cao, một con người có cái đẹp tài hoa, khí phách tuy chí lớn không thành nhưng vẫn coi thường gian khổ, xem khinh cái chết với bản tính trời phú luôn trân trọng cái đẹp, cái tài. Chính thái độ của ông với viên quản ngục đã thể hiện rõ vẻ đẹp thiên lương cao khiết ấy.
Viên quản ngục vốn là một viên quan coi ngục cho nhà tù thực dân phong kiến, là công cụ đắc lực trong tay bọn thống trị luôn tìm cách đàn áp những người có khí phách, có tài năng dám chống lại triều đình. Thế nhưng, sống trong bùn lầy mà chẳng hôi tanh mùi bùn, ngục quan là “ một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Ông mê mẩn nét chữ “ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”, ông ngưỡng mộ tài năng của Huấn Cao và xem ý nguyện xin chữ ông Huấn là một sở nguyện. Và, ngục quan đã thực hiện sở nguyện ấy bằng một tấm lòng chân thành ngưỡng mộ, bằng một quá trình công phu, kiên trì, nhẫn nhục, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh cả quyền uy và tính mạng của mình. Cuối cùng, ông đã hoàn thành sở nguyện, hoàn thành mơ ước cháy bỏng suốt cuộc đời bởi Huấn Cao, con người có thiên lương trong sáng…
Dám đứng lên chống lại triều đình mà mình khinh bỉ, Huấn Cao bị bắt và giải về nhà tù nơi có viên quản ngục luôn xem chữ ông là “ một báu vật ở trên đời”. Mới đầu khi gặp ngục quan, Huấn Cao tỏ thái độ khinh bạc, xua đuổi đến cùng. Ngày ngày nhận rượu thịt hậu hĩnh cùng lời nhắn ân tình: “ Thầy quản chúng tôi có ít quà mọn này biếu ngài dùng cho ấm bụng. Trong buồng đây, lạnh lắm.”, Huấn Cao xem như không có chuyện gì xảy ra, thản nhiên nhận rượu thịt như trong hứng sinh bình. Ngay cả khi chính ngục quan khép nép, lễ phép “… Vậy ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất”, ông Huấn vẫn khinh bạc đến điều: “ Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.”
Huấn Cao khinh bạc bởi đến cái chết ông còn chẳng sợ, huống gì là những trò tiểu nhân thị uy ra oai này. Với ông, quản ngục cũng giống bao kẻ khác sống trong chốn nhơ bẩn, làm tay sai cho bọn thống trị thì cũng chính là một lũ tiểu nhân tầm thường hèn hạ. Thái độ xem thường, khinh bỉ viên quản ngục là một cách Huấn Cao tạo ra hàng rào chắn bảo vệ mình trước cái xấu, cái ác cũng là để giữ cho thiên lương không bị vướng bẩn. Nhưng rồi, sau khi nghe thầy thơ lại kể về tâm nguyện của viên quản ngục, Huấn Cao hoàn toàn thay đổi thái độ, hối hận và trân trọng vì đã kịp thời phát hiện “ một tấm lòng trong thiên hạ”: “ Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.” Cuối cùng, ông cho chữ ngục quan, cho đi những nét chữ cuối cùng để cái đẹp được lên ngôi, bất tử.
Trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián, một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Không chỉ cho chữ, Huấn Cao còn tặng ngục quan, người trị kỉ một lời khuyên chân thành xuất phát từ cái tâm trong sáng: “ Ở đây lẫn lộn, ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi… Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.” Lời khuyên chân thành hay cũng là lời khẳng định một chân lý: cái đẹp khó có thể dung hòa với cái xấu, người tốt không thể sống và làm việc ác.
Trước lời khuyên, viên quản ngục xúc động, nghẹn ngào và nhận thức sâu sắc về hoàn cảnh sống của mình, là một người tù chung thân. Lâu nay, ông không được sống là chính mình, không được tự do với những mong muốn, sở thích, không nhận ra mục đích của cuộc đời mình. Huấn Cao cho chữ cùng lời di huấn như đang chuyển giao một nhân cách, nhân cách tự do, chuyển giao cái đẹp, là giây phút sinh thành của cái đẹp để nó mãi nhân lên. Huấn Cao đã khai sáng cuộc đời tăm tối, mở ra cánh cửa để viên quản ngục bước ra khỏi nhà tù chung thân, làm bùng lên khát vọng vứt bỏ hiện thực trói buộc của cái nghê thất đức, bất lương để được về quê sống với bản chất thiên lương của viên quản ngục. Ông cúi đầu “ Xin lĩnh ý” không phải cái cúi đầu hèn hạ mà là cúi đầu khuất phục trước cái đẹp, cái tài, cái sáng rực của thiên lương. Một lần nữa, cái cúi đầu làm cho người ta cao quý hơn, lớn lao hơn “ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” ( Cao Bá Quát). Đồng thời, hình ảnh ngục quan xúc động, nghẹn ngào “ Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” cũng là lúc thiên lương có thể cảm hóa được thiên lương.
Từ hành động cho chữ của Huấn Cao, Nguyễn Tuân khẳng định sự lên ngôi tuyệt đối của cái đẹp. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, trong mọi cảnh ngộ kể cả nơi mà ta không ngờ tới. Nó có sức mạnh cảm hóa, thanh lọc và cứu rỗi tâm hồn con người. Cái đẹp, nó không khuất phục người ta bằng bạo lực, nó chinh phục người ta bằng tự bản chất của nó. Cái đẹp, nó không áp đặt con người để người ta tuân theo nó, nó vực con người ta vươn lên, tự nguyện đi theo nó để hướng đến cái chân, thiện, mỹ. “ Cái đẹp đã lên ngôi thay thế cho cái xấu xa, thấp hèn, cái đẹp nâng đỡ con người.” ( Đôxtôiepxki). Việc sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật đã giúp Nguyễn Tuân xây dựng hoàn chỉnh chân dung nhân vật Huấn Cao trong cách ứng xử với viên quản ngục. Tình huống truyện đặc biệt éo le trong cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục, nghệ thuật xây dựng nhân vật với bút pháp lãng mạn đặc trưng cùng việc sử dụng các từ ngữ, chi tiết độc đáo, giàu ý nghĩa biểu tượng,…góp phần khắc hoạ vẻ đẹp từ nhân cách, tài năng đến tâm hồn nhân vật Huấn Cao và, khẳng định sự bất tử, lên ngôi của cái đẹp.
Qua nhân vật Huấn Cao, một hình mẫu lí tưởng của văn học lãng mạn, tác giả còn kín đáo bộc bạch tinh thần dân tộc và lòng yêu nước thầm kín khi con người còn tôn trọng, nâng niu những nét văn hóa truyền thống: chơi chữ. Chính ý nghĩa sâu sắc đó đã mang đến sức sống cho tác phẩm “ Chữ người tử tù” nói riêng, tập truyện “ Vang bóng một thời” nói chung và tên tuổi Nguyễn Tuân sống mãi trong lòng dân tộc.