Phân tích tâm trạng các nhân vật trong "Hạnh phúc của một tang gia" bài 10
Có người nói rằng: Hài vốn là cái bi được đẩy lên đến đỉnh cao. Gốc của cái hài là cái bi, và sâu xa hơn là khát khao cái đẹp. Đằng sau tiếng cười ta thấy sự phê phán, bất bình của tác giả trước hiện thực. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng qua những sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Mỗi tác phẩm của ông là một chuỗi cười dài đầy căm phẫn ném vào cái xã hội lố lăng, đồi bại đương thời. Trong số đó, số đỏ (1936) là tác phẩm tiêu biểu. Tiếng cười sắc nhọn của ông bật ra ở tất cả các chương trong cuốn tiểu thuyết. Đặc sắc nhất là đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, nằm ở chương XV. Đoạn trích đã lột tả được toàn bộ chân dung các nhân vật thông qua một tình huống đặc biệt. Mỗi chương trong tiểu thuyết số đỏ đều có một nhan đề riêng và nhan đề nào cũng giật gân, độc đáo, thu hút sự chú ý của người đọc.
Ngay trong cách đặt tên: “Hạnh phúc của một tang gia” đã bộc lộ tình huống trào phúng: “Tang gia” mà lại “hạnh phúc”, Nhà có người chết mà lại vui. Nhan đề này cho thấy tang gia quả có bối rối thật nhưng bối rối một cách sung sướng, bối rối không phải để tổ chức một đám ma mà để tổ chức một ngày hội, một đám rước. Tiếng cười chỉ bật lên khỉ có mâu thuẫn, những chuyện ngược đời, trái lẽ thường, nhân sinh. Từ tiếng cười có tính chất mở đầu rất quan trọng này, người đọc theo sự chỉ dẫn của tác giả khám phá hàng loạt mâu thuẫn tiếp theo và ở mỗi mâu thuẫn, tiếng cười lại được bật ra thành một chuỗi cười dài đầy đau xót. Thông qua tình huống trào phúng này, chân dung các nhân vật trong xã hội “Số đỏ” cũng hiện lên hết sức sinh dộng, từ chân dung các cá nhân tới chân dung cả một tập thể, từ các thành viên trong gia đình tới các nhân vật đám đông ngoài xã hội. Nếu chân dung các cá nhân hiện lên rõ nét nhất trong cảnh tang gia thì chân dung nhân vật đám đông lại được bổ sung ở cảnh đưa đám.
Người chết là cụ cố tổ. Cụ để lại cho con cháu một gia tài lớn nhưng cụ già quái ác này lại ghi trong di chúc là chỉ chia tài sản cho con cháu sau khi cụ qua đời. Bởi vậy đám con cháu sốt ruột mong chờ cái chết của cụ như chờ đợi một niềm hạnh phúc. Và “cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Như vậy, bước đầu tiên, Vũ Trọng Phụng đã phát hiện ra cái hạnh phúc chung của đám con cháu cụ cố tổ. Cái hạnh phúc của họ làm cho nỗi bi ai tử biệt sinh li hoàn toàn mất ý nghĩa. Không khí đám ma cứ rộn ràng, tưng bừng như đang vào chính hội: “Người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê đám ma”; “bọn con cháu vô tâm ai cũng sung sướng thoả thích”, Khách khứa đến chia buồn cũng “tấp nập” không kém.Không dừng lại ở việc phát hiện ra niềm vui chung của đám thân thích trước thây ma xấu số, Vũ Trọng Phụng còn tiến thêm một bước quan trọng, đưa ngòi bút sắc sảo lách sâu vào suy nghĩ của mỗi nhân vật để bóc trần và tung hê lên không thương tiếc tất cả cái vui, cái hạnh phúc riêng đầy ích kỉ của chúng.
Cụ cố Hồng hiện lên là kẻ rởm đời, học đòi. Mới 60 tuổi mà đã thích người ta gọi là cụ cố. Từ trước tới nay cụ chỉ được diễn cái trò già cả trong gia đình. Thì nay, cái chết của ông bố dã tạo cho cụ cái cơ hội vàng để ông có dịp khoe già với thiên hạ. Cụ nhắm mắt mơ màng tới cảnh mình mặc đồ xô gai, vừa ho khạc vừa khóc mếu để cho thiên hạ phải chỉ chỏ: “úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa”. Trong lúc tang gia bối rối, thẳng bồi tiêm đếm được đúng 1782 câu gắt “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Cụ biết gì? Chúng ta không biết, chỉ thấy rằng lồ lộ trên trang giấy là một kẻ thích thể hiện. Cụ lặp lại câu nói ấy như một con vẹt . Không tư tưởng bởi chính câu nòi đó cụ cũng không ý thức được nó là thế nào. Cũng như con số 1782 câu nói “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, người đọc không thể không chú ý tới con số 60 điếu thuốc phiện. Người ta thường nói “tang gia bối rối” nhưng ở đây hình như cụ cố Hồng không có chút mảy may lo lắng nào. Việc ông bố nằm xuống chẳng liên quan gì tới nếp sinh hoạt, của cụ cố. Cái khoái cảm của thuốc phiện để lại trong phổi đã xua tan hết thứ tình cảm cha - con nguyên sơ. Không chỉ bất hiếu, cụ cố Hồng còn đáng khinh bỉ hơn vì cố đóng vai một người con hiếu đễ. Người đọc sau tiếng cười bật ra trước sự kì quái của cụ thì lại càng đau xót và căm phẫn hơn khi nhận ra bản chất giả dối, hợm hĩnh, khoa trương ở nhân vật.
Dân gian có câu: “nhà dột từ nóc”, đám con cháu của cụ cố cũng tỏ ra không chịu kém cạnh cha ông mình. Chân dung đám con cháu phải kể tới đầu tiên là ông Văn Minh. Nhân vật này hiện lên với bộ mặt đăm đăm chiêu chiêu rất phù hợp với cảnh nhà có đám. Tuy nhiên, cái khiến ông mang bộ mặt ấy không phải là nỗi niềm dành cho người đã khuất mà là nghĩ cách làm sao “mời luật sư đến chứng kiến cái chết của ông cụ” để “cái di chúc kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không phải là lí thuyết viễn vông nữa”, Thêm vào đó, ông băn khoăn không biết nên đối xử với Xuân Tóc Đỏ thế nào. Xuân có tội đã tố cáo một em gái ông hoang dâm và quyến rũ một cô em gái khác làm cho gia phong nhà ông phải một phen chao đảo nhưng lại có công làm cho cụ tổ “chết thật”. Với Văn Minh, hai cái tội kia chỉ là tội nhỏ còn công của Xuân mới thực là lớn. Thì ra, danh dự, gia phong, phẩm giá của gia đình không có giá trị bằng những đồng tiền mà ông sắp được hưởng. Vũ Trọng Phụng đã rất tài tình khi phát hiện ra cái mâu thuẫn giữa hiện thực và bản chất, giữa bên ngoài và bên trong của nhân vật này. Bộ mặt đăm chiêu kia không xuất phát từ tình thương nhưng lại rất họp với cảnh một người đang lúc tang gia bối rối.
Cậu Tú Tân thì “điên người lên” vì đã chuẩn bị mấy cái máy ảnh mà chưa được dùng tới. Với cậu, đám ma cụ cố tổ chỉ là dịp được thoả mãn một sở thích, một thú tiêu khiển.Ông Phán mọc sừng tuy là người trực tiếp gây ra cái chết của cụ cố nhưng lại tỏ ra rất hạnh phúc. Thậm chí ông còn “trù tính ngay với Xuân một công cuộc doanh thương”, ông cháu rể quý hoá này lộ rõ là một kẻ hám tiền bất nhân. Hắn không chỉ coi đồng tiền hơn hạnh phúc mà còn coi nó quan trọng hơn cả danh dự bản thân. Bởi vậy Phán Mọc Sừng mới hỉ hả và ngạc nhiên “không ngờ rằng đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến như thế”. Cái chết của cụ cố tổ chính là khởi đầu cho một cuộc làm ăn lớn của ông.
Với bà Vãn Minh và ông Typn thì đám tang là cơ hội ngàn năm có một để lăng xê, quảng cáo cho các mốt quần áo của trào lưu Âu hoá, Chính vì vậy, khi chưa thấy cụ cố Hồng ra lệnh phát phục, Văn Minh vợ “sốt cả ruột vì mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời” còn “ông Typn rất bực mình vì mãi không được thấy những sự chế tạo của mình ra mắt công chúng để xem các báo chí phê bình ra sao”. Như vậy, Vũ Trọng Phụng đã lật tẩy nền nếp gia phong của giai cấp tư sản trong công cuộc “Âu hoá”, “Giải phóng”. Cái chết của cụ cố tổ tưởng là mất song lại được rất lớn; được tiền, được danh, được tình. Cái buồn hoá thành cái vui, đại tang trở thành đại hỉ. Nếu buồn trong lúc vui là bất nhã, vui trong lúc, buồn là bất nhân thì gia đình cụ cố Hồng là một gia đình đại bất nhân, bất nghĩa. Qua gia đình này, tác giả đã nói lên một sự thật cay đắng: lối sống Âu hoá đã làm băng hoại đạo đức, tấn công vào những thành trì tưởng kiên cố nhất là tình cha - con, vợ - chồng, ông - cháu. Nếu ở cảnh tang gia, đám ma cụ cố tổ mới chỉ khiến cho một gia đình hạnh phúc thì ở cảnh đưa đám, không những gia đình mà còn cả xã hội cũng náo nức, tưng bừng theo. Đám tang giống như một đám hội tưng bùng, rộn rã, “đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy”. Nó theo cả lối ta, Tây, Tàu, “có kiệu bát cống và lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú-dích, và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối”. Đây là đám ma của nhà giàu, hơn nữa còn là của những kẻ hợm hĩnh, phô trương, lố lăng, kệch cỡm, thừa tiền nhưng thiếu học.
Trong cảnh đưa đám, Vũ Trọng Phụng đã thật tinh tường khi phát hiện ra mỗi người đều có những niềm vui riêng. Min Đơ và Min Toa sung sướng tới cực điểm khi được “thuê giữ trật tự cho đám ma” vào giữa lúc “đang buồn như nhà buôn sắp vỡ nợ” vì “không có ai đáng phạt mà phạt”. Cụ cố tổ nằm xuống đã giải quyết nạn thất nghiệp cho hai viên cảnh sát này nên cái hết lòng của chúng cũng chỉ là cái hết lòng vì tiền. Vũ Trọng Phụng đã lột trần bản chất của nghề cảnh sát trong xã hội thực dân. Thực chất nó chỉ có một chức năng duy nhất là nhăm nhăm phạt tiền của người khác mà thôi. Trong đám ma này “ai cũng vui vẻ cả, trừ một Tuyết”. Một mình Tuyết đau khổ đến độ: “muốn tự tử được”, nhưng không phải vì người chết mà là đau khổ vì tình; “Tìm kiếm khắp mặt trong bọn người di đưa đám ma cũng không thấy bạn giai đâu cả, Tuyết như bị kim châm vào lòng”. Đặc biệt, vẻ mặt và trang phục của cô có vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt: “Hôm nay Tuyết mặc bộ y phục ngây thơ - cái áo dài voan mỏng, trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú - nhưng mà viền đen và đội một cái mũ mấn xinh xính để cho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh”. Với nhân vật này, đám ma là dịp để thanh minh với thiên hạ về sự “trong trắng” của mình, nhưng ngay trong sự thanh minh đã lộ ra bản chất “hư hỏng có lí luận” của cô “gái mới tân thời”.
Giống như cụ cố Hồng, bạn của cụ đến đám tang không phải để chia buồn mà là để khoe râu và khoe huân chương: “Những ông bạn thân của cụ cố Hồng, ngực đầy huân chương như Bắc đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Miên bội tinh, Vạn tượng bội tinh, vân vân... trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn”. Với ngôn ngữ trào phúng, mỉa mai, tác giả đã tạc dựng trên trang vãn những gương mặt nham nhở, kì quái, đầy tính chất biếm hoạ. Đặc biệt, “những ông tai to mặt lớn thì sát ngay với linh cữu, khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy đều cảm động hơn khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng”. Như vậy, cái đạo mạo bên ngoài của các vị đã bị Vũ Trọng Phụng lột trần bản chất.
Cái chết của cụ cố tổ làm cho nhiều người sung sướng lắm. Trong đó có cả sư cụ Tăng Phú: “Sư cụ Tăng Phú thì sung sướng mà vênh váo ngồi trên một cái xe, vì sư cụ chắc rằng trong số thiên hạ đứng xem ở các phố, thế nào cũng có người nhận rằng sư cụ đã đánh đổ được Hội Phật giáo, và như thế thì là một cuộc đắc thắng đầu tiên của báo Gõ mõ vậy”. Cái xấu xa chưa bao giờ lại lộ ra công khai, trơ tráo, không cần che đậy như thế. Đấng tu hành tưởng đã dứt bỏ được mộng trần thì giờ đây hiện nguyên hình là một kẻ hãnh tiến, thủ đoạn, xấu xa. Sau khi khắc hoạ những gương mặt cá nhân, Vũ Trọng Phụng tiếp tục khắc hoạ những gương mặt tập thể. Hàng loạt những từ ngữ mâu thuẫn đã được tác giả sử dụng để làm bật lên chân dung các nhân vật: “Thật là đủ giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa đám ma”, Những diễn viên quần chúng này vào vai rất tài tình. Họ đi đưa ma song không hề có một lời hỏi han tới người nằm xuống mà chỉ thì thào những câu “vui vẻ, ý nhị, rất xứng đáng với những người đi đưa đám ma”.
Thì ra, đâu chỉ có lũ con cháu cụ cố tổ bất hiếu mà cả cái xã hội đương thời cũng là một xã hội bất nhân, đạo đức giả. Đám ma đầy đủ tất cả, từ vòng hoa, câu đối, tới khăn xô mũ mấn song lại thiếu duy nhất một thứ, đó là tình thương, Thậm chí, tiếng khóc cuối cung của ông Phán mọc sừng khép lại đoạn trích cũng chỉ làm cho điều này bộc lộ rõ thêm: “ông ta khóc quá, muốn lặng đi (...). Ông Phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi..Hứt!... Hứt! …Hứt”. Tiếng khóc song lại gây cười. Ông khóc tới không thể đứng nổi để mà thực hiện nốt công cuộc doanh thương với Xuân Tóc Đỏ: “Xuân Tóc Đỏ muốn bỏ quách ra thì chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư”. Đây là nhân vật cuối cùng khép lại đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” và cũng là một trong những diễn viên xuất sắc. Hắn đánh lừa không chì người ngoài mà ngay tới Xuân là người trong cuộc cũng không hề biết.
Trong đám tang có kẻ vô tình song cũng có kẻ hữu ý vào vai kịch rất đạt. Cái đám tang này hiện lên là một sân khấu cuộc đời. Nó cũng là một tấn trò đời mà đám con cháu chính là diễn viên. Lũ con cháu thì bất nhân, xã hội thì vô đạo, tất cả đều chỉ vì tiền, vì tình, vì danh, vì lợi. Theo mạch truyện, sự băng hoại ấy ngày càng lan rộng hơn, từ gia đình mà ra cả xã hội. Cũng giống Ban-zắc xưa viết về người chết song là để nói người sống, đằng sau tiếng cười của Vũ Trọng Phụng, ta thấy được sự phẫn uất cao độ của tác giả đối với xã hội thượng lưu đương thời. Có thể xem đoạn trích là số đỏ thu nhỏ, trong đó tư tưởng và nghệ thuật của tác giả được thể hiện một cách đặc sắc.