Phân tích nhân vật người đàn ông trong "Chiếc thuyền ngoài xa" số 6
Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một trong những tác phẩm tiêu biểu nói về mối quan hệ giữa nghệ thuật cao siêu với thực tế cuộc đời trần trụi đầy nghiệt ngã, khổ đau. Ở đó, bên cạnh người đàn bà làng chài nhẫn nhục, hi sinh, bên cạnh người nghệ sĩ nhiếp ảnh tinh tế với tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp say đắm, còn có nhân vật người người đàn ông thô lỗ, cục cằn. Chính hắn là tác nhân trực tiếp gây nên những khổ đau cho người đàn bà lầm lũi kia. Cũng chính hắn vẽ nên một bức tranh đầy màu đen ngay sau bức tranh mực tàu nghệ thuật tuyệt đẹp về chiếc thuyền ngoài xa của nhân vật Phùng. Qua đó, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn nói lên mối quan hệ chân chính giữa cuộc đời và nghệ thuật vốn rất đẹp đẽ và giàu hoa mỹ.
Câu chuyện bắt nguồn từ việc Phùng đi thực tế để chụp bức ảnh bổ sung vào bộ lịch có chủ đề thuyền và biển. Nhân chuyến đi ấy, Phùng tới chiến trường năm xưa vừa thăm lại kỷ niệm cũ, vừa ghé thăm người bạn cùng thời chiến đấu. Trong buổi sớm hôm ấy, Phùng đã bắt gặp được một cảnh đẹp tuyệt vời với hình ảnh một chiếc thuyền ngoài xa. Trong giây phút xao xuyến ấy, Phùng ngỡ như mình đang đắm chìm trong nghệ thuật, trong cái đẹp. Nhưng khi chiếc thuyền lại gần, mọi thứ đẹp đẽ đều tan biến như bọt biển ập vào bờ vỡ tan. Hình ảnh một gia đình làng chài khổ cực, lam lũ hiện lên trước mắt Phùng.Cảnh tượng người đàn ông cao lớn, vạm vỡ với đôi mắt dữ tợn đang trút trận mưa roi vào người vợ khiến cho Phùng như bừng tỉnh sau một giấc mộng đẹp vô cùng. Đây là sự thật phía sau chiếc thuyền ban nãy của Phùng ư ? Anh không dám tin vào mắt mình.
Nhưng đó là đời thật. Dù sự thật có trái ngược với nghệ thuật thì nó vẫn tồn tại như một chân lý hiển nhiên. Người đàn ông được nhà văn khắc họa với những đường nét đặc trưng của người dân vùng biển : Tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ. Lão đi chân chư bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ lúc nào cũng nhìn dán vào tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng của người đàn bà. Và đúng như dáng vẻ bề ngoài, hành động của lão cũng rất cục cằn, dữ tợn. Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bừng cái giọng rên rỉ đau đơn : “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Bấy nhiêu câu văn cũng quá đủ để nói lên tính cách dữ tợn, vũ phu và độc đoán, vô lương tâm của người đàn ông. Tác giả không nói vì lý do gì mà hắn đánh đập vợ như vậy, nhưng dù là gì đi chăng nữa, trước sự nín lặng và nhẫn nhịn của người đàn bà, người đọc hiểu rằng hắn là một người chồng thô bạo, tính khí vô cùng nóng nảy và rất vô tâm. Theo suy nghĩ thông thường, một người đàn ông là trụ cột gia đình bao giờ cũng là người có tình yêu thương vợ con, lo lắng và chở che cho gia đình của mình. Nhưng ở đây, người đàn ông lấy vợ mình ra để trút bỏ cơn tức giận. Hắn không những không bảo vệ vợ con mà còn hành hạ họ, khiến cho người đàn bà phải cam chịu, phải nhẫn nhịn. Sự hi sinh của bà quá lớn trong khi lão chồng quá nhẫn tâm.
Có lẽ lúc này Phùng đang rất căm tức trước hành động và thái độ của lão. Phùng muốn chạy ngay lại đánh cho hắn một trận thật đau để trả lại sự oan ức cho người đàn bà đau khổ và đứa con tội nghiệp của bà. Nhưng khi được đưa tới tòa án huyện, người đàn bà ấy lại trải lòng mình kể về người chồng vũ phu : Từ nhỏ tôi đã là một đứa con gái xấu xí, lại rỗ mặt sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi rước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chái giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi. Từ trong bản chất của gã chồng vũ phu ấy vẫn còn có những đức tính thiện lương, hắn đã chẳng chê bai người đàn bà xấu xí, rỗ mặt và lấy về làm vợ. Nhưng theo lời người vợ, vì hoàn cảnh sống khó khăn, lại đông con và không có nghề nghiệp gì khác ngoài việc đánh cá trên thuyền nên sự túng quẫn đeo bám khiến cho tính nết gã thay đổi. Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh… Lời kể lể ngập ngừng quá đủ để thấy sự tàn nhẫn của người chồng vũ phu. Lẽ ra lúc khó khăn nhất, là lúc cần người chồng bảo vệ gia đình nhất. Nhưng không, càng khó khăn, càng thiếu thốn, hắn lại càng thể hiện sự cáu bẳn và ác độc. Điều đó càng làm cho cuộc sống gia đình thêm ngột ngạt, khó thở.
Có lẽ rất nhiều người cũng giống như Phùng và Đẩu đều khuyên bà nên bỏ người chồng vũ phu ấy để tự giải thoát cho cuộc đời mình. Nhưng vai trò của người đàn ông trong cuộc sống ấy quá lớn, bà không thể nào bỏ được. Đó cũng chính là hệ quả của việc cải cách đời sống nhân dân chưa triệt để sau những năm đổi mới giành thắng lợi. Bởi họ ngoài nghề đánh cá ra không biết làm nghề gì khác để sinh sống. Dù được cấp đất nhưng không được phổ biến và dạy cách trồng trọt, chăn nuôi… nên họ có đất cũng vô nghĩa. Vậy nên họ không thể rời chiếc thuyền được. Mà cuộc sống trên thuyền gắn liền với những cơn giông bão hiểm nguy. Nếu không có người đàn ông khỏe mạnh chèo lái con thuyền, chắc hẳn họ cũng không thể nào sống được.
Như vậy, dù người chồng có vũ phu, bạc tình bạc nghĩa nhưng trên hết họ vẫn là người có sức khỏe, có đủ khả năng chèo lái con thuyền trước những bão giông. Trong truyện ngắn, hình ảnh của người đàn người làng chài không những là hình ảnh thật của cuộc sống người dân trong những năm cải cách đổi mới mà còn là lời nhắc nhở khéo léo của nhà văn tới thế hệ hôm nay. Rằng người đàn ông luôn đóng vai trò quan trọng trong gia đình, nhưng hãy biết yêu thương, biết đùm bọc vợ con mình. Càng trong lúc khó khăn càng phải giữ vững tinh thần, lạc quan và giàu tình thương. Bởi thế, tới cuối câu truyện, người nghệ sĩ nhiếp ảnh vẫn có được một bộ ảnh nghệ thuật tuyệt vời mang về cho xếp. Dù phía sau chiếc thuyền ngoài xa mờ mờ ảo ảo, chỉ có Phùng mới hiểu được hết ý nghĩa sâu sắc trong đó, nhưng qua lời dẫn dắt truyện tinh tế, giản dị, dễ hiểu của tác giả, người đọc vẫn hiểu được ý nghĩa sâu xa mà ông muốn gửi gắm, muốn truyền đạt.