Phân tích nhân vật người đàn ông trong "Chiếc thuyền ngoài xa" số 4
Nhân vật người đàn ông xuất hiện không nhiều nhưng để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người đọc. Cuộc sống đói nghèo, vất vả, quẩn quanh với bao nhiêu lo toan cực nhọc đã biến “anh con trai cục tính nhưng hiền lành” thành một người chồng vũ phu, một lão đàn ông độc ác. Cứ lúc nào thấy khổ quá, bế tắc quá thì lão lại đánh vợ. Lão đánh như để giải tỏa vất ức, để trút cho sạch nỗi buồn phiền trong cuộc sống. Lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà.
Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng bạo lực trong gia đình hàng chài là do sự tăm tối và thói vũ phu của người đàn ông. Nhưng nguyên nhân xâu xa hơn đó chính là tình trạng đói nghèo. Xa hơn nữa là đời sống bấp bênh kéo dài gây ra tâm lí bế tắc, u uất. Cũng chính vì thế mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nhìn nhận người đàn ông “ mái tóc tổ quạ” chân chữ bát, “hai con mắt đầy vẻ độc dữ” vừa là thủ phạm gây nên bao đau khổ cho những người thân của mình, lại vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn khổ.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Minh Châu lại miêu tả cảnh lão đàn ông vũ phu đánh vợ thường xuyên ở bãi xe tăng hỏng. Phải chăng qua hình ảnh này, tác giả muốn nhấn mạnh cuộc chiến đấu chống đói nghèo tăm tối còn gian nan hơn cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Chừng nào chưa thoát khỏi sự đói nghèo thì chừng đó con người còn phải chung sống với cái xấu, cái ác.
Cách nhìn nhận, miêu tả người chồng vũ phu của nhà văn rất đáng chú ý. Một mặt, Nguyễn Minh Châu lên án thói đánh vợ vũ phu tàn bạo của người chồng. Nhưng mặt khác, nhà văn cũng thấy được cội nguồn của thói vũ phu ấy.
Thói vũ phu của người đàn ông miền biển được nhà văn Nguyễn Minh Châu đặt dưới những góc nhìn phán xét rất khác nhau. Đẩu nhìn dưới góc độ luật pháp. Phùng nhìn dưới góc độ lí lịch, thành phần (lão ta trước thời 75 có đi lính Ngụy không? ). Phát nhìn với con mắt trẻ thơ, thương mẹ và căm ghét bố. Còn với người đàn bà là cái nhìn thương xót, thấu hiểu! Đây cũng là cách để nhà văn Nguyễn Minh Châu đối thoại với bạn đọc. Ông đưa con người vào cái khung đời sống nhiều chiều, dân chủ hóa mối quan hệ giữa nhà văn và công chúng; khơi gợi, nêu vấn đề để bàn bạc chứ không áp đặt chân lí cho người đọc.
Qua nhân vật người đàn ông, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với những cảnh đời, những thân phận trớ trêu, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống đồng thời gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc của mình về nghệ thuật: nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn bó với cuộc đời và vì cuộc đời; người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách giản đơn, cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều. Người đàn ông tuy vũ phu, tàn bạo nhưng thật đáng để thấu hiển và cảm thông.