Phân tích khổ thơ cuối bài thơ "Viếng lăng Bác" số 6
Nếu ở khổ thơ đầu, nhà thơ giới thiệu mình là người con miền Nam thăm Bác thì trong khổ 4 bài thơ Viếng lăng Bác bộc lộ tâm trạng lưu luyến của nhà thơ khi rời xa lăng Bác. Nghĩ đến ngày mai về miền Nam, xa Bác, xa Hà Nội, tình cảm của nhà thơ không kìm nén, ẩn giấu trong lòng mà được bộc lộ thể hiện ra ngoài. Ý thơ thể hiện nỗi niềm thiết tha và ước nguyện của nhà thơ muốn được mãi ở bên Bác. Đây là ước nguyện chân thành, lời hứa thuỷ chung của nhà thơ với Bác. Đó cũng là lời nói hộ ý nguyện của đồng bào miền Nam, của mỗi chúng ta quyết tâm đi theo lí tưởng cao đẹp và con đường cách mạng Bác đã vạch ra:
"Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này… ”
Khổ cuối khép lại những nỗi đau, mất mát mà cả dân tộc đã trải qua khi nghe tin Bác qua đời (1969). Chỉ còn lại những giọt nước mắt của người con viếng muộn: Mai về miền Nam thương trào nước mắt. Nghĩ đến ngày mai về miền Nam, nỗi thương xót trào rơi nước mắt. Không phải rưng rưng, rơm rớm, mà là trào, một cảm xúc thật chân thành, mãnh liệt.
Câu thơ “Mai về miền Nam thương trào nước mắt” như một lời giã biệt. Lời nói giản dị diễn tả tình cảm sâu lắng, thiết tha. Từ “trào” diễn tả cảm xúc thật mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn không muốn xa nơi Bác nghỉ. Đó là không chỉ là tâm trạng của tác giả mà còn là của muôn triệu trái tim khác. Được gần Bác dù chỉ trong giây phút nhưng không bao giờ ta muốn xa Bác bởi Người ấm áp quá, rộng lớn quá.
Nhà thơ ước muốn được là chim, là hoa, là cây nhưng tất cả là ở bên lăng, ở quanh lăng. Con chim dâng tiếng hót, đóa hoa dâng mùi hương, cây tre trung hiếu canh gác giấc ngủ êm đềm. Điệp ngữ “muốn làm” cùng các hình ảnh đẹp của thiên nhiên“con chim”, ”đóa hoa”, ”cây tre” đã thể hiện ước muốn tha thiết, mãnh liệt của tác giả. Ước muốn đó thể hiện tình cảm thành kính, thiêng liêng của nhà thơ, một người con Nam Bộ, nhưng đó cũng là tình cảm của nhân dân miền Nam, của dân tộc Việt Nam đối với Bác.
Đặc biệt là ước nguyện “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” để nhập vào hàng tre bát ngát, canh giữ giấc ngủ thiên thu của Người. Hình ảnh cây tre có tính chất tượng trưng một lần nữa nhắc lại khiến bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng. Hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác được lặp ở câu thơ cuối như mang thêm nghĩa mới, tạo ấn tượng sâu sắc, làm dòng cảm xúc được trọn vẹn.
“Cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ thể hiện lòng kính yêu, sự trung thành vô hạn với Bác, nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Người đã đưa đường chỉ lối. Đó là lời hứa thủy chung của riêng nhà thơ và cũng là ý nguyện của đồng miền Nam, của mỗi chúng ta nói chung với Bác.
Khổ 4 bài thơ ‘Viếng lăng Bác’ diễn tả nỗi niềm riêng nhưng mang tình cảm khái quát chung. Tác giả đã viết một loạt câu thơ không chủ ngữ, nhấn mạnh ba lần điệp ngữ muốn làm như một khát vọng khôn nguôi. Khát vọng của những người đã một lần được về thăm lăng, những người chưa một lần được đến thăm lăng mà tấm lòng luôn hướng về Bác kính yêu.