Phân tích hình ảnh người nông dân trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" bài 6

“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu là bức tượng đài bi tráng về người anh hùng nông dân nghĩa sĩ. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học, hình tượng người nông dân mới được dựng lên hoàn chỉnh và đẹp đẽ đến vậy. Với tác phẩm này, Nguyễn Đình Chiểu đã hoàn chỉnh bức tranh về vẻ đẹp anh hùng, dũng cảm của người nông dân.


Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Đến tháng 2/1859 thực dân Pháp chiếm được Gia Định và tấn công các vùng phụ cận (Gò Công, Cần Giuộc). Ngày 14 tháng 12 năm 1861, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Cần Giuộc giành được thắng lợi ban đầu: chém đầu được một tên quan hai của Pháp và khá nhiều lính thuộc địa, chiếm đóng được đồn giặc. Ngày 16 tháng 12 năm 1862, giặc phản công, hai mươi nghĩa quân bị giết chết. Bởi vậy, tuần phủ Gia Định lúc bấy giờ là Đỗ Quang đã yêu cầu Nguyễn Đình Chiểu viết một bài văn tế để đọc trong lễ truy điệu của các nghĩa sĩ Cần Giuộc.


Hình ảnh người nông dân, không phải là chưa bao giờ xuất hiện trong văn học Trung đại, tác phẩm Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã từng nhắc đến họ: “Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập” (Dựng gậy làm cờ, mạnh lệ bốn phương tụ hội). Đây là lần đầu người nông dân được nhắc đến trong văn chương, song vì tính chất của một bản tuyên ngôn nên Nguyễn Trãi không có điều kiện để khắc họa rõ nét chân dung người nông dân mà mới chỉ dừng lại ở việc khẳng định vị trí, vai trò của họ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.


Còn đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, bức tranh chân dung và tinh thần người nông dân được dựng lên hoàn chỉnh đến vậy. Họ được khắc họa từ cuộc sống sinh hoạt đời thường cho đến đời sống tinh thần, từ vẻ ngoài chất phác, hồn hậu cho đến lòng dũng cảm, kiên cường sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước. Đây chính là phát hiện mới mẻ của Nguyễn Đình Chiểu đối với người nông dân – lực lượng nòng cốt trong mọi cuộc kháng chiến, song lại ít khi được nhận thức đúng đắn về vai trò lịch sử.


Mở đầu, phần lung khởi tác giả đã khái quát được bối cảnh thời đại và khẳng định vị trí, ý nghĩa của người nghĩa sĩ nông dân: “Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ/Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao; một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ”. Đây là một thời đại bi tráng, khổ nhục như vĩ đại, thời đại đó đã sản sinh ra những người nông dân nghĩa sĩ với lòng yêu nước nồng nàn. Câu văn ngắn, chỉ có tám chữ: “súng giặc/lòng dân, đất rền/trời tỏ” gợi lên không khí thời đại sục sôi, căng thẳng, quyết liệt của nhân dân ta trong quá trình chiến đấu với kẻ thù. Hai câu văn tuy ngắn nhưng lại có ý nghĩa quan trọng, tạo thành bệ đỡ để thấy được vẻ đẹp của tượng đài nghĩa sĩ nông dân phía sau.


Những người nghĩa sĩ nông dân khi chưa có quân giặc xâm lược họ sống và làm việc với cuộc đời đầy lam lũ, cực nhọc: “Cui cút làm ăn, toan lo nghèo đói”. Cuộc đời họ quanh quẩn sau lũy tre làng, cùng với công việc đồng áng vất vả: “chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ”, “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm” họ hoàn toàn xa lạ với việc đao binh: “tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó”. Cuộc đời họ gắn bó với làng ruộng, gắn bó với quê hương, bởi vậy, khi nghe tin giặc tới xâm lược, họ đặt trọn niềm tin vào triều đình: “Trông tin quan như trời hạn trông mưa” và họ mang trong mình lòng căm thù giặc sâu sắc: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”. Không chỉ vậy, họ còn là người có ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước khi tổ quốc lâm nguy, dù không được học binh pháp nhưng họ sẵn sàng hi sinh bản thân vì sự bình yên của quê hương, đất nước.


Người nông dân vốn chỉ tay cuốc, tay cày “trong trận nghĩa đánh Tây vụt đứng lên thành những anh hùng hiên ngang, lẫm liệt”. Đâu còn hình bóng của những con người chỉ biết trong làng bộ, tầm nhìn hạn hẹp, chỉ trong phút chốc họ đã lớn dậy trưởng thành với tinh thần chiến đấu sục sôi. Vũ khí được trang bị thô sơ, hầu hết là những vật dụng sinh hoạt hàng ngày: ngọn tầm vông, rơm con cúi, lưỡi dao phay,… Nhưng tinh thần của họ lại bừng bừng khí thế và sự nhiệt huyết xông tới chiến đấu với kẻ thù: “đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không”, “xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”,… Hành động hết sức mạnh mẽ, quyết liệt: “kẻ đâm ngang, người chém ngược làm cho mã tà, ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ”. Đoạn thơ đã miêu tả được không khí hào hùng của trận đấu, tác giả sử dụng liên tiếp các động từ: đạp, lướt, xô, xông, đâm,… giúp cực tả không khí hào hùng, hành động dứt khoát, dũng mãnh của những con người vì nghĩa lớn mà quên thân mình.


Khi khắc họa hình tượng người nông dân nghĩa sĩ, người viết hoàn toàn sử dụng bút pháp hiện thực, chân dung của họ được tái hiện chân thực nhất từ dáng vẻ về ngoài, cho đến cuộc sống lao động vất vả hàng ngày,… Nguyễn Đình Chiểu đã vận dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như so sánh (ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ…). Đặc biệt là thủ pháp đối lập được sử dụng nhiều: lướt tới/ xông vào, đâm ngang/ chém ngược, manh áo vải, ngọn tầm vông/ đạn to, đạn nhỏ,… Các thủ pháp nghệ thuật trên đã góp phần khắc họa vẻ đẹp anh dũng, bi tráng của người nông dân nghĩa sĩ.


Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là bản anh hùng ca ngợi ca những người nông dân nghĩa sĩ anh dũng, bất khuất, kiên cường. Hình ảnh, sự hy sinh của họ là minh chứng cho lòng yêu nước nồng nàn, cho triết lý sống ngàn đời của ông cha ta: “Chết vinh còn hơn sống nhục”.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |