Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ "Tây Tiến" bài 9
Mỗi một vùng đất mà con người có cơ hội đặt chân đến ắt hẳn sẽ ít nhiều để lại trong lòng họ những ấn tượng khó phai. Với Quang Dũng thì Tây Bắc – nơi đoàn binh của ông đã từng sống và hoạt động không chỉ là một miền nhớ dạt dào bởi ở đó có bóng dáng của những người đồng đội thân thương mà nó còn để lại trong tâm trí nhà thơ những dấu ấn về hình ảnh thiên nhiên. Thiên nhiên ấy, tuy hoang sơ, xa xôi, hùng vĩ và dữ dội nhưng cũng rất thơ mộng và trữ tình. Những kí ức tươi đẹp về thiên nhiên của vùng đất Tây Bắc đầy kỉ niệm của một thời lính trẻ sẽ được Quang Dũng thể hiện trong những vần thơ của thi phẩm “Tây Tiến”.
Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên Tây Tiến hay hình tượng người lính trong bài thơ, người đọc trước hết cần nắm được đôi nét về tác giả cũng như tác phẩm. Quang Dũng, sinh năm 1922 – mất năm 1988, quê ở Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông tên thật là Bùi Đình Diệm và nổi tiếng với vai trò là một nhà thơ với vô số những tác phẩm tiêu biểu cho nền văn học nước nhà: “Rừng biển quê hương” (1957), “Đường lên Châu Thuận” (1964), “Rừng về xuôi” (1968), “Mây đầu ô” (1986).
Bên cạnh việc thể hiện sự tài hoa của mình trong nghệ thuật thơ ca, nhà thơ còn cho thấy nhiều năng khiếu khác của bản thân như vẽ tranh, soạn nhạc, viết văn… Cũng giống như biết bao người trai trẻ có lí tưởng phụng sự sức mình cho đất nước, Quang Dũng cũng xung phong vào lực lượng bộ đội nước nhà để rồi trở thành một nhà thơ – chiến sĩ gốc Hà Thành hào hoa, lịch thiệp.
Đặc biệt, sự sôi nổi, hăng hái trong cả việc quân ngũ và sáng tác được thể hiện nhất là vào giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám. Chính tài năng và những dấu ấn của Quang Dũng trong thơ văn đã làm nên sự thành công trong sự nghiệp sáng tác, giúp ông được vinh danh với giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Có thể thấy, bức tranh thiên nhiên Tây Tiến hiện lên trong tác phẩm mang vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội lại rất diễm lệ và trữ tình. Cảm nhận bức tranh thiên nhiên Tây Tiến chính là việc phân tích những nét đẹp đó về núi rừng thiên nhiên Tây Bắc. Qua những vần thơ mà Quang Dũng thể hiện, bức tranh thiên nhiên Tây Tiến được tái hiện với những nét vẽ vừa hùng vĩ, vừa dữ dội. Mỗi một địa danh xuất hiện trên trang viết lại mang tính chất rất đặc trưng:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Bức tranh thiên nhiên Tây Tiến còn hiện lên với hình ảnh Sài Khao, Mường Lát với “sương lấp”, “đêm hơi” đã gợi ra sự bất lợi của điều kiện thiên nhiên. Phải sống và làm việc trong địa hình lúc nào cũng có sương phủ, hơi lạnh ắt hẳn người lính cũng phải chịu rất nhiều những khổ cực, gian nan. Động từ “lấp” đã cho thấy sự lấn lướt con người của màn sương nơi đây cũng như cho thấy được cái khó khăn cái lạnh giá nơi núi rừng. Những khổ cực, gian nan ấy cứ kéo dài từ ngày này qua tháng đã làm cho những vất vả mà “đoàn quân mỏi” thêm phần nặng nề, khó khăn hơn nữa. Không chỉ gặp khó khăn điều kiện thời tiết mà chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến cũng rất trắc trở, gập ghềnh:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
Câu thơ có sự xuất hiện của điệp từ “dốc” đã tạo nên cảm giác trúc trắc, vời vợi của chặng đường phía trước mà những người chiến sĩ phải vượt qua. Không những vậy, những khó khăn, trở ngại ấy lại như được tiếp nối khi địa hình được miêu tả với các đặc tính “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”. Đây là những từ láy tượng hình có kết cấu nhiều thanh trắc đã đặc tả sự hiểm trở của bước đường hành quân.
Con đường ấy không chỉ vừa cao vừa hun hút mà còn hiu hắt và vắng lặng đến vô cùng. Từ “ngàn thước” được lặp lại hai lần cùng với cặp từ tương phản “lên” – “xuống”. Cùng với nhịp thơ 4/3 đã khiến cho độ cao, độ sâu của địa hình thêm đậm nét. Bức tranh thiên nhiên Tây Tiến còn hiện lên qua hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời” vừa gợi được độ cao của con dốc vừa gợi được cái tinh nghịch trẻ trung của người lính Tây Tiến.
Đứng trước độ cao của con dốc phóng tầm nhìn chẳng thấy gì ngoài mây trắng che phủ nhưng người lính không cảm thấy sợ hãi cũng không thấy mệt mỏi mà họ vẫn có thể nhìn thiên nhiên bằng con mắt yêu đời. Người lính hành quân vừa phải trải qua những đoạn đường trúc trắc, đứt gãy mà còn đối mặt với sự hiểm nguy, rợn ngợp của núi rừng và thú dữ:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.
Sự hùng mĩ mà đầy dữ dội của bức tranh thiên nhiên Tây Tiến còn thể hiện qua sự rình rập của cọp dữ, tiếng gầm thét của thác cao như muốn góp thêm phần mình vào những trở ngại để thử thách lòng dũng cảm của người lính. Nhưng dưới sự dữ dội có ẩn chứa những bất trắc như thế, người lính dù quả cảm đến như thế nào thì cũng có lúc họ đã trở nên đuối sức rồi “gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Hình ảnh nhân hóa kết hợp với vòng thời gian “chiều chiều”, “đêm đêm” cho thấy sự khó khăn lặp đi lặp lại như một điều quen thuộc với người lính tây tiến. Và góp phần tạo được nhạc điệu cho dòng thơ, diễn tả được cái âm thanh của núi rừng bạt ngàn.
Thế nhưng, khi chứng kiến sự ra đi của những người anh hùng áo lính, núi sông Tây Bắc trong phút tiễn đưa các anh dù vẫn hùng thiêng, dữ dội nhưng lại gây một sự xúc động lớn lao trong lòng người vì tiếng thét gầm vang dội:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Có thể thấy sự ra đi của người chiến sĩ đã có sức rung động lớn lao đến thiên nhiên tạo vật. Rõ ràng, trong trí nhớ của những người lính, Tây Bắc là vùng đất có thiên nhiên rất đỗi kì vĩ, tráng lệ và gắn liền với từng chặng đường hành quân của các anh. Những gì các anh từng trải qua, những điều các anh từng cố gắng đều in dấu lên các sườn dốc, nẻo đường của vùng đất ấy…
Thế nên, có lẽ đối với các anh, bức tranh thiên nhiên Tây Tiến nơi đây dù không ít lần thử thách lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn bởi sự hùng vĩ, dữ dội nhưng có lẽ nó cũng đỡ trở thành người bạn đường đồng hành cùng người chiến sĩ trong công tác chiến đấu. Do vậy, khi một trong số những “người bạn” của mình không may phải hy sinh thì vạn vật cũng tiếc thương khôn xiết. Viết “Tây Tiến”, Quang Dũng đồng thời đã phác họa nên trước mắt người đọc bức tranh về thiên nhiên của vùng đất này. Trong bức tranh ấy, có những đường nét mạnh mẽ, dữ dội như đã nói ở phần trên nhưng cũng có khi, thiên nhiên xuất hiện với vẻ đẹp dịu dàng, trữ tình:
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Dòng thơ như vẽ ra trước mắt người đọc một khung cảnh bao la rộng lớn của núi rừng. Không gian ấy như bị bủa vây bởi cơn mưa ngút trời. Nhưng nét độc đáo ở đây là cơn mưa ấy không gợi lên một không khí u ám mệt mỏi hay nặng nề hoang vắng mà ngược lại là một cảm giác thơ mộng, ấm áp. Bởi sự xuất hiện của hình ảnh “nhà”.
Mái nhà hiện lên trong tầm mắt của người chiến sĩ khi anh phóng tầm mắt ra khơi. Mái nhà ấy gợi biết bao nhiêu tình cảm. Đó chính là điểm tựa là động lực để người lính Tây Tiến chiến đấu – chiến đấu để bảo vệ những mái nhà hạnh phúc ấm êm. Đại từ “ai” càng khiến cho hình ảnh ngôi nhà như chìm sâu vào mộng ảo. Câu thơ toàn thanh bằng như một hơi thở nhẹ nhàng của người lính. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã đủ tiếp sức cho người lính trên bước đường hành quân mệt mỏi này.
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Nếu như trước đó, những câu thơ gợi lên sự trắc trở, gập ghềnh của chặng đường hành quân thì những câu thơ này đã làm thiên nhiên Tây Bắc như thơ mộng hơn khi nó xuất hiện cùng với hình ảnh bữa cơm ấm nồng nghi ngút khói, nếp xôi thơm lừng cả xóm thôn. Chính những hình ảnh đó đã tạo ra không gian thật gần gũi, quen thuộc của cuộc sống giữa tình thân với những bữa cơm đầm ấm mà mỗi người lính Tây Tiến đã từng có nơi quê nhà. Đặc biệt, khi đưa tầm mắt ra xa để thấy thấp thoáng bóng dáng “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” thì người chiến sĩ như tìm được cho mình điểm tựa để được vỗ về, an ủi sau biết bao những mỏi mệt, gian lao đã trải qua.
Không gian, cảnh vật trong bức tranh thiên nhiên Tây Tiến bỗng chốc đáng yêu đến vô cùng, thậm chí có thể giúp những người lính trẻ bộc lộ nét hóm hỉnh, tếu táo đùa vui: núi cao “heo hút cồn mây” vời vợi là thế, khiến các anh vất vả là thế nhưng chẳng phải đã tạo ra hình ảnh “súng ngửi trời” rất thú vị đó sao? Chính sự lạc quan, vui vẻ, xem thường những trở ngại, khó khăn trong hành trình hành quân đã khiến người lính Tây Tiến như đứng ở vị thế làm chủ thiên nhiên. Bước đường hành quân có lẽ vì vậy mà cũng vơi dần nhọc nhằn, vất vả. Bức tranh thiên nhiên Tây Tiến mang đặc trưng của vùng núi rừng hùng vĩ, tráng lệ, cũng có khi trữ tình, nhẹ nhàng và đã có lúc như chất chứa biết bao nỗi niềm, tâm tình của người lính với sự thơ mộng khiến con người lưu luyến, vấn vương:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Bốn câu thơ vừa cho thấy nét thơ, vừa thể hiện chất họa của một miền sông nước Tây Bắc mà cảm giác gợi lên trong lòng người những cảm giác mênh mang, huyền ảo vì được chứng kiến một xứ sở tuyệt đẹp như trong cổ tích thuở xưa. Ba từ “chiều sương ấy” đã gợi lên không gian bao la, rộng lớn và gợi lên một thời khắc đã qua. Trong không gian và thời gian ấy, cảnh vật như cũng có linh hồn riêng của nó (“hồn lau”) và con người thì xuất hiện thật duyên dáng trên chiếc “độc mộc” xinh xinh.
Thêm vào đó, hình ảnh dòng nước có hoa trôi rất tình tứ trong trạng thái “đong đưa” như làm dịu đi tính chất mạnh mẽ, ào ạt củ dòng nước lũ đổ về. Chỉ với vài nét chấm phá đơn sơ, cảnh vật và con người đã ẩn hiện trong màn sương của núi rừng Tây Bắc.
Nhà thơ không chỉ cố gắng làm hiện lên trước mắt người đọc cái vẻ huyền ảo của thiên nhiên, sự quyến rũ của con người mà còn tạo nên nỗi ám ảnh trong lòng người đọc bởi cái hồn của cảnh ấy và người ấy. Cách lặp từ linh hoạt “có thấy”, “có nhớ” cũng góp phần làm cho nỗi nhớ mênh mang và cảm giác ấn tượng thêm sâu sắc trong lòng người. Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên Tây Bắc ta còn thấy vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của mảnh đất nơi đây dường như được khảm sâu và vang vọng vào lòng người bằng những câu thơ với nhiều thanh bằng như xoa dịu đi những gian khó, nhọc nhằn, vất vả.
Về nội dung, bài thơ “Tây Tiến” đã cho người đọc hình dung về một bức tranh tuyệt đẹp giữa ý chí, lòng quyết tâm của những người chiến sĩ Tây Tiến và sự hùng vĩ, trữ tình của thiên nhiên nơi đây. Những ấn tượng về bức tranh thiên nhiên Tây Tiến và hình ảnh con người được tạo nên trong những vần thơ của Quang Dũng đã cho thấy sự thành công của tác giả về phương diện nghệ thuật.
Đó là việc nhà thơ đã sử dụng ngòi bút tả thực, không hề né tránh những mất mát, hy sinh cùng bút pháp lãng mạn, bay bổng. Bên cạnh đó, sự linh hoạt trong giọng thơ (khi trang trong, đau thương, lúc nhẹ nhàng, bay bổng) cùng với nhiều phép tu từ đặc sắc (đặc biệt là phép nói giảm nói tránh) đã tạo nên dấu ấn khó phai khi nhắc đến thi phẩm “Tây Tiến”.
Tóm lại, bằng những nét vẽ vừa gân guốc, cứng cỏi nhưng cũng rất thanh thoát, nhẹ nhàng, Quang Dũng đã gợi nên một bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ, mĩ lệ nhưng lại vô cùng thơ mộng. Thông qua bức tranh thiên nhiên Tây Tiến ấy, dường như nhà thơ cũng đã kín đáo gửi gắm sự ngợi ca của mình về vẻ đẹp tâm hồn của người lính: trong khó khăn, gian khổ vẫn luôn lạc quan, lãng mạn, hào hoa và tràn đầy niềm tin vào cách mạng.