Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ "Tây Tiến" bài 11
Tác phẩm “Tây Tiến” là một trong tác phẩm thành công nhất của chàng thi sĩ Hà thành Quang Dũng. Từ thiên nhiên hùng vĩ tới tâm tình người lính trẻ đều được nhà thơ khắc họa chân thực, đầy kiêu hùng.
"Tây Tiến" giúp người đọc cảm nhận được tâm hồn lãng mạn của chàng trai Hà Nội - Quang Dũng. Đường ra trận dù hiểm nguy, cái chết cận kề nhưng vẫn có những phút giây thư thái ngắm nhìn thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ. Tây Tiến” được sáng tác năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, một làng nhỏ ven sông Đáy hiền hòa, được xem là tác phẩm tiêu biểu cho đời thơ của Quang Dũng và cũng là một thi phẩm đặc sắc viết về người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Trước và sau Tây Tiến đã có biết bao chân dung người lính được tạc vào dòng chảy bất tận của văn chương nước nhà nhưng những chàng trai Tây Tiến vẫn có một cái gì đó rất riêng. Những nét riêng ấy không chỉ toát ra từ tâm hồn hào hoa đa tình lãng mạn của những chàng trai trẻ đất Hà thành năm ấy mà chính thiên nhiên Tây Bắc đã góp phần giúp họ làm nên dáng vẻ độc, lạ, ấn tượng và cũng rất đỗi hiên ngang kiêu hùng trên mỗi bước đường hành quân. Cho nên đọc Tây Tiến không chỉ để hiểu thêm về chân dung những người đồng đội của Quang Dũng mà còn được đắm mình vào thiên nhiên Tây Bắc để cảm nhận tất cả vẻ đẹp hùng vĩ mà cũng rất đỗi nên thơ của nó.
Thiên nhiên Tây Bắc từ trong hiện thực đi vào thơ văn hình như không bao giờ mất đi những vẻ đẹp vốn có của nó. Vẫn là nét hùng vĩ dữ dội toát lên từ những đỉnh núi cao vời vợi, cao chạm đến trời; toát lên từ những cung đường quanh co uốn lượn giữa muôn ngàn núi non trùng điệp với những triền dốc cheo leo. Nhưng cách mà Quang Dũng miêu tả mới thật là ấn tượng bởi những câu thơ được xem là tuyệt bút:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha luông mưa xa khơi”
Những từ láy: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” như gợi lên đầy đủ đặc điểm của rừng núi Tây Bắc sâu thẳm ngút ngàn và vẽ ra một khung cảnh thật hùng vĩ. Trong câu chữ hiện ra hình ảnh những con dốc ngoằn ngoèo trong cái địa thế vô cùng hiểm trở của những dốc núi dựng đứng với “ngàn thước lên cao” rồi bất ngờ đổ xuống “ngàn thước xuống” thành những vực sâu thăm thẳm gợi cảm giác địa hình đứt gãy đột ngột đến ghê rợn. Không gian vì thế cũng trở nên hoang sơ, hùng vĩ biết bao.
Nhưng Tây Bắc đâu chỉ có cảnh dốc lối dốc, đèo nối đèo mà trên dọc đường hành quân của những chàng trai Tây Tiến, họ cũng bắt gặp những khoảnh khắc nên thơ của núi rừng Tây Bắc. Từ trên đỉnh Pha Luông vời vợi, khung cảnh bản làng chìm lấp ẩn hiện giữa cơn mưa rừng mờ mịt đến mênh mông tạo cảm giác thật bâng khuâng, mát dịu đến nao lòng.
Có thể nói, vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây Bắc không chỉ đến từ sự cảm nhận tinh tế của Quang Dũng mà trở nên thật ấn tượng bởi ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ đa tài: tài dùng ngôn ngữ, tài “gieo rắc” thanh điệu đến bất ngờ để rồi từ đó cảnh vật hiện ra như vẽ, âm hưởng ngân lên như nhạc. Đường nét vừa gân guốc vừa mềm mại theo âm điệu bằng trắc làm cho thiên nhiên Tây Bắc hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Núi rừng Tây Bắc còn là nơi ẩn chứa vô vàn những điều kì thú làm say lòng những tâm hồn lãng mạn của những chàng trai Tây Tiến.
Chinh chiến qua nhiều vùng đất, mỗi địa danh, mỗi tên gọi đều gợi lại biết bao kỉ niệm. Nhớ đến Sài Khao với cảnh sương núi chập chùng qua câu thơ “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”. Và Mường Lát thì “hoa về trong đêm hơi”. Dù hoa rừng hay sương núi quyện lại thì đều khiến cho Tây Bắc trở nên thật diệu kì với cảnh hoa nở về đêm.
Còn đặt chân đến Mường Hịch cùng với sự luân chuyển tuần hoàn của thời gian chiều chiều, đêm đêm giữa núi rừng miền Tây hoang dã lại càng cảm nhận hết vẻ bí hiểm dữ dội của thiên nhiên với những âm thanh của “thác gầm thét”, với bóng dáng lởn vởn của những vị chúa tể sơn lâm xuất hiện để “trêu người”. Nhưng tất cả dường như chỉ để thử thách ý chí can trường của những chàng trai Tây Tiến mà thôi. Thiên nhiên càng dữ dội, chân dung người lính càng hiện ra một cách hào hùng bởi thiên nhiên ấy luôn làm phông nền để nổi bật con người. Thiên nhiên ấy là một phần trong họ nên thật gần gũi thân thương.
Đến với Tây Bắc, người đọc càng không quên vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất Châu Mộc. Khung cảnh bằng bạc với hình ảnh lau lách ngút ngàn trong sương chiều gió núi. Với những bông hoa rừng đong đưa bên bờ suối bên những dòng nước lũ. Cái thực cái ảo quyện vào nhau; cái gân guốc, cái mềm mại được đặt cạnh nhau.
Câu chữ của Quang Dũng, từ: chiều sương ấy, hồn lau, đong đưa... cho đến âm hưởng luyến láy trong những cấu trúc: có thấy...; có nhớ... đã lột tả được những đường nét, màu sắc lẫn linh hồn của tạo vật. Cảnh vật vừa sống động vừa thấp thoáng nét hoài niệm đậm chất cổ điển mà cũng rất hiện đại. Cảnh thực mà như mộng trong thế giới nhớ thương của thi nhân thật lưu luyến lòng người.
Có thể nói, miền đất Tây Bắc, nơi địa đầu của Tổ quốc, đã bao lần đi vào trong thơ văn nhạc họa. Nhưng với “Tây Tiến” vẫn lưu lại những ấn tượng rất riêng trong lòng bạn đọc bởi thiên nhiên ấy được viết nên bởi một tâm hồn lãng mạn và một tình cảm đắm say của người lính. Tây Tiến có thể xem là một trong những bài thơ “đi cùng năm tháng” và cảm tưởng như theo thời gian, Tây Tiến càng để lại cũng cảm xúc mặn mà hơn trong lòng bạn đọc – một bài thơ được dệt nên từ niềm thương nỗi nhớ trong lòng Quang Dũng khi hướng về đồng đội và núi rừng Tây Bắc một thời gắn bó.